Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un từng gọi vũ khí hạt nhân (VKHN) là ‘thanh gươm công lý quí giá’, nhưng khi ông tuyên bố ngưng thử hạt nhân hôm 21.4, phải chăng ông muốn đổi ‘gươm’ để tập trung vực dậy nền kinh tế nước nhà?

Ông Kim Jong-un sẽ đổi ‘thanh gươm công lý’ vì miếng cơm?

22/04/2018, 17:16

Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un từng gọi vũ khí hạt nhân (VKHN) là ‘thanh gươm công lý quí giá’, nhưng khi ông tuyên bố ngưng thử hạt nhân hôm 21.4, phải chăng ông muốn đổi ‘gươm’ để tập trung vực dậy nền kinh tế nước nhà?

Ông Kim Jong-un xem biểu diễn văn nghệ - Ảnh: KCNA

Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA ngày 21.4 bất ngờ cho biết ông Kim đã quyết định dừng thử hạt nhân và tên lửa, đóng cửa một bãi thử ở phía bắc Triều Tiên, nhằm theo đuổi phát triển kinh tế và hòa bình.

Ông Kim nói nay là lúc chọn lấy “đường lối chiến lược mới”, chú trọng vào nguồn tài nguyên quốc gia để vực dậy nền kinh tế. Ông tuyên bố đã hoàn thành nhiệm vụ phát triển VKHN, Bình Nhưỡng không cần thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) hoặc bom hạt nhân nữa.

Ông Kim hứa không sử dụng hoặc sản xuất thêm VKHN trừ phi phải đối mặt với một mối đe dọa hạt nhân, và hứa tạo ra một “môi trường quốc tế thuận lợi để xây dựng kinh tế theo hướng chủ nghĩa xã hội”.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên nói bóng gió, thừa nhận nạn đói những năm 1990

Theo báo New York Times, ông Kim từng có chính sách chủ đạo “Tiến bộ song hành” byungjin, tức vừa theo đuổi VKHN vừa phát triển kinh tế, nhằm chuyển đổi Triều Tiên thành một “thế lực hạt nhân hùng mạnh theo chủ nghĩa xã hội”.

Chiến lược trên là trọng tâm tuyên tuyền của chính phủ Triều Tiên, và được đưa vào điều lệ đảng Lao động Triều Tiên.

Cuối năm 2017, ông Kim tuyên bố đã hoàn thành nhiệm vụ ngăn chặn hạt nhân, cùng lúc giới thiệu những cải tổ theo hướng kinh tế thị trường, phát động cơn bùng nổ xây dựng ở thủ đô Bình Nhưỡng.

Ông Kim còn công bố các kế hoạch mở những đặc khu kinh tế ở Triều Tiên, với hy vọng thu hút được nguồn đầu tư nước ngoài. Theo Times, đây chỉ là một giấc mơ, chỉ có thể thành hiện thực nếu quốc tế dở bỏ các lệnh cấm vận Triều Tiên.

Vị tiền nhiệm Kim Jong-il là cha ông Kim, từng điều hành Triều Tiên với chính sách “quân đội trên hết” songun, chú trọng đầu tư cho Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA) và ưu ái các vị tướng được hưởng những quyền lợi về xuất khẩu khoáng sản, hải sản. Quân đội ủng hộ vị cố Chủ tịch lèo lái đất nước vượt qua nạn đói những năm 1990 vốn làm chết hơn 2 triệu dân, theo Times.

Năm 2012, trong diễn văn đầu tiên ở vị thế lãnh đạo Triều Tiên, ông Kim nói “sẽ không để đồng bào phải thắt lưng buộc bụng nữa”. Đó là một thừa nhận gây sửng sốt về một thất bại, từ một thành viên của dòng họ trị quốc được ca ngợi như thần thánh và không có khuyết điểm nào.

Năm 2013, đảng Lao động Triều Tiên dưới quyền ông Kim thông qua chính sách byungjin, với luận chứng rằng nếu đất nước an toàn thì mới có thể tăng trưởng kinh tế. Tại kỳ đại hội đảng năm 2016, ông Kim nói byungjin không là bước quá độ, mà là một chính sách dài hơi.

Đến tháng 10.2017, ông Kim lại nói Triều Tiên “tuyệt đối chính xác” khi theo đuổi byungjin.

Triều Tiên liên tục thử tên lửa trong năm 2017 - Ảnh : KCNA

Ông Kim sửa đổi chính sách dài hơi Tiến bộ song hành

Nhưng trong diễn văn mừng Năm mới 2018, ông Kim bắt đầu có những thay đổi trong chính sách byungjin, tuyên bố mặt trận hạt nhân “giành thắng lợi vĩ đại”, có nghĩa Bình Nhưỡng sở hữu một kho VKHN và ICBM đủ khả năng ngăn chặn các kẻ thù của Triều Tiên. Ông còn nói Mỹ “không bao giờ dám phát động một cuộc chiến tranh với tôi và nước ta”.

Tiếp đó, ông Kim thực hiện các bước ngoại giao, bất ngờ qua Bắc Kinh và gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (ảnh) và gợi ý những cuộc gặp các Tổng thống Mỹ, Hàn Quốc.

Hiện chưa rõ mục tiêu tối thượng của ông Kim là gì. Vài nhà phân tích nói nỗ lực của ông là vì ông rất cần quốc tế nới lỏng cấm vận vốn làm nước ông bị tê liệt, và có thể ông cố tình câu giờ bằng việc giả bộ ngưng chương trình hạt nhân.

Các nhà phân tích khác nói ông Kim hành động tự tin, vì VKHN của Triều Tiên cho ông có lợi thế mới để vực dậy nền kinh tế. Họ nói nếu ông nghiêm túc về tăng trưởng kinh tế, thì ông cần thế giới giúp. Họ chỉ ra ví dụ vào những năm 1980, lãnh đạo Đặng Tiểu Bình mở cửa với phương Tây, đã giúp Trung Quốc bùng nổ kinh tế.

Ông Cheong Seong-chang, một chuyên gia cấp cao về Triều Tiên ở Viện nghiên cứu Sejong (Hàn Quốc) nói tuyên bố dừng thử hạt nhân của ông Kim sẽ “khiến dân Triều Tiên kỳ vọng sự phát triển kinh tế”.

Ông Cheong còn nói việc ông Kim “sẽ trở thành Đặng Tiểu Bình của Triều Tiên hay không, sẽ tùy thuộc cộng đồng quốc tế, gồm Mỹ và Hàn Quốc có bảo đảm an ninh và cơ hội phát triển kinh tế thì Triều Tiên sẽ giải giáp VKHN”.

Các nhà phân tích nói điều này sẽ giúp ông Kim có một vị thế chính trị, để đàm phán về việc giảm thiểu kho VKHN của Triều Tiên.

Ông Adam Mount, nhà nghiên cứu cấp cao của Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ, nói: “Điều này có nghĩa là lời hứa kiểm soát vũ khí của một cường quốc hạt nhân, chứ không là một chế độ bị cô lập, bị ép giải trừ vũ khí. Đó là một tuyên bố được soạn rất cẩn thận, cho thấy chỉ giảm thiểu chương trình hạt nhân và tên lửa chứ không giải giáp. Ngay cả trong những điều kiện hạn chế này, Triều Tiên vẫn có thể mở rộng khả năng một cách đáng kể”.

Nhưng ông Mount nói việc dừng thử hạt nhân cũng quan trọng, vì “về tiêu chuẩn kỹ thuật hoặc quân sự, Triều Tiên chưa thể có một kho VKHN hiện đại.

Câu hỏi lớn vẫn là ông Kim có thực sự từ bỏ "thanh gươm công lý”?

Việc ông Kim dừng thử hạt nhân và hướng về kinh tế trước khi ông có cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 27.4 tới, và đến tháng 6 tới ông cũng sẽ có thể gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Quyết định của ông Kim được đảng Lao động Triều Tiên nhất trí thông qua hôm 20.4.

Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản đều hoan nghênh quyết định của ông Kim, dù cẩn trọng nói sự dừng thử hạt nhân chỉ là một bước hướng tới mục tiêu phi hạt nhân. Tuyên bố của Triều Tiên không đề cập các bước kế tiếp sẽ là gì.

Từ lâu, Triều Tiên đã nói VKHH không phải là thứ hàng hóa đem ra trả giá, và chính ông Kim gọi chúng là “thanh gươm công lý quý giá”, và là một “biện pháp bảo vệ mạnh mẽ quyền được sống của nhân dân Triều Tiên”.

Theo Times, dù tuyên bố Triều Tiên có khả năng tấn công lãnh thổ Mỹ bằng VKHN, xem ra ông Kim quyết đàm phán với Mỹ, như Liên Xô đã làm hàng chục năm trước, ở vị thế một cường quốc hạt nhân.

Các nhà hoạch định chính sách Hàn Quốc nêu việc ông Kim phát tín hiệu sẵn sàng giải trừ kho VKHN, là để nhận lấy những phần thưởng như giúp đỡ kinh tế, một thỏa thuận hòa bình cùng việc Mỹ hứa bảo đảm an ninh cho Triều Tiên. Đấy là những giải pháp ông Kim cần để vực dậy nền kinh tế.

Cựu Bộ trưởng Thống nhất liên Triều (thuộc chính phủ Hàn Quốc) Lee Jong-seok nói: “Ông ấy đang tìm kiếm một sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng như Trung Quốc. Quan điểm về Triều Tiên của ông ấy khác với của cha ông ấy”.

Ông Lee cũng lưu ý: “Chúng ta mới chỉ soi chuyện hạt nhân, chưa tích cực nhìn về mảng khác. Ông ấy sẵn sàng đổi VKHN vì sự phát triển kinh tế. Nếu ông ấy hài lòng với mỗi việc nuôi dân 3 bữa ăn/ngày, thì ông ấy sẽ không từ bỏ VKHN”.

Ông Kim chỉ tái áp dụng chiến thuật cũ để câu giờ ?

Ông Lee Sung-yoon, chuyên gia về Triều Tiên ở Đại học Tufts (Mỹ) nói quyết định của ông Kim là “chơi lại một chiến thuật cũ của Triều Tiên”, có nghĩa cố gắng khiến kẻ thù hoang mang bằng những hành động gây cao trào, nhằm giành được những nhượng bộ, mà vẫn không phải từ bỏ “thanh gươm công lý”. Ông nói thêm: “Lịch sử đang lập lại như một trò hề. Mưu của Kim Jong-un không mới”.

Các quan chức Mỹ nói họ đã nhiều lần bị Triều Tiên lừa, trong những cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa trước đây. Một thỏa thuận năm 1994 đã bị đổ vỡ, sau khi Mỹ cáo buộc Triều Tiên lén làm giàu uranium.

Một thỏa thuận khác năm 2005 cũng đổ vỡ, vì tranh cãi cách kiểm tra việc niêm phong hạt nhân. Năm 2012, Triều Tiên phóng tên lửa tầm xa, sau khi đồng ý ngưng thử tên lửa.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hoan nghênh tuyên bố dừng thử hạt nhân của ông Kim là “tin tốt cho Triều Tiên và thế giới”. Nhưng ông Victor Cha - từng được đánh giá sẽ là Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc - nói với trang tin Axios: tuyên bố của Bình Nhưỡng thật sự chỉ là sự hợp thức hóa các cuộc gặp thượng đỉnh, và là một âm mưu địa - chính trị.

Ông Cha người Mỹ gốc Hàn Quốc, hiện là cố vấn trưởng của Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS, Mỹ) nói: “Đấy không là tuyên bố phi hạt nhân. Đây là tuyên bố rằng Triều Tiên có thể là một quốc gia hạt nhân có trách nhiệm. Chính phủ Triều Tiên đã tuyên bố họ sẽ dừng tất cả các vụ thử khi đối thoại. Tuyên bố này hợp thức hóa lời hứa. Không ai tin lời hứa đó, nhưng nếu họ muốn Trump đồng ý đàm phán, thì đấy là tất cả những gì họ cần”.

Vĩnh Thụy (theo New York Times)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác tại Brazil và Dominicana
một giờ trước Sự kiện
Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Brazil và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, thăm chính thức nước Cộng hòa Dominicana đã thành công tốt đẹp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ông Kim Jong-un sẽ đổi ‘thanh gươm công lý’ vì miếng cơm?