Tính đến đầu năm 2022, có 10 đợt công nhận với 238 hiện vật, nhóm hiện vật đã được công nhận là bảo vật quốc gia theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Bảo vật quốc gia là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học. Được Nhà nước Việt Nam bảo vệ và bảo quản theo chế độ đặc biệt. Tính đến đầu năm 2022, có 10 đợt công nhận với 238 hiện vật, nhóm hiện vật đã được công nhận là bảo vật quốc gia theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, có những bảo vật nằm dọc tuyến biên giới phía Bắc của Tổ quốc mang trong mình những trọng trách thiêng liêng đánh dấu chủ quyền lãnh thổ của quốc gia Việt Nam độc lập.
Bia vua Lê Lợi nơi ngọn nguồn Sông Đà phân định ranh giới với phương Bắc
Tỉnh Lai Châu có 106 xã, phường, thị trấn trong đó có một đơn vị hành chính cấp xã đặc biệt nhất, duy nhất mang tên danh nhân. Đó là xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn. Nơi đây được đặt theo tên vị vua anh minh Lê Lợi (Lê Thái Tổ - vị vua gắn với sự tích Hồ Gươm) vì đang lưu giữ một bảo vật quốc gia vô cùng quý hiếm và linh thiêng bậc nhất Tây Bắc – Bia vua Lê Lợi có tuổi đời gần 600 năm. Đây là một trong những tấm bia đá đánh dấu chủ quyền cương vực non sông cổ nhất còn giữ nguyên vẹn trên tuyến biên giới phía Bắc. Đặc biệt đây là bút tích duy nhất, xa nhất của các triều đại phong kiến Việt Nam để lại nơi đầu nguồn sông Đà – con sông đang đóng góp nguồn thủy năng lớn nhất cả nước vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đổi mới Đất nước.
Văn bia ghi lại sự kiện lịch sử vua Lê Thái Tổ thân chinh chỉ huy các đạo quân dẹp phản loạn ở vùng Tây Bắc. Đó là sự kiện năm 1431, tù trưởng Đèo Cát Hãn làm phản, liên kết với Kha Đốn (còn gọi là Kha Lại) - một bầy tôi phản nghịch của Ai Lao (nước Lào) quấy nhiễu Nhân dân nơi biên ải, đánh chiếm vùng đất Mường Muỗi (nay là vùng Thuận Châu - Sơn La ngày nay). Vua Lê Thái Tổ thân chinh đem quân lên dẹp loạn. Đại quân của triều đình tiến theo đường sông Hồng, rồi ngược sông Đà, bằng đường thủy và đường bộ, đánh tan quân phản nghịch Đèo Cát Hãn.
Di tích Bia Lê Lợi thuộc xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu đã được công nhận là “Bảo vật quốc gia”.
Tháng Chạp năm Tân Hợi (1431), vua Lê Thái Tổ đã cho tạc khắc vào vách đá Pú Huổi Chỏ bên bờ bắc sông Đà văn bia để đánh dấu chủ quyền lãnh thổ nơi cực Tây Bắc của Tổ quốc lưu lại cho muôn đời sau, sử cũ gọi là “Bia cổ hoài lai”.
Nội dung văn bia hùng hồn tuyên bố chủ quyền việc trấn giữ phía Tây Bắc, nhập núi sông hùng vĩ vào bản đồ nước Việt: “Bọn giặc cuồng sao dám tránh sự trừng phạt/ Dân biên thùy từ lâu mong ta đến cứu sống/ Kẻ bầy tôi làm phản từ xưa vẫn có/ Đất đai hiểm trở từ nay không còn/ Tiếng gió thổi hạc kêu làm cho quân giặc run sợ/ Sông núi từ nay nhập vào bản đồ/ Đề thơ khắc vào núi đá/ Trấn giữ phía Tây nước Việt ta".
Tấm bia khắc bài minh văn của vua Lê Thái Tổ còn lại cho đến ngày nay là một di sản lịch sử văn hóa vô cùng quý báu. Trải qua nắng mưa dâu bể, những trận lũ lụt hung dữ của dòng sông Đà gần 600 năm. Bia khéo ẩn mình vẹn nguyên qua các cuộc xâm lược của giặc phương Bắc, của đế quốc, thực dân để hiên ngang khẳng định chủ quyền lãnh thổ.
Với giá trị lịch sử to lớn Di tích Bia Lê Lợi thuộc xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu đã được công nhận “Di tích lịch sử cấp quốc gia” năm 1981. Đến năm 2016, Bia Lê Lợi được công nhận là “Bảo vật quốc gia” theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2017, Đền thờ vua Lê Lợi được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng “Di tích lịch sử cấp quốc gia”. Đây là bảo vật quốc gia duy nhất của tỉnh Lai Châu cho đến thời điểm hiện tại. Cũng là bảo vật quốc gia nằm xa nhất ở cực Tây Bắc của Tổ quốc đầy linh thiêng.
Quốc hiệu “Việt Nam” sớm nhất trấn ải biên cương xứ lạng
Cách cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị tỉnh Lạng Sơn chỉ khoảng 2km có một mái đình giáp đường quốc lộ đặt tấm bia cổ Thủy Môn Đình dựng năm 1670 nay đã 352 tuổi. Đây là một trong 7 hiện vật, tài liệu, thư tịch cổ có hai chữ "Việt Nam" với ý nghĩa như danh xưng của đất nước từ trước năm 1804 còn nguyên vẹn. Trong văn bia có câu: "Việt Nam hầu thiệt/ Trấn Bắc ải quan/ Thạch bích hoàn vũ/ Uyên quận giới phiên/ Đồng Đăng linh ấp”. Dịch nghĩa rằng: “Đây là cửa ngõ và yết hầu của nước Việt Nam, là ải quan trấn giữ phương Bắc, vách đá giữa trời, quận sâu nơi biên giới. Ấp thiêng xứ Đồng Đăng”.
Sử sách ghi lại rằng, khi hơn 20 tuổi, Nguyễn Đình Lộc được phong chức Đô Tổng Binh sứ Ty, Bắc quân Đô đốc phủ, hữu Đô đốc, Thao quận công. Làm nhiệm vụ an dân, trông coi, trấn giữ vùng biên giới xứ Lạng Sơn và tiếp đón các sứ thần của hai nước Việt Nam, Trung Quốc. Đình Thủy Môn chính là nơi làm việc của Ông. Thực hiện trọng trách được vua giao vị quan Nguyễn Đình Lộc đã khuyên giải, đoàn kết nhân dân địa phương, ổn định tình hình biên giới.
Ở chính nơi mái đình dựng bên cạnh con đường thiên lý dẫn ra cửa khẩu nối Việt Nam với Trung Quốc dùng để đón tiếp khách ngoại giao và xứ thần nước ta đi công tác vị quan Nguyễn Đình Lộc đã lập bia để khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia, ghi rõ quốc hiệu Việt Nam. Bên cạnh đó ông còn ghi lại những việc đã làm truyền lại cho thế hệ sau, nhắc nhở con cháu biết đoàn kết, gìn giữ phát huy truyền thống dòng họ để chung tay bảo vệ vững chắc từng tấc đất biên cương của Tổ quốc.
Tấm bia có giá trị đặc biệt bởi nội dung văn bia chứa đựng thông tin, tư liệu vô cùng quý giá về tên gọi, chủ quyền lãnh thổ của đất nước ở nơi địa đầu Tổ quốc. Hai chữ "Việt Nam" trong tấm bia chứng minh tên nước Việt Nam đã có từ sớm, không phải như một số tài liệu cho rằng tên nước Việt Nam mới xuất hiện từ thời nhà Nguyễn - sau khi vua Gia Long (Nguyễn Ánh) lên ngôi năm 1802, thống nhất đất nước mới đổi quốc hiệu là Việt Nam vào năm 1804. Như vậy cách đây hơn 352 năm quốc hiệu Việt Nam đã được sử dụng chứ không phải là 218 năm như một số tài liệu lịch sử. Việc chênh lệch khoảng cách 134 năm trong xác định quốc hiệu của một quốc gia là khoảng thời gian rất quan trọng vô cùng ý nghĩa.
Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định công nhận bia Thủy Môn Đình là bảo vật quốc gia. Đây là bảo vật quốc gia đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn, xứng đáng là niềm tự hào của di sản văn hóa xứ Lạng và dân tộc. Di tích địa điểm Thủy Môn Đình hiện nằm ở sườn núi Phia Mạt, sát quốc lộ 1A thuộc khu Vườn Sái, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, cách trung tâm thành phố Lạng Sơn khoảng 15 km và cách biên giới khoảng 2 km.
Tấm bia đá cổ 655 tuổi tại Hà Giang – Nơi cực Bắc của Tổ quốc
Ngôi chùa có bảo vật quốc gia Bia Sùng Khánh là di tích nhà Trần hiếm hoi còn lại tại vùng biên cương Tổ quốc. Ngôi chùa trụ vững qua nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt. Nó thể hiện sự phân định biên giới rõ ràng từ sớm với láng giềng phương Bắc và chế độ hành chính nghiêm túc của các triều đại phong kiến Việt Nam trong việc cử quan phụ đạo cai quản những vùng đất biên cương, phên dậu của Tổ quốc.
Bia đá chùa Sùng Khánh dựng trên quả đồi thuộc thôn làng Nùng, xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Tác giả bài minh được khắc trên bia đá chùa Sùng Khánh là Tạ Thúc Ngao, hiệu Sở Khanh được phong Phụng độc học sinh thư sử trực thủ - một chức quan ở kinh sư được cử đi xem xét việc biên giới ở phía Bắc. Trước sự cầu thị và lòng khâm phục đối với Nguyễn Công - người sinh trong gia đình quyền quí lại ở vùng bạc ác, khó giáo hoá mà lại có thể tự giác giác tha nên ông đã làm bài minh khắc trên bia đá. Chùa Sùng Khánh được xây dựng năm 1356. Còn Bia Sùng Khánh được khắc năm 1367 đến nay đã 655 năm tuổi.
Nội dung bài minh văn rằng: “Tốt thay Nguyễn Công/ Dòng dõi Phụ đạo/ Lòng nhân của ông khiến người ta có thể gửi đứa con côi/ Ông dạy dỗ nuôi dưỡng như con mình/ Ông không màng vinh hoa lợi lộc/ Chỉ chăm sùng thượng đạo phật/ Ông dựng chùa chiền/ Và tô điểm tượng phật/ Bỏ ruộng riêng của mình/ Để mở rộng sự lưu thông/ Lại dựng bia đá/ Xin bài văn để ghi lại/ Tài năng của tôi chẳng phải cao/ Làm bài thơ bài minh không dễ/ Nhưng tôi phục ông có dụng tâm/ Lòng hiếu thiện của ông không thay đổi/ Kẻ bạc ác ông biến thành đôn hậu/ Kẻ hẹp hòi ông làm cho trở nên rộng rãi/ Người tầm thường mà lập được chí/ Bèn thuật lại bằng bài văn này/ Để lưu truyền đến ức vạn năm.”
Tấm văn bia khẳng định sự ra đời đáng quý của một ngôi chùa thờ Phật ở vùng biên cương hẻo lánh cực bắc nước ta. Điều này trước thời điểm đó chưa từng có. Thông tin trên bia cho biết ngôi chùa này do một vị phụ đạo Nguyễn Công, tức viên quan nhà Trần cai quản vùng biên cương Hà Giang xây dựng. Chế độ phụ đạo ở đây được cha truyền con nối. Qua tấm bia chúng ta biết được chế độ Phụ đạo ở thời Trần được chính quyền Trung ương thi hành rộng rãi. Tấm bia còn nói lên sự lớn mạnh của chính quyền trung ương thời Trần khi đã quản lý chặt chẽ và bảo vệ vững chắc mọi miền biên cương của Tổ quốc dù là hẻo lánh nhất. Tư liệu Hán Nôm quý trên bia cho thấy vào thời Trần, quản lý hành chính của Nhà nước Đại Việt đã xác lập rõ ràng tại vùng đất Hà Giang cực Bắc linh thiêng.
Về giá trị văn hóa, bia đá chùa Sùng Khánh là một tài liệu bia ký nguyên vẹn, trang trí hình Phật, rồng, hoa dây chưa từng thấy trên tấm bia thời Trần nào được ghi nhận. Tấm bia còn là tài liệu để tìm hiểu về địa danh, lịch sử, chữ viết thời Trần khi có sự xuất hiện của chữ Nôm khắc trong văn bia.
Với những giá trị nêu trên, Bia đá Chùa Sùng Khánh được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2013. Trải qua những biến cố xoay vần của thời gian và lịch sử, chùa Sùng Khánh nhiều lần bị đổ nát, tượng Phật và đồ thờ tự có lúc bị mai một. Nhưng tấm bia đá vẫn còn trường tồn với thời gian nằm kín đáo nơi quan san biên ải.
Ba tấm bia đá cổ nằm trên tuyến biên giới phía Bắc của Tổ quốc tại những vị trí yết hầu: cực Tây Bắc – Bia Lê Lợi tại Lai Châu; cực Bắc – Bia Sùng Khánh tại Hà Giang; cửa khẩu lâu đời nhất đón tiếp khách ngoại giao – Bia Thủy Môn Đình tại Lạng Sơn có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc đánh dấu chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Trương Huy
Điều 41a Luật di sản văn hóa định nghĩa “Bảo vật quốc gia” phải có các tiêu chí sau đây: a) Là hiện vật gốc độc bản; b) Là hiện vật có hình thức độc đáo; c) Là hiện vật có giá trị đặc biệt liên quan đến một sự kiện trọng đại của đất nước hoặc liên quan đến sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu; hoặc là tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng về giá trị tư tưởng, nhân văn, giá trị thẩm mỹ tiêu biểu cho một khuynh hướng, một phong cách, một thời đại; hoặc là sản phẩm được phát minh, sáng chế tiêu biểu, có giá trị thực tiễn cao, có tác dụng thúc đẩy xã hội phát triển ở một giai đoạn lịch sử nhất định; hoặc là mẫu vật tự nhiên chứng minh cho các giai đoạn hình thành và phát triển của lịch sử trái đất, lịch sử tự nhiên. |