Dù các doanh nghiệp (DN) đang gặp khó khăn về đơn hàng, nhưng những tháng cuối năm 2023 này, TP.HCM đang cần trên 80.000 lao động, trong đó tập trung ở lĩnh vực thương mại - dịch vụ.
Theo Sở Lao động thương binh – Xã hội (LĐ-TB-XH) TP.HCM, tính đến ngày 24.11, TP có 153.129 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2022, số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 150.315 người, số lượt người thông báo tìm kiếm việc làm hàng tháng là 612.514 lượt người.
Tuy nhiên, chia sẻ với báo chí vào chiều 30.11, ông Nguyễn Tăng Minh - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cho biết dự kiến nhu cầu nhân lực quý 4 năm 2023 của TP cần khoảng 81.172 vị trí làm việc, trong đó tập trung ở khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 72,1% tổng nhu cầu nhân lực; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 27,73% ; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 0,17%; và ở các nhóm ngành kinh tế…
Phân tích thêm về nhu cầu nhân lực của các ngành công nghiệp, dịch vụ trọng yếu, ông Minh cho biết trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu TP đang cần 15.081 chỗ làm việc, chiếm 18,58% tổng nhu cầu nhân lực quý 4, với ngành cơ khí chiếm 5,79%; ngành điện tử - công nghệ thông tin chiếm 5,79%; ngành chế biến tinh lương thực thực phẩm chiếm 3,97%; ngành hóa dược - cao su chiếm 3,03%.
Nhu cầu nhân lực 9 ngành dịch vụ chủ yếu cần 53.319 chỗ làm việc, chiếm 65,69% tổng nhu cầu, trong đó, ngành thương mại chiếm 30,19%; ngành vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng - hậu cần hàng hải và xuất nhập khẩu chiếm 2,79%; ngành du lịch chiếm 1,69%; ngành bưu chính - viễn thông và công nghệ thông tin - truyền thông chiếm 8,17%; ngành tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm chiếm 4,89%; ngành kinh doanh tài sản - bất động sản chiếm 7,48%; ngành dịch vụ thông tin tư vấn, khoa học - công nghệ chiếm 5,11%; ngành giáo dục - đào tạo chiếm 3,08%; ngành y tế chiếm 2,29%.
Nhu cầu nhân lực ở lao động đã qua đào tạo chiếm 87,41% trong đó trình độ đại học trở lên chiếm 23,21%, cao đẳng chiếm 19,06%, trung cấp chiếm 23,45%, sơ cấp chiếm 21,68%.
Ngoài ra, những tháng cuối năm DN thường có xu hướng tuyển dụng đối với lực lượng lao động chưa qua đào tạo, lao động bản thời gian, lao động thời vụ,... nên nhu cầu lao động phổ thông chiếm 12,59%.
Lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cũng cho biết trong 2 tháng (10 và 11.2023), nhu cầu tìm việc của người lao động tại TP.HCM tập trung vào các ngành nghề như: lao động phổ thông, công nhân sản xuất, bán hàng, giao hàng,... về nhu cầu tìm kiếm việc làm ở các ngành, nghề trình độ cao thường thấp hơn trong giai đoạn này vì phần lớn người lao động sẽ không chuyển đổi công việc trong giai đoạn cuối năm để nhận được những chế độ phúc lợi dịp Tết Nguyên đán.
Trong đó, nhu cầu tuyển dụng cho thấy nhóm lao động phổ thông chiếm tỷ lệ cao nhất với 1.452 vị trí việc làm trống (chiếm 34,539% tổng nhu cầu tuyển dụng), kể tiếp là nhóm ngành kinh doanh - quản lý (chiếm 13.654%) và ngành da giầy - may mặc (chiếm 12.488%).
Về giải pháp hỗ trợ người lao động, giải quyết việc làm trong thời gian tới, ông Minh cho biết, TP sẽ thường xuyên rà soát, nắm bắt tình hình sử dụng lao động, nhu cầu tuyển dụng lao động, tình hình cắt giảm lao động trong DN, đặc biệt là các DN sử dụng nhiều lao động như: may mặc, giày da, sản xuất gỗ... và nắm bắt về nhu cầu tìm việc. Qua đó, phối hợp tổ chức các sản giao dịch, ngày hội việc làm nhằm kết nối cung - cầu lao động.
Thành phố tiếp tục tăng cường các chính sách hỗ trợ DN đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tuyển dụng lao động; hỗ trợ người lao động bị mất việc, thực hiện kịp thời chính sách bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người lao động ổn định cuộc sống, kịp thời hỗ trợ tư vấn, đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề, giới thiệu người lao động tìm kiếm việc làm mới...;
Tạo lập cơ sở dữ liệu dự báo thị trường lao động trong những tháng cuối năm để từ đó cung cấp thông tin đến DN có nhu cầu tuyển dụng và người lao động có nhu cầu tìm việc; xây dựng hệ thống dự báo nhu cầu nhân lực, thông tin thị trường lao động giữa TP.HCM với các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam để hỗ trợ học nghề, tìm việc làm của thanh niên, người lao động phù hợp với yêu cầu thực tế.
Ngoài ra, ông Minh cũng lưu ý các DN, cần có chính sách lương thưởng phù hợp, rõ ràng, tạo môi trường làm việc tốt, xây dựng tập chương trình đào tạo nâng cao tay nghề và tạo cơ hội thăng tiến cho người lao động nhằm thu hút và giữ chân nguồn lao động, đặc biệt là lao động có trình độ cao.
Đối với người lao động cũng phải nâng cao nhận thức và có sự sẻ chia cùng DN trong giai đoạn khó khăn. Đồng thời tự chủ động học thêm nghề mới, trang bị những kỹ năng, kiến thức mới và thích ứng nhanh với sự thay đổi của thị trường lao động nhằm tạo thêm cơ hội việc làm và có thu nhập ổn định trong giai đoạn hiện nay.