Vụ gây náo loạn tòa nhà Quốc hội Mỹ làm dấy lên lời kêu gọi phế truất đương kim Tổng thống Donald Trump trước lúc Tổng thống đắc cử Joe Biden nhậm chức ngày 20.1.
Có 2 phương thức phế truất: Luận tội và tu chánh án thứ 25 thuộc Hiến pháp Mỹ. Bất luận dùng phương thức nào thì Phó tổng thống Mike Pence đều sẽ tạm nắm quyền trước lúc có tổng thống mới.
Luận tội
Luận tội bắt đầu từ Hạ viện. Hạ viện có thể đưa ra cáo buộc về hành vi phản quốc, hối lộ hay các tội hình sự nặng nhẹ khác.
Ủy ban Tư pháp Hạ viện sẽ dẫn dắt điều tra hành vi phạm tội. Dựa trên kết quả điều tra họ soạn thảo và phê chuẩn cáo buộc, đưa ra Hạ viện bỏ phiếu.
Nếu cáo buộc vượt qua cuộc bỏ phiếu ở Hạ viện thì Thượng viện tổ chức một phiên xét xử. Trong phiên tòa, hạ nghị sĩ giữ vai trò công tố viên, thượng nghị sĩ là bồi thẩm đoàn, Chánh án Tòa tối cao làm chủ tọa, Tổng thống là bị cáo.
Sau phiên xét xử thì toàn bộ thượng nghị sĩ bỏ phiếu. Nếu có 2/3 số thượng nghị sĩ thông qua thì Tổng thống bị kết tội và phế truất.
Năm 2019, Tổng thống Trump từng bị điều tra luận tội với cáo buộc phản bội lời thề khi nhậm chức, phản bội an ninh quốc gia và “vi phạm nghiêm trọng Hiến pháp Mỹ” vì tìm cách tranh thủ thế lực nước ngoài giành lợi thế chính trị.
Quyết định trên được đưa ra sau khi xuất hiện một lá thư tố cáo đề cập cuộc trò chuyện giữa Tổng thống Trump với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky vào cuối tháng 7, có thảo luận về ông Biden. Dư luận lẫn chính giới Mỹ nghi ngờ Tổng thống Trump gây sức ép buộc Tổng thống Zelensky mở cuộc điều tra ông Biden cùng con trai hòng tạo lợi thế trong lần tái tranh cử năm 2020.
Ở lần này, giáo sư luật Frank Bowman thuộc đại học Missouri nhận định Tổng thống Trump có thể bị cáo buộc tội kích động bạo lực, hoặc tội danh bao quát hơn là không trung trành với hiến pháp, phản bội lời tuyên thệ nhậm chức. Quốc hội Mỹ có toàn quyền xác định hành vi phạm tội.
“Hành vi phạm tội cơ bản là vi phạm Hiến pháp – cố gắng phá hoại kết quả hợp pháp của một cuộc bầu cử tổ chức hợp pháp”, theo giáo sư Bowman.
Hiến pháp Mỹ không quy định thời gian luận tội và phế truất Tổng thống. Mọi việc có thể diễn ra rất nhanh nếu lưỡng viện đạt đồng thuận cao.
Tu chánh án thứ 25
Tu chánh án thứ 25 được phê chuẩn năm 1967. Điều 4 trong tu chánh án đề cập đến tình huống một Tổng thống không thể đảm đương vị trí nhưng lại không tự nguyện từ chức.
Ở tình huống như vậy, Phó tổng thống cùng đa số nội các cần tuyên bố Tổng thống không đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ nên loại bỏ.
Tất nhiên sau đó Tổng thống có quyền phản bác, nếu Phó tổng thống cùng đa số nội các trong vòng 4 ngày tiếp theo không phản đối thì Tổng thống lấy lại quyền lực. Còn nếu họ phản đối, vấn đề được đưa ra Quốc hội Mỹ. Nếu cả Hạ viện lẫn Thượng viện đều thông qua việc xác định Tổng thống không đủ năng lực, Phó tổng thống sẽ tạm thời nắm quyền.
Giáo sư Bowman cho biết lịch sử ra đời của tu chánh án thứ 25 cho thấy phần văn kiện này dành cho trường hợp Tổng thống mất năng lực vì bệnh nào đó, không đảm đương được vị trí. Vì vậy rất khó có thể dùng tu chánh án thứ 25 phế truất Tổng thống Trump: Thứ nhất vì có nhiều lập luận chứng minh ông không bị mất năng lực, thứ hai là Phó tổng thống Pence nhiều khả năng không muốn làm vậy.