Loạt yếu tố bất lợi như sự cố của ngân hàng SCB, doanh nghiệp khó khăn, bất động sản "đóng băng"... khiến tỷ lệ nợ xấu từ 2% hồi đầu năm tăng vọt lên 3,56% đến cuối tháng 7.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 7.2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 3,56%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu (như các khoản nợ được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp với mục đích cơ cấu lại nợ, các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái...) của hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 7.2023 là 5,22%.
Với tỷ lệ này, số dư nợ xấu của toàn hệ thống đến cuối tháng 7 là hơn 440.000 tỉ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên đã bao gồm cả 5 nhà băng đang thuộc diện kiểm soát đặc biệt là Ngân hàng Sài Gòn (SCB), Đông Á (Dong A Bank), Xây Dựng (CBBank), Đại Dương (OceanBank) và Dầu khí Toàn cầu (GPBank). Nếu loại trừ 5 ngân hàng này ra, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các nhà băng hiện ở mức 1,92%.
Đầu năm 2019, Chính phủ từng đặt mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của ngành ngân hàng về dưới 2%. Theo đó, tỷ lệ này cuối 2020 chỉ ở mức 1,69%, sau đó lên 2% vào cuối 2022.
Tuy nhiên, dịch COVID-19 cộng với loạt biến cố kinh tế toàn cầu và trong nước khiến nợ xấu có xu hướng tăng liên tục 4 năm gần đây. Nhóm doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gặp khó, thị trường bất động sản và trái phiếu "đóng băng" cộng với sự cố tại SCB vào tháng 10 năm ngoái là những yếu tố bất lợi, tác động lên nợ xấu của toàn hệ thống.
Chất lượng tín dụng của nhiều ngân hàng cũng có dấu hiệu đi xuống. Một số nhà băng niêm yết trên sàn chứng khoán có tỷ lệ nợ xấu (tính trên tổng dư nợ cho vay) đến cuối tháng 6 vượt 3%, gồm NCB, ABBank, BVBank, VPBank, VietBank, OCB, PGBank. Lãnh đạo một số ngân hàng cho rằng nhiều khả năng nợ xấu sẽ tới đỉnh vào quý 3/2023 và có xu hướng giảm dần từ đầu năm sau.
Hiện tại, việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh nợ quá hạn tăng, thị trường bất động sản ảm đạm khiến việc xử lý tài sản đảm bảo là bất động sản càng thách thức.
Lý giải nguyên nhân khiến nợ xấu tăng nhanh thời gian qua, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng nợ xấu còn có xu hướng tăng tiếp tục vì Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại được phép giãn, hoãn nợ, không chuyển nhóm nợ xấu... Các ngân hàng thương mại có thể tự quyết định khi đáp ứng đủ điều kiện. Tuy nhiên, sau 2 năm giãn, hoãn nợ để giúp doanh nghiệp hồi phục sau đại dịch COVID-19, đến nay một số trường hợp không thể tiếp tục giãn, hoãn nợ, buộc phải chuyển sang nợ xấu để có hướng xử lý.
Ngân hàng Nhà nước cũng cho phép ngân hàng thương mại được trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu trong thời gian 2 năm. Trước đây, nhiều ngân hàng đã trích lập dự phòng nợ xấu nên việc họ đưa các khoản nợ chuyển sang nợ xấu cũng là lẽ đương nhiên, từ đó có cơ sở để xử lý nợ xấu và vì vậy thời gian tới nợ xấu của ngân hàng chắc chắn sẽ tiếp tục tăng.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế tài chính - TS Cấn Văn Lực cho rằng con số nợ xấu nội bảng khoảng 3%, nợ xấu gộp khoảng 5% đã tăng so với thời điểm năm 2022, nhưng về cơ bản vẫn trong tầm kiểm soát. Thông tư 02 yêu cầu các tổ chức tín dụng kể cả chưa chuyển nhóm vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro để đảm bảo trường hợp xấu nhất xảy ra vẫn có nguồn lực để xử lý nợ xấu.
Các tổ chức tín dụng vẫn đang chủ động trích lập dự phòng rủi ro để tăng nguồn lực xử lý nợ xấu. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu vào khoảng 135% tổng dư nợ nền kinh tế. Mặc dù con số này không cao như thời gian trước nhưng đó vẫn là nguồn lực quan trọng để ngân hàng có thêm năng lực xử lý nợ xấu.
Lý giải nguyên nhân khiến nợ xấu tăng, theo TS Lực, do kinh tế phục hồi chậm lại, tăng trưởng thấp hơn, doanh nghiệp trong một số lĩnh vực khó khăn hơn khi đơn hàng giảm, thị trường xuất khẩu thu hẹp, nhất là với các ngành dệt may, da giày, điện tử, gỗ... dẫn đến nợ xấu tiềm ẩn gia tăng.
Nợ xấu là vấn đề liên tục, luôn hiện hữu của ngành ngân hàng và có xu hướng gia tăng. Quy mô nợ xấu cũng sẽ ngày càng gia tăng khi quy mô tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng cũng ngày một tăng lên.
Theo vị chuyên gia, việc luật hóa xử lý nợ xấu sẽ góp phần hoàn thiện, tăng hiệu lực, hiệu quả của công tác thể chế. Trước nguy cơ nợ xấu tăng nhanh do thiếu sự hỗ trợ của hành lang pháp lý, TS Lực kiến nghị cần sớm tổng kết Nghị quyết 42, tiến tới luật hóa Nghị quyết 42 trên cơ sở rà soát, hoàn thiện và hệ thống hóa các quy định pháp luật liên quan, hoặc ít nhất là gia hạn, có điều chỉnh phù hợp theo hướng giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực thi.
Theo Ngân hàng Nhà nước, thị trường mua bán nợ vẫn còn nhiều hạn chế. Khuôn khổ pháp lý liên quan đến cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu chưa được hoàn thiện và thiếu các chính sách ưu đãi khuyến khích nhà đầu tư trong nước và ngoài nước tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu.
Đặc biệt, việc cơ cấu các ngân hàng yếu kém còn thiếu nguồn lực và cơ chế đặc thù để xử lý triệt để. Một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước thiếu nguồn lực để xử lý tổn thất và thực hiện cơ cấu lại tổ chức tín dụng phi ngân hàng do mình làm chủ sở hữu hoặc là cổ đông lớn.