Thời gian qua, nhiều người truyền nhau rằng nước lá vối giàu dược tính, có công hiệu chữa trị lắm thứ bệnh, đặc biệt bệnh ung thư. Vậy thực hư thế nào?
Thông tin Y học

Nước lá vối có tác dụng điều trị ung thư?

Hồ Quang 20/10/2024 17:40

Thời gian qua, nhiều người truyền nhau rằng nước lá vối giàu dược tính, có công hiệu chữa trị lắm thứ bệnh, đặc biệt bệnh ung thư. Vậy thực hư thế nào?

Từ lâu đời dân ta đã biết sử dụng lá vối hay nụ vối với cách chế biến đơn giản tạo thành loại trà nấu, hay hãm lấy nước uống thường ngày.

Vối là cây thân gỗ có kích thước trung bình, cao khoảng 5 - 6m hoặc hơn. Lá đơn, mọc đối, có hình bầu dục hoặc hình trứng rộng, dài 8 - 20cm, rộng 5 - 10cm, dai, cứng; hai mặt lá có những đốm nâu; cuống lá 1 - 1,5cm. Hoa gần như không có cuống, mọc thành cụm hình tháp, trải ra ở nách những lá đã rụng; hoa nhỏ, màu lục nhạt, trắng. Quả hình cầu, hay hơi hình trứng, đường kính 7 - 12cm, xù xì, nhớt. Lá, cành non và nụ có có mùi thơm dễ chịu đặc biệt của vối. Cây vối mọc hoang và được trồng ở các nước vùng nhiệt đới như Trung Quốc, Lào, Ấn Độ, Việt Nam... Ở nước ta, vối có nhiều tại các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, Trung Bộ. Cây mọc nhiều ở những nơi thời tiết ẩm.

nuoc-la-voi-co-tac-dung-dieu-tri-ung-thu-hinh-anh.png
Nước lá vối - Ảnh minh họa

Theo BSCK2 Huỳnh Tấn Vũ - Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM (cơ sở 3), vối (tên khoa học là cleistocalyx operculatus roxb, myrtaceae) là cây thuốc dân gian mọc tự nhiên ở Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Campuchia... Lá vối từ lâu đã được dùng làm thức uống truyền thống của người dân địa phương, dân gian còn dùng lá, vỏ, thân, nụ hoa làm thuốc chữa đầy bụng, tiêu chảy, mụn nhọt, viêm đại tràng mạn tính, lỵ trực trùng.

Điều này cho thấy vối là một dược liệu có giá trị và công dụng chữa bệnh là rất lớn. Đã có nhiều nghiên cứu về thành phần hóa học của vối bao gồm flavonoid, terpenoid, tanin, tinh dầu và polysaccharide về hoạt tính chống oxy hóa, chống viêm nhiễm, kháng vi sinh vật…

Phân tích của bác sĩ Vũ cho thấy trong lá và nụ hoa có 3 nhóm hợp chất chính là terpenoid (khung olean và ursan), flavonoid (C-methylated flavonoid) và phloroglucinol (polycyclic phloroglucinol). Các kết quả nghiên cứu về vối cho thấy trong lá và nụ vối chứa tanin và a xít triterpenic, khoáng chất và vitamin... khoảng 4% tinh dầu với mùi thơm dễ chịu. Đặc biệt vối chứa một số chất kháng sinh có khả năng diệt được nhiều loại vi khuẩn gây bệnh.

“Lá vối tươi hay khô sắc đặc được coi như một loại thuốc sát khuẩn dùng trị liệu các bệnh ngoài da như ghẻ lở, mụn nhọt hoặc lấy lá vối tươi nấu lấy nước đặc để gội đầu chữa chốc lở rất hiệu nghiệm. Các bộ phận khác nhau của cây còn chứa các sterol, các chất béo, tanin catechic và gallic. Ngoài ra, người ta còn phối hợp nấu lá vối với lá hoắc hương làm nước uống lợi tiêu hóa. Nước sắc đậm đặc của lá cây vối dùng sát khuẩn để rửa mụn nhọt, lở loét, ghẻ. Lá, vỏ, thân, hoa vối còn dùng làm thuốc chữa đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy, mụn nhọt, viêm đại tràng mạn tính, lỵ trực trùng”, bác sĩ Vũ chia sẻ.

Tác dụng của nước lá vối theo y học hiện đại

Trong y học hiện đại, bác sĩ Vũ cho biết lá vối có tác dụng trong việc hỗ trợ, điều trị nhiều bệnh như:

Tác dụng điều trị tiểu đường: Các chất chiết xuất của C.Operculatus cho thấy tác dụng điều trị đái tháo đường típ 2 bằng cơ chế ức chế hoạt động của các enzym tiêu hóa khác nhau in vitro và in vivo, như α –glucosidase, maltase, sucrose. Nhà khoa học Choi và cộng sự đã nghiên cứu tác dụng chống đái tháo đường của DMC (một hợp chất hóa học hữu cơ) trong cả mô hình in vitro và in vivo; cho thấy khả năng cải thiện dung nạp glucose, giảm trọng lượng trung bình và tăng quá trình oxy hóa a xít béo trong các mô cơ bởi sự hoạt hóa AMPK trong cơ và kích thích FAO.

- Tác dụng chống viêm: DMC được phát hiện có khả năng điều hòa biểu hiện của các chất trung gian gây viêm và tiền viêm, bao gồm TNF- α, IL-1 β (interleukin-1 β), IL-6 (interleukin-6), và HMGB1. Bác sĩ Tran PL và cộng sự đã chỉ ra cơ chế chống viêm của dịch chiết cây vối thông qua kích hoạt con đường Nrf2/HO-1 trong đại thực bào.

- Tác dụng chống vi rút: Các dẫn xuất C-methyl flavonoid của dịch chiết methanol lá vối cho tác dụng ức chế không cạnh tranh enzym neuraminidase của một số chủng cúm như H1N1, H9N2. Trong thử nghiệm được tiến hành năm 2018 của Su SJ và cộng sự, ngoài flavonoid thì các dẫn xuất phloroglucinol đặc biệt là cleistoperlon A thể hiện tác dụng ức chế mạnh nhất đối với HSV-1.

- Tác dụng điều trị ung thư: DMC được phát hiện có hoạt tính chống lại nhiều dòng tế bào ung thư với mức độ độc tế bào khác nhau, mạnh nhất là chống lại các tế bào A549 với giá trị IC 50 là 2,3 ± 0,44 μ M. Ngoài ra, khi phối hợp với các thuốc điều trị ung thư khác như 5-FU, doxorubicin hoặc Taxol, DMC cho thấy khả năng hiệp đồng, tăng tác dụng trong điều trị u kháng thuốc. DMC thể hiện các hoạt động chống ung thư thông qua nhiều cơ chế hoạt động, bao gồm biểu hiện di truyền của các protein apoptotic (Bcl-2 và Bax), tăng cường hoạt động của caspase-3 và caspase-9, hoặc thu gom các ROS.

- Tác dụng chống oxy hóa: DMC đã được chứng minh là làm giảm nồng độ ROS trong và ngoài tế bào, từ đó cho thấy tác dụng bảo vệ mạnh mẽ đối với quá trình peroxy hóa lipid trong microsom gan chuột, và tổn thương do H2O2 gây ra của pheochromocytoma chuột (PC12). Một số dẫn xuất flavonoid của dịch chiết nụ lá vối cho thấy tác dụng chống oxy hóa tương đương DDPH (1,1-diphenyl-2-picrylhydrazyl).

- Tác dụng dược lý khác: Trong các nghiên cứu ban đầu khác, một số tác dụng tiềm năng của cây vối được chỉ ra chẳng hạn như các hoạt động bảo vệ tế bào, kháng khuẩn và kháng nguyên bào tủy.

Tác dụng của nước vối theo y học cổ truyền

Đối với y học cổ truyền, bác sĩ Vũ cho biết trong đông y, cây vối vị đắng, chát, tính mát, có ít độc; tác dụng thanh nhiệt giải biểu, sát khuẩn, chỉ dương, tiêu trệ. Lá vối có tác dụng kiện tỳ, giúp ăn ngon, tiêu hóa tốt. Đông y còn dùng vỏ cây vối làm thuốc gọi là hậu phác; được sử dụng để trị đau bụng, đầy trướng ăn không tiêu, nôn mửa... hay được sử dụng làm trà, phối hợp với lá hoắc hương làm nước hãm uống lợi tiêu hóa.

Tác dụng kháng sinh trên một số vi trùng gram (+) và gram (-), mạnh nhất đối với streptococus (hemolytic và staman), bạch hầu và staphylococcus và pneumococcus.

Lá vối tươi hay khô sắc đặc có tính sát trùng, rửa mụn nhọt, lở loét, ghẻ. Lá, vỏ, thân, hoa làm thuốc chữa đầy bụng, khó tiêu, ỉa chảy, mụn nhọt, viêm đại tràng mạn tính, lỵ trực trùng. Ở Ấn Độ, rễ sắc đặc dạng siro đắp vào các khớp sưng đỏ, quả dùng ăn trị phong thấp. Ở Trung Quốc, nó được dùng trị cảm mạo, đau đầu phát sốt, lỵ trực khuẩn, viêm gan, bệnh mẩn ngứa, viêm tuyến sữa, ngứa ngáy ngoài da, bệnh nấm ở chân, vết thương do dao súng.

Những ai không được sử dụng nước lá vối

Theo bác sĩ Vũ, nước lá vối chứa nhiều hợp chất sinh học có thể gây ra phản ứng dị ứng với một số người. Vì vậy, không nên uống nước vối khi đói, vì lá vối tác dụng kích thích tiêu hóa, làm tăng nhu động ruột, do đó uống khi đói sẽ khiến bụng cồn cào khó chịu.

Sử dụng lá vối khô sẽ tốt hơn vì trong lá vối tươi thường chứa lượng chất kháng khuẩn nhiều hơn. Hơn nữa, nếu sử dụng kéo dài lá vối tươi có thể ảnh hưởng đến lượng vi khuẩn có lợi trong cơ thể, hao huyết.

Khi sử dụng nước lá vối cần chia ra nhiều lần uống trong ngày, không uống nhiều nước vối một lúc; không uống sau ăn vì có thể ảnh hưởng quá trình tiêu hóa, hấp thụ thức ăn; không dùng cho người có thể trạng gầy yếu suy nhược; không dùng cho trẻ em dưới 12 tuổi do hệ tiêu hóa của trẻ còn non yếu, phụ nữ có thai không nên dùng nước vối quá nhiều, quá đặc ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, bài tiết.

Ngoài ra, những người đang điều trị bệnh, sử dụng thuốc tây y, thuốc nam không nên uống nước lá vối, vì có thể làm giảm tác dụng của thuốc đang sử dụng. Nếu muốn sử dụng lá vối làm nước uống, cần tham khảo ý kiến bác sĩ.

Ngoài ra, bác sĩ Vũ cũng lưu ý mọi người về những tác hại của nước lá vối. Mặc dù nước lá vối mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể nhưng vẫn không nên lạm dụng uống nước lá vối mỗi ngày, vì có thể gây ra một số bất lợi cho sức khỏe như:

Chóng mặt, mất năng lượng: Uống nước lá vối khi đang đói sẽ làm nhu động ruột hoạt động nhiều, điều này gây ra cảm giác thèm ăn, mệt mỏi, chóng mặt xây xẩm và mất năng lượng. Đây cũng là biểu hiện của tụt huyết áp vì đói.

Tiêu diệt vi khuẩn có lợi: Nước lá vối cần được uống đúng cách, trong đó có hạn chế uống nước lá vối tươi vì lá vối có tính kháng khuẩn cao, nên nếu uống quá nhiều có thể dẫn đến tình trạng hao huyết và tiêu diệt các vi khuẩn có lợi của cơ thể.

Có thể gây cản trở việc hấp thụ các dưỡng chất: Lạm dụng uống nước lá vối nhiều sẽ gây ảnh hưởng không tốt cho hệ bài tiết, không nên uống nước lá vối quá nhiều sau khi ăn, vì có thể gây cản trở việc hấp thụ các dưỡng chất thiết yếu. Vì vậy có thể pha loãng hơn khi uống để hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe.

Bài liên quan
Ngoại trưởng dự kiến của Mỹ: Một người không lạ với Việt Nam
Trong danh sách các quan chức trong nội các dự kiến của ông Joe Biden, một cái tên được chú ý là Antony Blinken, người nhiều khả năng sẽ trở thành Ngoại trưởng Mỹ trong nội các mới.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
6 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nước lá vối có tác dụng điều trị ung thư?