Nhiều kỹ sư có chuyên ngành nuôi trồng thủy sản ở các tỉnh ĐBSCL làm việc tại những cơ sở sản xuất giống thủy sản luôn tự hào vì có nguồn thu nhập cao và ổn định. Tuy nhiên, bên cạnh đó là những tâm tư, nỗi niềm rất riêng mà họ phải gánh chịu khi theo nghề “đỡ đẻ” cho tôm giống.

Nỗi lo vô sinh hiếm muộn, vợ bỏ vì lo… đỡ đẻ cho tôm

Trần Khải | 24/05/2019, 10:56

Nhiều kỹ sư có chuyên ngành nuôi trồng thủy sản ở các tỉnh ĐBSCL làm việc tại những cơ sở sản xuất giống thủy sản luôn tự hào vì có nguồn thu nhập cao và ổn định. Tuy nhiên, bên cạnh đó là những tâm tư, nỗi niềm rất riêng mà họ phải gánh chịu khi theo nghề “đỡ đẻ” cho tôm giống.

Để có nguồn thu nhập cao, ổn định cuộc sống, nhiều kỹ sư trẻ đã phải chấp nhận làm việc tại môi trường có nhiều rủi ro về bệnh tật khi tiếp xúc với hóa chất độc hại. Sự cám dỗ của đồng tiền đã khiến họ nhắm mắt đưa chân và đánh đổi quá nhiều thứ khiến xã hội phải quan ngại.

Đó là đánh đỗi cả hạnh phúc gia đình khi vợ chồng bỏ nhau, mất khả năng sinh con duy trì giống nòi vì hiếm muộn, vô sinh… Khi nhận ra, rất ít người tự nguyện bỏ nghề để bảo vệ hạnh phúc. Trái lại, có rất nhiều kỹ sư quyết định bỏ vợ nhà để đi… chăm tôm đẻ chỉ vì mức lương quá hấp dẫn từ công việc này.

Nỗi lo vô sinh, hiếm muộn

Lâu nay, ai cũng nghĩ rằng, nhiều kỹ sư nuôi trồng thủy sản (NTTS) đang gặp nhiều may mắn ở vùng ĐBSCL vì sự phát triển mạnh mẽ của vùng nuôi tôm nguyên liệu lớn nhất của cả nước. Người làm học ngành NTTS không khó để tìm kiếm 1 công việc có cuộc sống ổn định với nguồn thu nhập cao sau khi ra trường. Trong đó, nghề “đỡ đẻ” cho tôm tại các công ty sản xuất giống được xem là nghề thu hút nhiều kỹ sư quan tâm nhất.

Anh Đinh Hải Đ. - kỹ sư NTTS, ngụ TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau, cho biết, sau khi tốt nghiệp Trường đại học Bạc Liêu hồi năm 2011, anh Đ. rất vui mừng khi được 1 công ty sản xuất giống có tiếng ở Ninh Thuận mời về làm việc với mức lương gần 12 triệu đồng/tháng. Trước lời đề nghị hấp dẫn, anh Đ. vui vẻ nhận lời làm công việc “đỡ đẻ” cho tôm giống.

Lo sợ bị vô sinh, hiện anh Đinh Hải Đ. (bìa trái) đã bỏ nghề “đỡ đẻ” cho tôm - Ảnh: Anh Duy

“Thời điểm năm 2011 mà lương 12 triệu/tháng thì đó là điều đáng mơ ước đối với những kỹ sư mới ra trường như chúng tôi. Làm việc ở đây được bao ăn ở, suốt ngày chăm sóc tôm giống, rồi canh cho nó đẻ nên lương tháng nào còn nguyên tháng đó, thấy ham lắm”, anh Đ. kể.

Nhiều người làm công việc này cho biết, quá trình làm việc chăm sóc tôm giống bố mẹ rất kỹ lưỡng, theo quy trình nghiêm ngặt mà công ty quy định. Vì vậy, họ thường xuyên tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại, gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Nguy cơ nhiễm hóa chất, kháng sinh cấm như việc sử dụng Chloramphenicol trong các trại sản xuất tôm giống.

“Để có được đồng lương cao, tương xứng như vậy thì chúng tôi phải thường xuyên tiếp xúc với các loại hóa chất, thuốc độc hại để xử lý nguồn nước, môi trường xung quanh trại”, anh Đ. nói. Anh cho biết thêm, mặc dù được trang bị đồ bảo hộ cũng như các biện pháp can thiệp cần thiết cho người lao động nhưng người làm công việc này vẫn có nguy cơ mắc các bệnh vô sinh, hiếm muộn rất cao.

“Hiện tôi đã nghỉ làm ở trại sản xuất giống và lấy vợ được vài tháng nay, vợ chồng thường xuyên gần gũi, thân mật với nhau và không sử dụng biện pháp tránh thai với hy vọng kiếm được thằng cu tí. Nhưng đến giờ vợ tôi vẫn chưa có tin vui. Chẳng biết, sức khỏe tôi có vấn đề gì hay không nữa nên tôi rất lo lắng và có ý định đi thăm khám nếu mà bị vô sinh, không có con được chắc tôi ân hận lắm”, anh Đ. lo lắng.

Anh Lê Hoàng L. tâm sự về chuyện nghề với PV - Ảnh: Anh Duy

Trường hợp của anh Lê Hoàng L. - kỹ sư NTTS, hiện đang làm việc tại 1 công ty sản xuất giống uy tín ở tỉnh Bạc Liêu, có phần bi đát hơn. Anh L. và vợ đã cưới nhau được 6 năm nay, mặc dù anh chị “thả cửa” để đón con nhưng đến nay niềm vui vẫn chưa đến bởi anh L. đang mắc bệnh tinh trùng yếu và đang phải điều trị theo quy định của bác sĩ chuyên khoa.

“Mình cũng mong muốn có 1 đứa con để vui nhà vui cửa như người ta, nhưng do đặc thù công việc nên việc có con đối với tôi là quá khó. Bác sĩ nói, tỉ lệ vô sinh của tôi cao lắm, vì vậy tôi phải điều trị theo phác đồ của bác sĩ vẽ ra”, anh L. chia sẻ.

Theo anh L, anh là cán bộ kỹ thuật trực tiếp theo dõi, quản lý quá trình phát triển, sinh nở của tôm giống nên thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại để xử lý, phòng bệnh cho tôm nuôi trong quá trình sinh sản. Vào thời điểm tôm sinh nở, anh L. phải ở trại theo dõi có khi vài 3 ngày mới về nhà một lần. Từ đó, công việc và trách nhiệm với gia đình đã khiến anh L. chịu rất nhiều áp lực.

“Đặc thù công việc là vậy, trước khi vào làm việc mình đã tìm hiểu kỹ càng rồi, nhưng vì mức lương hấp dẫn nên đành nhắm mắt chấp nhận. Giờ thực tế đã vậy, tôi và vợ chỉ mong tiến độ điều trị có kết quả tốt và mang lại niềm vui cho 2 vợ chồng thôi. Chứ bây giờ bỏ ra ngoài làm, khó mà tìm được công việc thứ 2 lương cao như ở trại giống”, anh L. cho hay.

Bị vợ bỏ vì… “đỡ đẻ” cho tôm không về nhà

Buồn bã khi kể về chuyện ly hôn của mình, anh Trần Đức A. - nhân viên kỹ thuật của 1 công ty sản xuất giống trên địa bàn H.Năm Căn (Cà Mau), cho biết, cuộc sống vợ chồng đôi khi mình không lường trước được. Có khi, tình yêu của người bạn đời dành cho mình chưa đủ lớn, không thông cảm cho công việc mình làm. Cũng có khi, bản thân mình sao nhãng, thờ ơ với vợ để rồi khi mất đi, mới thấy hối tiếc.

“Mình và vợ lấy nhau được 2 năm, hằng ngày mình đi làm trại giống, còn vợ thì đi dạy. Mình ít khi về nhà lắm, có khi 2 - 3 ngày mình mới về một lần. Thời gian đó, vợ cứ than phiền mãi, nào là mình không yêu thương vợ, không quan tâm đến cảm xúc của vợ… nói chung là nhiều lắm. Từ đó, khoảng cách của vợ chồng ngày càng xa hơn và chúng tôi đã ly hôn được gần 1 năm nay rồi”, anh Đức A. bồi hồi nhớ lại.

“Làm ở đây, chế độ cao lắm, bảo hiểm được công ty đóng cho rất cao và lương bổng thì cũng hậu hĩnh nên tôi không bỏ được. Hiện tại tôi đã là kỹ thuật chính rồi, đã có tay nghề nên giờ nếu ra ngoài làm thì cũng chỉ làm ở các công ty giống thôi, mà đặc thù của công ty giống là vậy. Nên khi ký đơn ly hôn, vợ tôi có nhắn 1 câu, khiến tôi rất đau lòng, là: “Anh đừng về nữa, ở với nó đi (ý nói tôm giống - PV), mình ly hôn””, anh Đức A. thổn thức.

Đối với câu chuyện hôn nhân của anh Trần Văn T., ngụ H.Trần Văn Thời (Cà Mau) cũng khiến cho nhiều người phải cười ra nước mắt. Anh T. nói, 2 vợ chồng cưới nhau được 1 tháng thì chia tay chóng vánh, khiến cho anh T. suy sụp. Được biết,vợ chồng anh T. mỗi người ở một nơi, chứ không ở cùng với cha mẹ, nên khi vắng chồng, chị vợ đã “cắm sừng” anh T. Khi sự việc vỡ lẽ, anh T. đành ngậm ngùi chia tay vợ.

Công việc của anh Trần Văn T. thường xuyên tiếp xúc với hóa chất, thuốc kháng sinh - Ảnh: Anh Duy

“Vợ tôi ngoại tình, người ta nói mà tôi không tin. Vì đặc thù công việc, nên 2 vợ chồng không ở cùng nhau, có khi 2 ngày tôi mới về với vợ một lần. Vợ chồng tôi ở trọ đi làm, hôm ấy tôi về phòng trọ thì thấy vợ và người đàn ông khác khóa trái cửa, ở cùng phòng. Tôi chẳng biết họ làm gì trong đó, nhưng việc làm của họ khiến tôi phải nghi ngờ. 2 vợ chồng chia tay nhau cũng từ đó”, anh T. đau buồn kể lại.

Kỹ sư Phạm Văn Phấn, Trưởng đại diện của 1 công ty chuyên về thức ăn, thuốc thủy sản danh tiếng của Mỹ, tại Cà Mau, cho biết: “Đặc thù của các kỹ sư làm việc ở trại sản xuất giống tôi nắm rất nhiều và đó là nỗi niềm thầm kín của họ. Khi đã bám công việc này thì việc vô sinh, hiếm muộn và có khi vợ bỏ đã là chuyện bình thường. Đó là nỗi niềm, tâm tư của những kỹ sư trẻ như chúng tôi. Trước đây, tôi cũng có ý định làm việc ở công ty sản xuất giống nhưng khi tìm hiểu, tôi đã dừng lại không làm. Bởi chuyện gia đình, vợ con là chuyện cả đời, phải cân nhắc”.

Anh Duy
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
1 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nỗi lo vô sinh hiếm muộn, vợ bỏ vì lo… đỡ đẻ cho tôm