Mặc dù đã có nhiều cảnh báo của các chuyên gia về tính bảo mật yếu của mạng wifi công cộng nhưng thực tế vẫn có nhiều người thực hiện các giao dịch tài chính thông qua các wifi công cộng tại quán café, sân bay, điểm truy cập Internet ở ngoài hàng quán...

Nhiều người mất tiền, tài khoản cá nhân vì dùng wifi công cộng

tuyetnhung | 22/05/2017, 15:01

Mặc dù đã có nhiều cảnh báo của các chuyên gia về tính bảo mật yếu của mạng wifi công cộng nhưng thực tế vẫn có nhiều người thực hiện các giao dịch tài chính thông qua các wifi công cộng tại quán café, sân bay, điểm truy cập Internet ở ngoài hàng quán...

Thời gian qua, nhiều quốc gia trên thế giới đã đồng loạt phát đi cảnh báo về nguy cơ tấn công của virus Wannacry trên Internet. Sự việc tiếp tục được đẩy lên mức cảnh báo cao hơn, khi ngày càng nhiều tổ chức, quốc gia bị virus Wannacry tấn công và gây thiệt hại.

Tại Việt Nam, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) vừa qua cho biết nhiều trường hợp cũng bị virus này tấn công, tuy nhiên thực tế cho thấy một trong những nguyên nhân chính gây ra là do sự chủ quan, thiếu cảnh giác của người tiêu dùng trong việc bảo đảm an toàn cho chính bản thân mình.

Cục lấy ví dụ vụ việc tài khoản thẻ hoặc tài khoản ngân hàng bị mất tiền không rõ nguyên nhân thời gian gần đây. Một trong những cách thức để kịp thời phát hiện và ngăn chặn việc tài khoản bị rút tiền không rõ nguyên nhân đã được các ngân hàng liên tục cảnh báo và hướng dẫn khách hàng thực hiện là đăng ký dịch vụ thông báo biến động tài khoản qua tin nhắn điện thoại.

Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng, mặc dù để số tiền lớn trong tài khoản nhưng không đăng ký sử dụng dịch vụ trên. Vì vậy, khi có các giao dịch phát sinh trái phép, người tiêu dùng không được thông báo, không biết nên không kịp liên hệ để ngân hàng tạm khóa tài khoản. Nếu kịp thời biết về các giao dịch trái phép, người tiêu dùng hoàn toàn có thể ngăn chặn thất thoát một phần tiền từ tài khoản của mình.

Một ví dụ nữa là việc thực hiện giao dịch tài chính tại các điểm wifi công cộng. Một trong các dịch vụ này là việc thực hiện các giao dịch tài chính trên các ứng dụng di động của ngân hàng được cài đặt trên điện thoại. Mặc dù đã có nhiều cảnh báo của các chuyên gia về tính bảo mật yếu của mạng wifi công cộng, nhưng thực tế vẫn có nhiều người tiêu dùng thực hiện các giao dịch tài chính thông qua các wifi công cộng tại quán café, tại sân bay, tại điểm truy cập Internet ở ngoài hàng quán...

Nhiều trường hợp như vậy đã bị đánh cắp thông tin tài khoản, bị mất mật khẩu và bị lợi dụng để thực hiện các giao dịch trái phép trên tài khoản của người tiêu dùng.

Ngoài ra, cũng có thể nhắc đến việc chụp các hình ảnh có thông tin cá nhân hoặc thông tin giao dịch để chia sẻ với bạn bè. Trong thời gian vừa qua đã có vụ việc hành khách chụp và chia sẻ vé máy bay trên các phương tiện thông tin đại chúng. Theo các chuyên gia, chỉ cần sử dụng phần mềm đơn giản có thể đọc được những thông tin lưu giữ trên mã vạch của vé máy bay, ví dụ: họ tên hành khách, lịch sử bay, tình trạng đặt chỗ, một số trường hợp có thể truy cập được thông tin tài khoản mà hành khách sử dụng để giao dịch...

Hay thậm chí, người tiêu dùng có thể nhận được tin nhắn từ một kẻ giả làm đại diện ngân hàng với thông điệp cảnh báo về những lỗ hổng bảo mật và yêu cầu gọi điện đến số điện thoại hỗ trợ miễn phí. Sau đó, chúng sẽ yêu cầu được cấp tài khoản và mật khẩu để xác nhận. Hoặc hình thức tương tự là người tiêu dùng nhận được email thông báo cần cung cấp thông tin tài khoản để thực hiện một số biện pháp xác nhận của ngân hàng.

Rất nhiều người tiêu dùng đã cung cấp chi tiết các thông tin cho đối tượng lừa đảo, dẫn đến, tài khoản bị truy cập và lấy tiền trái phép. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, với việc giả danh là cơ quan công an đang điều tra một vụ án, đối tượng lừa đảo rất dễ dàng hướng dẫn người tiêu dùng chuyển tiền trực tiếp vào một tài khoản được chỉ định để phục vụ cho việc xem xét điều tra.

Liên quan đến virus Wannacry, Cục Quản lý cạnh tranh cũng thống kê tính đến ngày 15.5 vừa qua, đã có 150 quốc gia bị ảnh hưởng bởi cuộc tấn công của virus nêu trên, hơn 200.000 máy tính đã bị chiếm quyền sử dụng dữ liệu, một vài sự cố đã được ghi nhận.

Ví dụ, một phần hệ thống vé tàu lửa đã dừng hoạt động ở Đức, một số dịch vụ công của Trung Quốc tạm thời bị gián đoạn, thậm chí, mạng Internet ở Oman đã bị tạm dừng hoạt động nhằm ngăn chặn khả năng lây lan.

Khả năng lây lan nhanh và mối nguy hiểm trong việc sử dụng các thông tin bị virus Wannacry đánh cắp đã khiến Microsoft phát đi thông điệp cảnh báo chính phủ các nước cần quan tâm đặc biệt đến sự kiện này, đồng thờinhận định đây là "hồi chuông cảnh báo" cho toàn thể thế giới.

"Vụ việc tấn công của virus Wannacry rõ ràng cho thấy những rủi ro liên quan đến an ninh mạng mà người tiêu dùng nói riêng và người dân nói chung có thể gặp phải trong thời đại của thế giới kỹ thuật số. Điều nguy hiểm hơn, trong thời đại kỹ thuật số, hầu như tất cả các lĩnh vực liên quan đến đời sống của con người, từ sức khỏe, tài chính, đi lại, mua sắm…cho đến truyền thông, giải trí…đều được phát triển trên nền tảng kỹ thuật số.

Phạm vi tấn công của Wannacry còn cho thấy, không chỉ các phương tiện kết nối Internet bị ảnh hưởng mà ngay cả các thiết bị offline, ví dụ như các cây ATM cũng nằm trong diện bị tấn công", Cục Quản lý cạnh tranh cho biết.

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác tại Brazil và Dominicana
9 phút trước Sự kiện
Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Brazil và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, thăm chính thức nước Cộng hòa Dominicana đã thành công tốt đẹp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều người mất tiền, tài khoản cá nhân vì dùng wifi công cộng