Ngày 25.1 (rạng sáng 26.1 theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông và phe Dân chủ đã đạt được một thỏa thuận pháp lý về việc mở cửa lại chính phủ Mỹ để hoạt động cho đến ngày 15.2 tới.

Nhìn lại một tháng căng thẳng giữa 2 đảng khiến chính phủ Mỹ phải đóng cửa

TTXVN | 26/01/2019, 08:59

Ngày 25.1 (rạng sáng 26.1 theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông và phe Dân chủ đã đạt được một thỏa thuận pháp lý về việc mở cửa lại chính phủ Mỹ để hoạt động cho đến ngày 15.2 tới.

Phát biểu tại Nhà Trắng, ông Trump nói: " Hôm nay, tôi rất tự hào tuyên bố rằng chúng tôi đã đạt một thỏa thuận chấm dứt việc đóng cửa và bắt đầu mở cửa lại chính phủ liên bang".

Ông Trump đưa ra phát biểu trên cùng thời điểm một ủy ban gồm các thành viên của cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa sắp gặp nhau để thảo luận về an ninh biên giới.

Mặc dù bảo vệ dự án xây tường biên giới của mình, Tổng thống Trump không đưa ra một tuyên bố chắc chắn về yêu cầu cấp 5,7 tỉUSD để xây tường biên giới - một trong những lời hứa quan trọng trong chiến dịch tranh cử của ông.

Trước đó, ngày 23.1, trong bối cảnh người dân và doanh nghiệp trong nước đã "thấm đòn" trước những tác động của việc chính phủ đóng cửa một phần hiện đã bước sang tháng thứ 2,giới lãnh đạo Thượng viện Mỹ đã nhất trí tiến hành bỏ phiếu về những đề xuất nhằm mở cửa lại một loạt các cơ quan chính phủ bị đóng cửa một phần kể từ ngày 22.12.2018.

Lãnh đạo phe đa số đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell và thủ lĩnh phe thiểu số đảng Dân chủ Chuck Schumer tuyên bố hai đảng đã thống nhất tiến hành cuộc biểu quyết đối với hai phương án mở cửa một phần chính phủ vào ngày 24.1.

Phương án thứ nhất là một bước đi mang tính thủ tục cho phép mọi nhánh chính quyền đang bị đóng cửa được cấp ngân sách đến tháng 9 tới. Kế hoạch này bao gồm cả đề nghị cấp tiền xây tường biên giới của Tổng thống Mỹ Donald Trump và đề xuất của ông chủ Nhà Trắng về chính sách nhập cư.

Cuộc biểu quyết thứ hai dành cho phương án "tạm nghỉ" của đảng Dân chủ, theo đó cấp ngân sách chính phủ đến ngày 8.2 để các bên có thêm thời gian thảo luận về an ninh biên giới và nhập cư, trong khi cho phép Tổng thống Trump đọc Thông điệp liên bang trước Quốc hội Mỹ. Biện pháp này cũng sẽ bao gồm một khoản tiền cứu trợ thiên tai đã được Hạ viện thông qua trước đó.

Dù hai phương án sau đó không nhận được sự ủng hộ của Thượng viện, song động thái mới này chứng tỏ nỗ lực của các bên nhằm sớm chấm dứt tình trạng chính phủ bị đóng cửa một phần. Trong thời gian qua, hai đảng luôn tìm cách đổ lỗi cho bên còn lại gây nên tình trạng một phần chính phủ đóng cửa.

Tổng thống Trump tiếp tục khẳng định quyết tâm không nhượng bộ khi tuyên bố "Quyết không lùi bước". Trên trang Twitter, nhà lãnh đạo 72 tuổi viết: "Không có bức tường, đất nước chúng ta sẽ không bao giờ có an ninh biên giới hay an ninh quốc gia. Với một bức tường hay một hàng rào thép mạnh mẽ, tỷ lệ tội phạm (và ma túy) về cơ bản sẽ giảm trên toàn nước Mỹ. Những người Dân chủ biết điều này nhưng vẫn muốn theo đuổi trò chơi chính trị".

Đối thủ chính của ông chủ Nha Trắng là Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi. Nữ chính khách này đã phản pháo thông điệp của ông Trump trên mạng xã hội, cho rằng chính tổng thống mới là người gây ra cuộc khủng hoảng. Lập luận việc cấp ngân sách cho an ninh biên giới thậm chí không thể được thảo luận trước khi tình trạng chính phủ đóng cửa một phần chấm dứt, bà Pelosi cáo buộc Tổng thống Trump "đang giữ người dân làm con tin".

Tình trạng Chính phủ Mỹ đóng cửa một phần đã bước sang ngày thứ 32 khi bất đồng giữa đảng Dân chủ và Tổng thống Trump xoay quanh đề xuất chi 5,7 tỉUSD xây tường biên giới vẫn chưa có lối thoát. Việc không bên nào chịu "xuống nước" đã đẩy nhiều chương trình chính phủ quan trọng trước các nguy cơ lớn, làm xáo trộn sinh hoạt thường nhật của người dân và gây ra những hệ lụy không nhỏ đối với nền kinh tế đầu tàu thế giới.

Mới đây nhất, ngày 22.1, các nhân viên thuộc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã phàn nàn tình trạng chính phủ đóng cửa một phần kéo dài đang khiến họ gặp khó khăn trong việc trả tiền cho những người cung cấp thông tin, vào vai người mua ma túy trong các vụ án điều tra và thậm chí cập nhật các thông tin an ninh bí mật. Theo Chủ tịch Hiệp hội Đặc vụ FBI (FBIAA) Tom O'Connor, các nhà điều tra và công tố viên đang phải chịu cảnh thiếu chi phí để đi phỏng vấn nhân chứng hay trả tiền cho các phiên dịch viên.

Ông nhấn mạnh cứ mỗi ngày một phần chính phủ tiếp tục đóng cửa, hoạt động chống khủng bố và phản gián trên toàn cầu của FBI lại bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Quan chức này cũng cho biết trong ngày 25.1, gần 13.000 đặc vụ của FBI và hàng nghìn nhân viên hỗ trợ chuyên nghiệp khác một lần nữa không được trả lương đúng hạn.

Theo TTXVN/Tin tức
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
7 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhìn lại một tháng căng thẳng giữa 2 đảng khiến chính phủ Mỹ phải đóng cửa