Chiến tranh thương mại đứng trước nguy cơ leo thang khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 7.9 tuyên bố sẵn sàng đánh thuế thêm 267 tỉ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, bên cạnh kế hoạch 200 tỉ USD.
Tổng thống Trump đưa ra lời đe dọa chỉ vài giờ sau khi thời gian lấy ý kiến về danh sách hàng Trung Quốc tổng trị giá 200 tỉUSD sắp bị áp thuế kết thúc.
Ông phát biểu: “Tôi phải cứng rắn với Trung Quốc. Kế hoạch 200 tỉUSD mà chúng ta nói đến sẽ sớm được triển khai tùy vào tình hình. Và tôi ghét phải nói điều này, nhưng sau đó còn có 267 tỉUSD đang sẵn sàng nếu tôi muốn”.
Mỹ hiện đã áp thuế suất 25% với 50 tỉUSD hàng Trung Quốc, chủ yếu là máy móc công nghiệp và linh kiện điện tử. Kế hoạch đánh thuế 200 tỉUSD bao gồm cả một số mặt hàng tiêu dùng như máy ảnh, thiết bị ghi âm, túi xách, máy hút bụi.
Điện thoại di động, mặt hàng Washington nhập khẩu nhiều nhất từ Bắc Kinh, đến nay vẫn an toàn, tuy nhiên vẫn có khả năng nằm trong danh sách 267 tỉUSD mà Tổng thống Trump đe dọa.
Đến nay nhà lãnh đạo Mỹ đã dọa đánh thuế với tổng cộng 517 tỉUSD hàng Trung Quốc, vượt quá con số 505 tỉUSD hàng Trung Quốc xuất sang nước này năm 2017. Số liệu thống kê mới cho thấy thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với Trung Quốc trong tháng 7.2018 đạt 36,8 tỉUSD.
Cùng ngày 7.9, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow khẳng định chính phủ sẽ xem xét ý kiến người dân trước khi đưa ra quyết định về kế hoạch 200 tỉUSD.
Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã nhận được gần 6.000 ý kiến và dự kiến mở điều trần công khai để giải thích những thắc mắc liên quan. Hầu hết ý kiến đều do những doanh nghiệp muốn miễn trừ thuế gửi lên, trong đó có không ít đơn vị cho biết rất khó kiếm nguồn hàng thay thế đồng thời nhận định thuế quan chỉ đem lại khó khăn về tài chính.
Theo cố vấn Kudlow, Mỹ vẫn đang đối thoại với Trung Quốc về vấn đề thương mại, nhưng nền kinh tế châu Á vẫn chưa đáp ứng những yêu cầu Washington chưa ra, bao gồm cải thiện tình hình bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ, cắt giảm thặng dư thương mại, mở cửa hơn nữa thị trường và ngừng trợ cấp cho những ngành công nghiệp công nghệ cao.
Cẩm Bình (theo Reuters)