“Trường hợp người làm chứng được tòa án triệu tập nhưng cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc xét xử thì Hội đồng xét xử có thể quyết định dẫn giải theo quy định”, Luật sư Kiều Anh Vũ, Đoàn Luật sư TP.HCM nêu.

Ông Trần Bắc Hà vắng mặt tại tòa: Liệu có thể dẫn giải?

Trí Lâm | 10/01/2018, 14:11

“Trường hợp người làm chứng được tòa án triệu tập nhưng cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc xét xử thì Hội đồng xét xử có thể quyết định dẫn giải theo quy định”, Luật sư Kiều Anh Vũ, Đoàn Luật sư TP.HCM nêu.

Người làm chứng có thể bị dẫn giải đến tòa

Chiều 8.1, trong phiên xử bị cáo Phạm Công Danh (sinh năm 1965, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VNCB, tập đoàn Thiên Thanh), Trầm Bê (cựu Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Thương Tín - Sacombank) và 44 người khác về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, ông Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV được triệu tập đến phiên tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng nhưng vị này đã có đơn xin vắng mặt. Lý dolà đang điều trị bệnh ung thư gan và xin giữ nguyên lời khai tại Cơ quan điều tra.

Ngoài ông Hà, Chủ tọa phiên tòa cũng thông báo bà Hứa Thị Phấn xin vắng mặt tại phiên tòa vì hiện sức khỏe chỉ còn 7%; ông Đoàn Ánh Sáng, Trần Lục Lang (hai cựu phó tổng giám đốc BIDV) và một số người khác cũng xin vắng mặt vì lý do sức khỏe. Họ đồng ý sử dụng lời khai của mình tại cơ quan điều tra để sử dụng tại phiên tòa.

Tuy nhiên, ông Trần Bắc Hà được triệu tập đến phiên tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng, việc ông Hà vắng mặt liệu có đúng luật?

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, Luật sư Kiều Anh Vũ (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành thì người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng có nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

“Trường hợp người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vắng mặt thì tùy trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử. Trường hợp xét thấy sự vắng mặt đương sự chỉ gây trở ngại cho việc giải quyết bồi thường thiệt hại thì Hội đồng xét xử có thể tách việc bồi thường để xét xử sau theo quy định của pháp luật”, ông Vũ nói.

Theo luật sư này, đối với người làm chứng, phải tham gia phiên tòa để làm sáng tỏ những tình tiết của vụ án. Nếu người làm chứng vắng mặt nhưng trước đó đã có lời khai ở Cơ quan điều tra thì chủ tọa phiên tòa công bố những lời khai đó. Nếu người làm chứng về những vấn đề quan trọng của vụ án vắng mặt thì tùy trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử.

“Trường hợp người làm chứng được tòa án triệu tập nhưng cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc xét xử thì Hội đồng xét xử có thể quyết định dẫn giải theo quy định”, ông Vũ nêu.

Nói với tờ VNF, Luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, với trường hợp ông Trần Bắc Hà, trong vụ án này thì ông Hà không chỉ có tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan mà còn là người làm chứng nên phải có mặt tại tòa.

“Trong trường hợp này thì ông Hà nên có mặt. Thậm chí, nếu thấy cần thiết thì tòa có thể cưỡng chế nhằm phục vụ quá trình thẩm vấn, làm rõ một số vấn đề theo quy định của pháp luật”, luật sư Nguyễn Tri Đức nói.

Ông Trần Bắc Hà liên quan gì?

Được biết, ông Trần Bắc Hà được xác định là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan và người làm chứng trong vụ án này.

Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, năm 2013, ông Phạm Công Danh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng (VNCB)gặp lãnh đạo BIDV hội sở chính là ông Đoàn Ánh Sáng đặt vấn đề việc ông Danh sẽ giới thiệu khách hàng có nhu cầu vay vốn kinh doanh cho BIDV. Trường hợp khách hàng do VNCBgiới thiệu không có đủ tài sản đảm bảo thì VNCB sẽ hỗ trợ, dùng tài sản của mình cầm cố, thế chấp, đảm bảo khoản vay theo quy định của BIDV.

Khi được lãnh đạo BIDV hội sở chính đồng ý, ông Danh chỉ đạo các bị cáo cấp dưới dùng 12 công ty do ông Danh thành lập, lập khống hồ sơ vay vốn để được vay 4.700 tỉ đồng tại BIDV. Tài sản đảm bảo khoản vay cho 12 công ty này gồm: 3.070 tỉ đồng là tiền của VNCB gửi tại BIDV và một số tài sản khác của Tập đoàn Thiên Thanh.

Từ ngày 29.10 - 28.11.2013, các chi nhánh của BIDV, gồm: Bến Thành, Gia Định, Sở giao dịch 2, Nam Sài Gòn đã giải ngân 4.700 tỉ đồng cho 12 công ty của ông Danh. Sau khi giải ngân, BIDV yêu cầu 12 công ty bổ sung hóa đơn, chứng minh việc mua bán, giao nhận hàng hóa vật liệu xây dựng theo hồ sơ vay vốn nhưng các công ty này không cung cấp được.

Thời gian sau, các công ty này đã trả một phần tiền để lấy tài sản thế chấp và quyền sử dụng đất. Số nợ còn lại, VNCB đã dùng tiền gửi tại BIDV để trả thay cho 12 công ty, gây thiệt hại cho VNCB hơn 2.550 tỉ đồng.

Về ông Trần Bắc Hà, các phó tổng giám đốc BIDV hội sở chính là Đoàn Ánh Sáng, Trần Lục Lang..., cáo trạng nêu những người liên quan này có hành vi là ký 12 quyết định, 12 tờ trình đồng ý chủ trương cho 12 công ty của Phạm Công Danh vay tiền tại BIDV chi nhánh. Tuy nhiên, do BIDV không xảy ra thiệt hại nên các cá nhân liên quan không phạm tội “vi phạm quy định về cho vay...”. Từ đó, tháng 10.2017, cơ quan điều tra kiến nghị các cơ quan quản lý kiểm điểm, xử lý hành chính đối với cán bộ BIDV liên quan.

Bên cạnh đó, Cơ quan điều tra cho biết BIDV đãkhông tiến hành kiểm tra, thẩm định đối với khách hàng. Do đó, sau khi BIDV giải ngân 4.700 tỉ đồng cho 12 công ty của ông Danh, các công ty này chủ yếu dùng tiền tăng vốn điều lệ cho VNCB thay vì kinh doanh như hồ sơ vay nộp BIDV;không yêu cầu khách hàng cung cấp báo cáo tài chính đã được kiểm toán; chấp nhận tài sản đảm bảo gồm nhiều bất động sản của bên thứ 3 và tiền gửi của VNCB tại BIDV. Khi thu nợ, BIDV đã lấy chính tiền gửi liên ngân hàng của VNCB, gây ra thất thoát cho ngân hàng này

Tổng số tiền VNCB phải trả thay cho 12 công ty vay vốn là 2.550 tỉ đồng. Đây cũng là số tiền được xác định VNCB thiệt hại trong việc vay 4.700 tỉ đồng của BIDV. Số tiền thiệt hại nói trên được BIDV thu hồi từ khoản gửi 3.070 tỉ đồng liên ngân hàng trước đó.

Đại án VNCB giai đoạn 2: Trần Bắc Hà và Dr Thanh vắng mặt

Phạm Công Danh vay 4.700 tỉ đồng của BIDV như thế nào?

Hoài Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
6 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ông Trần Bắc Hà vắng mặt tại tòa: Liệu có thể dẫn giải?