Theo thống kê của Bộ Công Thương, có tới 14/24 nước thuộc nhóm thị trường châu Á, châu Phi và châu Đại Dương đã điều tra 145/268 vụ việc phòng vệ thương mại khác nhau đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Nước nào đang điều tra phòng vệ thương mại với hàng Việt Nam nhiều nhất?

Tuyết Nhung 20:08 12/11/2024

Theo thống kê của Bộ Công Thương, có tới 14/24 nước thuộc nhóm thị trường châu Á, châu Phi và châu Đại Dương đã điều tra 145/268 vụ việc phòng vệ thương mại khác nhau đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Những năm qua, Việt Nam đặc biệt chú trọng vào việc tăng cường hợp tác kinh tế với các quốc gia trong khu vực châu Á, châu Phi và châu Đại Dương nhằm đẩy mạnh xuất khẩu tại khu vực tiềm năng này. Cụ thể, Việt Nam đã tận dụng các cơ hội hợp tác từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương với các đối tác riêng lẻ như Việt Nam - Nhật Bản, Việt Nam - Hàn Quốc, cũng như các FTA đa phương thông qua các tổ chức khu vực như ASEAN hay Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

hang-viet-nam.jpg
Sắt thép là một trong những mặt hàng bị điều tra nhiều nhất - Ảnh: Internet

Mặc dù thời gian qua, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường này có nhiều khởi sắc và dư địa mở rộng thị trường còn rất lớn, song cũng tồn tại những khó khăn, hạn chế không nhỏ chờ đón doanh nghiệp nước ta. Một trong những thách thức lớn nhất là quan điểm bảo hộ, tạo ra các rào cản của các nước, vùng lãnh thổ nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Bên cạnh mặt tích cực của tự do hóa thương mại và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, vẫn tồn tại các xu hướng bảo hộ, các xu hướng này ngày càng trở nên phổ biến.

Trong số các biện pháp bảo hộ đó, phòng vệ thương mại nổi lên là một trong các công cụ hợp pháp, hữu hiệu và được nhiều thành viên WTO sử dụng.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, có tới 14/24 nước thuộc nhóm thị trường châu Á, châu Phi và châu Đại Dương đã điều tra 145/268 vụ việc phòng vệ thương mại khác nhau đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Các nước điều tra nhiều nhất là Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Australia, Indonesia, Philippines... Chỉ riêng trong ASEAN, 4 nước gồm Malaysia, Indonesia, Philippines và Thái Lan đã điều tra tới 52 vụ việc phòng vệ thương mại với hàng hóa Việt Nam. Còn tại châu Đại Dương, Úc cũng đã điều tra 19 vụ việc với Việt Nam.

Bà Trương Thùy Linh, Phó cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) ngày 12.11 cho biết, tính đến ngày 31.10, trong số các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với Việt Nam, các vụ điều tra chống bán phá giá (147 vụ việc) và tự vệ (54 vụ việc) chiếm tỷ lệ cao nhất, tương ứng là 54,8% và 20,1%.

Trong khi đó, các vụ việc điều tra chống trợ cấp (29 vụ việc) chiếm tỷ lệ nhỏ hơn do tính chất phức tạp của vụ việc, tuy nhiên đang có xu hướng gia tăng do hiệu ứng domino, xu hướng bảo hộ. Ngoài ra, điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại (38 vụ việc) đang có xu hướng gia tăng và trở thành một công cụ bảo hộ được các nước ngày càng áp dụng nhiều.

Đối với thị trường châu Á, châu Phi, châu Đại Dương, những mặt hàng các khu vực này đang điều tra phòng vệ thương mại với Việt Nam gồm thép cán nóng, thép không gỉ cán nguội, ống đúc đồng (châu Á); nhôm, đèn huỳnh quang (châu Phi); thép mạ hợp kim, ống và ống dẫn bằng thép, tháp gió (châu Đại Dương)...

Bà Trương Thùy Linh khuyến nghị trước một vụ việc phòng vệ thương mại xảy ra, doanh nghiệp cần trang bị những kiến thức cơ bản về phòng vệ thương mại, song song với đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh tập trung xuất khẩu quá "nóng" vào một thị trường và cần tập trung cạnh tranh bằng chất lượng hơn là cạnh tranh bằng giá cả.

Bên cạnh đó, thường xuyên cập nhật thông tin với hiệp hội và cơ quan Chính phủ (Cục Phòng vệ thương mại), nhà nhập khẩu về khả năng một vụ việc có thể xảy ra, tham khảo danh sách các mặt hàng cảnh báo nguy cơ bị điều tra lẩn tránh thuế của Cục Phòng vệ thương mại.

Trong quá trình ứng phó, doanh nghiệp cần tham gia, hợp tác, cung cấp thông tin đầy đủ cho cơ quan điều tra trong tất cả các giai đoạn của vụ việc, đồng thời phối hợp với hiệp hội và Chính phủ trong toàn bộ diễn biến vụ việc để nhận được sự hỗ trợ cần thiết.

Thời gian tới, để hạn chế tối đa các tác động tiêu cực của điều tra phòng vệ thương mại, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa vào thị trường châu Á, châu Phi và châu Đại Dương, theo ông Tô Ngọc Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương), doanh nghiệp cần chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch, chủ động nắm bắt các yêu cầu của thị trường, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng và phối hợp tổ chức chương trình kết nối giao thương.

Trong đó, cần lưu ý xu hướng, thị hiếu tiêu dùng, đặc biệt là những yêu cầu về tiêu dùng xanh, tiêu dùng sạch, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chế biến, đóng gói, bảo quản sản phẩm, đồng thời áp dụng chiến lược quảng bá và xây dựng thương hiệu theo phân khúc thị trường phù hợp.

Về phía Bộ Công Thương, bộ cũng đã triển khai hàng loạt các công tác hỗ trợ các hiệp hội, ngành hàng, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại tại thị trường châu Á, châu Phi và châu Đại Dương; phối hợp với các cơ quan liên quan tham gia với tư cách một bên liên quan trong các vụ việc điều tra chống trợ cấp đối với Chính phủ.

Bài liên quan
Lạm phát toàn cầu bắt đầu phủ bóng lên hàng Việt Nam xuất khẩu
"Bóng đen" lạm phát đã bắt đầu che mờ bức tranh xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Lạm phát và đồng USD tăng giá đang đè nặng lên khả năng tiêu thụ thủy sản tại các thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Lễ đón Chủ tịch nước Lương Cường thăm chính thức Cộng hòa Peru
một giờ trước Theo dòng thời sự
Chuyến thăm chính thức Peru của Chủ tịch nước Lương Cường là dấu mốc quan trọng, phản ánh sự phát triển tích cực của mối quan hệ song phương từ lĩnh vực chính trị-ngoại giao đến kinh tế-thương mại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nước nào đang điều tra phòng vệ thương mại với hàng Việt Nam nhiều nhất?