Những cái chết đau lòng vì không chịu nổi áp lực từ mạng xã hội ngày càng nhiều, gióng hồi chuông báo động về cách hành xử trên thế giới ảo.
Những nữ sinh Việt tự tử vì áp lực từ mạng xã hội
Tháng 6.2013, P.U.N - nữ sinh lớp 12 của một trường THPT ở Đà Nẵng đã uống thuốc an thần tự tử. Người nhà N may mắn phát hiện và đưa đi cấp cứu kịp thời. Nguyên nhân được tiết lộ sau đó, chỉ vì N bị fanpage B.M.T.C.C.H.Đ.T viết bài vu khống để thóa mạ, bôi nhọ lên Facebook. Nhiều dân mạng đã a dua chỉ trích, xúc phạm N thậm tệ. Quá mệt mỏi, N tìm đến cái chết.
Câu chuyện đau lòng kể trên không ngoại lệ, bởi có không ít nữ sinh tìm đến cái chết chỉ vì mạng xã hội.
Ngày 27.6.2013, N.T.C.L khi đó là nữ sinh lớp 12 trường THPT ở huyện Thạch Thất (Hà Nội) đã bị bạn cùng lớp ghép ảnh chân dung vào ảnh một cô gái mặc áo cổ rộng rồi đăng lên Facebook. Các dân mạng đã vào giễu cợt, thậm chí miệt thị L khiến nữ sinh này uất ức tự tìm đến cái chết.
Vào ngày 17.6.2015, N.T.A.T - nữ sinh lớp 9 trường THCS ở huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai) đã tự tử bằng cách uống thuốc diệt cỏ. Cái chết tức tưởi này vì lý do T phát hiện clip ghi lại cảnh ân ái của mình với người yêu bị phát tán và lan truyền trên mạng. T tự tử vì cảm thấy tủi hổ và không chịu nỗi áp lực từ những bình luận ác ý của dân mạng.
Ngày 25.9.2016, B.Q.H (nam sinh lớp 8 trường THSC U Lâu, tỉnh Yên Bái) treo cổ tự tử do quá xấu hổ và hoảng sợ khi clip mình bị đánh, bắt quỳ xin lỗi bị đăng tải trên mạng xã hội.
Ngày 11.3.218, nữ sinh H.T.L (học sinh lớp 11 trường THPT Nguyễn Đức Mậu, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) tự tử tại ao nước gần nhà đã gây xôn xao dư luận.
Theo điều tra, nguyên nhân dẫn đến cái chết đau lòng của L là vì clip ghi lại cảnh cô và bạn trai trong lớp hôn nhau bị lan truyền trên mạng xã hội. Một trang thông tin điện tử đã đăng tải clip của L không che mặt kèm theo lời bình phẩm mang tính “nhạy cảm” với học sinh lớp 11. Tiếp đó là vô vàn những lời bình luận ác ý, chế giễu hướng về phía H.T.L.
Trước làn sóng dư luận, L đã nghĩ quẩn và tìm đến cái chết ở tuổi 16, lứa tuổi đẹp nhất của đời người.
3 nữ sinh Mỹ bị kẻ độc ác trên mạng xã hội ép đến tự sát
Rosalie, Mallory và Brandy đã phải sống trong sợ hãi, sân trường đối với các em chẳng khác nào sự tra tấn.
Những kẻ tấn công không ngừng chế nhạo hay cho các em nghỉ ngơi. Chúng sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để theo dõi các cô gái trẻ hầu như ở khắp mọi nơi, cho đến khi nạn nhân tìm đến cái chết để giải thoát.
Cha mẹ của Mallory phát hiện Rosalie tự sát bằng cách treo cổ tại nhà. Brandy dùng súng tự sát ngay trước mặt gia đình. Những cô gái này và nhiều người khác quyết định chọn cái chết, thay vì chịu đựng nỗi ám ảnh dai dẳng.
Sống tại Yucaipa, bang California, Rosalie Avila muốn trở thành một luật sư để giúp thế giới trở nên tốt hơn. Cô bé học rất giỏi, nhưng sự tự tin của Rosalie dần nát vụn bởi những kẻ bắt nạt.
Trong hai năm ác mộng, những kẻ bắt nạt châm chọc mọi thứ thuộc về Rosalie như niềng răng, quần áo, giày dép. Chúng gọi Rosalie là “kẻ thua cuộc”,“lạc loài”, xấu xí trong các bài đăng trên Facebook và bảo rằng cô nên tự sát.
Ngày 28.11.2017, Rosalie để lại cho cha mẹ, Freddie và Charlene Avila bức thư tuyệt mệnh: "Xin lỗi, con yêu mẹ và cha. Xin lỗi vì để mẹ tìm thấy con như thế này".
Cô bé 13 tuổi treo cổ tự sát, trở thành một trong những nạn nhân tìm đến cái chết sau thời gian dài bị bắt nạt.
Ở lứa tuổi vị thành niên, trẻ em bị cuốn hút bởi các tình huống gây tổn thương. Điều đó giống như nghiện xem chương trình truyền hình thực tế, hay thậm chí còn hấp dẫn hơn bởi vì chúng là một phần trong “vai diễn”.
Mallory Grossman vô tình bị cuốn vào “bộ phim” tại Trường trung học Copeland ở Rockaway, bang New Jersey và không thể thoát ra.
Cô bé 12 tuổi có cuộc sống tươi đẹp, tham gia đội cổ vũ, thể dục dụng cụ và nhiều chương trình từ thiện tại địa phương. Mallory Grossman thân thiện luôn sống hết mình vì mọi người.
Thế nhưng, Mallory Grossman trở thành một nạn nhân vào tháng 10.2016, bắt đầu từ những ánh nhìn soi mói, hành vi quấy rối, bị bạn bè bêu xấu trên Instagram, Snapchat và tin nhắn điện thoại. Sau hơn nửa năm chịu đựng, Mallory Grossman tự sát vào tháng 6.2017.
Luật sư của gia đình Mallory, Bruce Nagel nói: "Trong nhiều tháng, cô bé bị buộc phải tin rằng mình là người thất bại, không có bạn bè và cuối cùng, những kẻ bát nạt ép cô bé tự sát”.
Với gia đình của Brandy Vela tại bang Texas, ký ức về việc cô con gái 18 tuổi quay súng vào ngực rồi bóp cò, sẽ không ngừng ám ảnh họ.
Những kẻ bắt nạt giấu mặt, giấu tên gọi Brandy là “xấu xí” và “béo phệ”. Chúng thậm chí còn tạo một tài khoản giả trên trang web hẹn hò dưới tên Brandy nhằm bôi nhọ danh dự cô bé.
Brandy Vela đổi số điện thoại nhiều lần nhưng những kẻ bắt nạt vẫn tiếp tục đeo bám, nói với cô bé rằng: “Mày còn sống ư?”. Cuối cùng, Brandy chọn cách biến mất vĩnh viễn khỏi thế gian vào ngày 29.11.2016.
Mọi chuyện vẫn chưa chấm dứt, khi gia đình Brandy Vela còn đang để tang con gái thì trông thấy một kẻ lạ mặt đăng ảnh cô bé mỉm cười lên mạng xã hội kèm theo dòng chữ: “Đây là vẻ mặt của tôi khi nổ súng tự sát trước các thành viên trong gia đình”. Một năm sau đó, bức ảnh vẫn tồn tại trên mạng internet.
Tương tự, những bài đăng quấy rối vẫn tiếp tục xuất hiện khi Rosalie nằm trong bệnh viện, chết não nhưng vẫn còn sống, vì gia đình muốn thực hiện ước nguyện hiến tạng của cô bé cho người phù hợp.
Một ảnh trên mạng xã hội ghép hình Rosalie kèm dòng chữ: "Mẹ, lần sau đừng đưa con về giường" với mũi tên trỏ vào giường, và “Hãy đưa con xuống đây” cùng một mũi tên thứ hai chỉ vào ngôi mộ.
Đối mặt những trò đùa tàn ác vẫn tiếp diễn trên mạng xã hội, cha mẹ của Rosalie, Mallory, Brandy và Emma chỉ còn cách lên tiếng với báo đài, đệ đơn kiện, đòi xét xử án hình sự.
Họ có thể tạo sức ép lên các nhà hoạch định chính sách, thành lập các nhóm hỗ trợ cha mẹ có con em bị bắt nạt trên mạng và khuyến khích lựa chọn giáo dục tại nhà. Tuy nhiên, tất cả chỉ là bài học cá nhân muộn màng sau những mất mát quá lớn.
Nữ sinh Malaysia tự tử vì 69% số người được hỏi khuyên cô hãy chết đi
Thiếu nữ 16 tuổi ở Malaysia đã tự sát sau khi đăng một cuộc thăm dò trên tài khoản Instagram cá nhân để hỏi những người theo dõi rằng cô có nên chết hay không. Điều gây sốc là 69% số người được hỏi khuyên cô hãy chết đi.
Cảnh sát bang Sarawak, Malaysia cho biết cô đã :đăng trên Instagram một cuộc khảo sát rằng "Thực sự quan trọng. Hãy giúp tôi chọn sống hay chết!". Khi 69% người theo dõi chọn cái chết thì cô đã tự sát.
Một luật sư đề nghị rằng những người bỏ phiếu cho cô chết sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về cái chết của nạn nhân. Ramkarpal Singh, luật sư và nghị sĩ ở bang Penang, đã bày tỏ sự bất bình của mình: "Nếu mọi người vote sự sống, có lẽ cô gái đã không tự sát. Thay vì những hành động vô cảm, tại sao không ai đề nghị cô tìm kiếm sự giúp đỡ từ những chuyên gia?"
Bộ trưởng thanh niên và thể thao Malaysia, Syed Saddiq Syed Abdul Rahman, cho biết thảm kịch trên đã nhấn mạnh sự cần thiết của các cuộc thảo luận cấp quốc gia về sức khỏe tâm thần ở nước này. "Tôi thực sự lo lắng về tình trạng sức khỏe tinh thần của thanh thiếu niên của quốc gia chúng tôi, đã đến lúc phải có những động thái nghiêm túc", ông nói.
Vào tháng 2.2019, Instagram cho biết sẽ khởi chạy một bộ lọc giúp nhận diện và hạn chế sự xuất hiện của các hình ảnh tự gây thương tích hoặc bạo lực. Động thái này xuất phát từ việc Molly Russell, thiếu niên người Anh14 tuổi tự sát sau khi đã đăng loạt các hình ảnh tự gây thương tích lên bản thân lên mạng xã hội này.
Quay trở lại câu chuyện của cô gái người Malaysia, nếu cộng đồng mạng tỉnh táo để biết rằng lời nói hay mọi hành động, cử chỉ của mình trên mạng xã hội đều có thể tác động tới thế giới thật; những người chưa đủ trưởng thành đều dễ bị tác động bởi những nội dung họ tương tác, tạo ra thì có lẽ đây không phải là một câu chuyện buồn.
Tự do ngôn luận không thể biện minh cho những hành vi lăng nhục tập thể, bắt nạt trực tuyến hay quan tòa bàn phím. Từ ngữ có sức mạnh nên hãy nghĩ trước khi bạn sử dụng nó, đặc biệt là trước màn hình. Thế giới thật hay thế giới ảo đều có những tác động như nhau
Đừng “ném đá” người khác trên mạng xã hội
Nhiều chuyên gia tâm lý cũng chia sẻ đã từng gặp vô số trường hợp các nữ sinh tìm đến các trung tâm tư vấn tâm lý, hoặc gọi điện thoại với lời kêu cứu: “Phải làm gì bây giờ, bởi không thể chịu nỗi những áp lực vô hình đến từ mạng xã hội”.
Chuyên gia tâm lý Trương Thị Thúy Hằng, Trung tâm tư vấn tâm lý Việt Sơn, kể có những lần nửa đêm, nghe giọng cô gái khóc tức tưởi trong điện thoại, trải lòng rằng không còn muốn sống, chỉ muốn chết ngay mà thôi, vì bị xỉ vả, xúc phạm đủ điều trên Facebook.
Bà Hằng phân tích, những áp lực mà các nữ sinh gặp phải phần lớn là từ những bình luận mang hàm ý “ném đá hội đồng”, cố tình mạt sát, thóa mạ của dân mạng. Những bình luận ác ý ấy đã đẩy dồn nạn nhân vào bước đường cùng. Vì còn khá trẻ, tâm sinh lý chưa vững vàng, họ không đủ bình tâm, bản lĩnh và kỹ năng, kiến thức để đối đầu với những sóng gió từ mạng xã hội, cũng như cách để vượt qua áp lực. Họ cảm thấy không còn lối thoát rồi dại dột tìm đến cái chết.
Theo bà Trương Thị Thúy Hằng, giá như khi phát hiện những hình ảnh bị gán ghép, những bài viết trên mạng nhằm bêu riếu người khác, những video clip phản cảm bị phát tán, dân mạng đồng loạt báo cáo sai phạm cho mạng xã hội chủ quản, không hưởng ứng, không chung tay chỉ trích, xúc phạm họ. Những nạn nhân đủ bình tâm, chia sẻ sự việc với gia đình thì những chuyện đau lòng, cái chết tức tưởi đã không xảy ra.
Trước thực trạng một bộ phận dân mạng ngày càng bị nhiễm “bệnh ném đá hội đồng” người khác, vô tình dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Duy, Trung tâm đào tạo và chăm sóc tinh thần Ý tưởng Việt, khuyên đừng bao giờ “ném đá” bất kỳ ai.
“Vì sẽ làm méo mó hình ảnh của bản thân. Không chỉ vậy, còn khiến người khác bị tổn thương thể lý lẫn tinh thần. Mạng xã hội tuy ảo nhưng thật, đôi khi những cái like, chia sẻ hay bình luận có thể giết chết người. Những sự việc nữ sinh tự tử vì không chịu nỗi áp lực từ mạng xã hội là minh chứng rõ ràng. Chính vì cần cẩn trọng trong cách hành xử khi tham gia mạng xã hội”, ông Duy nói.
Với những ai đã và đang là nạn nhân của việc “ném đá” trên mạng xã hội, ông Duy cho rằng: “Thái độ cần có là bình tĩnh để không hành động dại dột, chia sẻ để tìm thêm nguồn động lực nâng đỡ lúc yếu thế. Hãy chia sẻ với những người thân mà mình tin tưởng. Sau đó cần nhìn nhận xem việc ném đá đúng sai thế nào. Nếu sai thì sửa, nếu đúng thì không cần bận tâm đến những bình luận của những người trên mạng, những người mà có khi cả đời mình không gặp”.
Kể từ ngày 15.4, Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, CNTT và giao dịch điện tử sẽ chính thức có hiệu lực.
Đáng chú ý khi Điều 101 của Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định rất cụ thể về biện pháp xử lý với các hành vi vi phạm quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội. Đây là quy định mới được Thủ tướng Chính phủ ban hành nhằm thắt chặt việc quản lý đối với các hành vi vi phạm về thông tin trên không gian mạng.
Theo đó, người thực hiện hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân trên mạng xã hội sẽ phạt từ 10 - 20 triệu đồng.
Đây cũng là mức xử phạt vi phạm hành chính đối với người cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Bên cạnh đó, hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn, các thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc đều sẽ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng.
Với Điều 102 của Nghị định 15/2020/NĐ-CP, những người có hành vi lưu trữ thông tin cá nhân của người khác thu thập được trên môi trường mạng vượt quá thời gian quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận giữa hai bên sẽ bị phạt từ 2 - 5 triệu đồng.
Theo khoản 3 của Điều 102, hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật sẽ bị phạt 10 - 20 triệu đồng.
Với quy định trên, việc đăng tải thông tin, hình ảnh của người khác lên mạng xã hội khi không có sự đồng ý của chính chủ sẽ bị phạt nặng, có thể tới 20 triệu đồng.
Đây cũng là mức xử phạt đối với hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác hoặc để quảng cáo, tuyên truyền cho các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bị cấm.
Việc cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin, dịch vụ có nội dung đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc; dâm ô, đồi trụy, mê tín dị đoan, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục sẽ bị phạt từ 30 - 50 triệu đồng.
Tự tử vì sức ép mạng xã hội:
Xem phim người lớn thường xuyên bằng kính thực tế ảo: Hại não và mắt
Đi trên mặt nước, xuyên không gian như Đôrêmon và các clip ảo thuật chưa có lời giải
Nhân Hoàng (tổng hợp)