Tổng thống Donald Trump hôm 18.1 đã ký lệnh hành pháp chỉ đạo các cơ quan Mỹ ưu tiên loại bỏ các máy bay không người lái do Trung Quốc sản xuất khỏi các hạm đội của Chính phủ Mỹ và đánh giá bất kỳ rủi ro an ninh nào.
Ông Trump đã chỉ đạo tất cả cơ quan Mỹ vạch ra những rủi ro an ninh do đội máy bay không người lái hiện tại của chính phủ do máy bay không người lái của các công ty Trung Quốc hoặc các nước khác được coi là đối thủ gây ra như Nga, Iran, Triều Tiên.
Lệnh của ông Trump cũng chỉ đạo các cơ quan phác thảo "các bước tiềm năng có thể được thực hiện để giảm thiểu những rủi ro này, gồm cả ngừng tất cả việc sử dụng máy bay không người lái liên bang và nhanh chóng loại bỏ chúng khỏi dịch vụ liên bang".
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Hoa Xuân Oánh cho biết Bắc Kinh phản đối việc Mỹ trấn áp các công ty Trung Quốc sau khi Tổng thống Trump ra lệnh trên.
Tháng 12.2020, Bộ Thương mại Mỹ đã thêm SZ DJI Technology Co (Trung Quốc), nhà sản xuất máy bay không người lái lớn nhất thế giới, vào danh sách đen kinh tế của Chính phủ Mỹ, cùng hàng chục công ty Trung Quốc khác.
Vào tháng 1.2020, Bộ Nội vụ Mỹ đã dừng hoạt động phi đội khoảng 800 máy bay không người lái do Trung Quốc sản xuất nhưng cho biết sẽ cho phép sử dụng chúng cho các tình huống khẩn cấp.
Bộ trưởng Nội vụ Mỹ - David Bernhardt vào tháng 10 đã ra lệnh ngừng mua thêm máy bay không người lái do Trung Quốc sản xuất.
Tháng 5.2019, Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã cảnh báo các công ty Mỹ về rủi ro với dữ liệu công ty từ các máy bay không người lái do Trung Quốc sản xuất. Trong một thông báo, Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho biết các quan chức Mỹ “cực kỳ lo ngại về bất kỳ sản phẩm công nghệ nào đưa dữ liệu của Mỹ vào lãnh thổ một quốc gia cho phép các dịch vụ tình báo của họ có quyền truy cập không được kiểm soát vào dữ liệu đó hoặc lạm dụng quyền truy cập đó”.
Tháng trước, SZ DJI Technology Co nói rất thất vọng trước quyết định của Bộ Thương mại Mỹ nhưng lưu ý rằng “khách hàng ở Mỹ có thể tiếp tục mua và sử dụng các sản phẩm của họ bình thường”.
Như vậy, trong những ngày cuối nhiệm kỳ, ông Trump tiếp tục có hành động mạnh tay chống lại Trung Quốc trước khi Joe Biden tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ vào trưa 20.1.
Mới đây, chính quyền Trump đã thông báo cho các hãng cung ứng của Huawei, bao gồm cả nhà sản xuất chip Intel, rằng đang thu hồi một số giấy phép để bán hàng cho Huawei và có ý định từ chối hàng chục đơn khác để cung cấp cho công ty viễn thông Trung Quốc, theo Reuters.
Đây có thể là hành động cuối cùng chống lại Huawei dưới thời Tổng thống Donald Trump và động thái mới nhất trong nỗ lực dài hạn nhằm làm suy yếu nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, bị cho là mối đe dọa với an ninh quốc gia và lợi ích chính sách đối ngoại của Mỹ. Xem chi tiết tại đây.
Hôm 15.1, Tổng thống Donald Trump chỉ đạo các cơ quan chính phủ xem xét giảm thiểu mua sắm hàng hóa và dịch vụ của Trung Quốc để tránh rủi ro do gián điệp, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ - Robert O’Brien cho biết.
Trong một tuyên bố, Robert O’Brien cáo buộc Trung Quốc nhắm mục tiêu vào hệ thống thông tin của Chính phủ Mỹ để lấy hồ sơ nhân sự, kế hoạch quân sự và các dữ liệu khác thông qua mạng cùng các phương tiện khác.
“Vì lý do này, Mỹ phải có những hành động tương ứng để bảo vệ lợi ích của Mỹ. Chúng tôi phải điều chỉnh các quy định, chính sách của mình và thực hiện các hành động cần thiết khác để giảm nguy cơ hoạt động gián điệp kỹ thuật và con người của Trung Quốc nhắm vào chính phủ liên bang”, ông Robert O’Brien nói.
Ông Robert O’Brien cho biết Tổng thống Trump đã chỉ đạo các cơ quan chính phủ tiến hành đánh giá "để giảm thiểu việc mua sắm hàng hóa và dịch vụ của Trung Quốc".
Robert O’Brien không đưa ra ví dụ về hoạt động mua sắm mà ông đề cập, nhưng một quan chức chính quyền cấp cao cho hay mục đích chính là đẩy lùi các nỗ lực của Trung Quốc xâm nhập vào mạng CNTT của Mỹ.
“Bất cứ điều gì liên quan đến các công ty Trung Quốc có các thành phần trong mạng của chúng tôi đều có thể trở thành lỗ hổng bảo mật được sử dụng để tiếp tục chiến lược tổng hợp quân sự - dân sự của Trung Quốc. Ví dụ: Nếu có phần cứng xâm nhập vào mạng của chúng tôi, đó là thứ có thể gây ra lỗ hổng tiềm ẩn”, quan chức này nói.
Ông Trump đã theo đuổi các chính sách cứng rắn với Trung Quốc về các vấn đề từ thương mại đến gián điệp và coronavirus. Mối quan hệ hai siêu cường giảm mạnh đến mức tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ khi ông Trump tăng cường hùng biện trong chiến dịch tái tranh cử không thành công của mình.
Hôm 14.1, chính quyền Trump đưa thêm 9 công ty Trung Quốc vào danh sách đen vì được cho có quan hệ với quân đội nước này.
Trong số các công ty Trung Quốc bị đưa vào danh sách đen của Bộ Quốc phòng Mỹ có Xiaomi (hãng sản xuất smartphone) và Comac (hãng chế tạo máy bay). Advanced Micro-Fabrication Equipment, Luokung Technology, Beijing Zhongguancun Development Investment Centre, GOWIN Semiconductor, Grand China Air, Global Tone Communication Technology và China National Aviation Holding là 7 cái tên còn lại.
Các nhà đầu tư Mỹ buộc phải thoái vốn khỏi 9 công ty Trung Quốc nằm trong danh sách này trước ngày 11.11.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cáo buộc Mỹ "gắn mác chính trị và ý thức hệ vào các vấn đề kinh tế và thương mại, lợi dụng quyền lực nhà nước để đàn áp các công ty nước ngoài với lý do an ninh quốc gia".