Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng để có thể giữ tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) ở mức dưới 4% trong năm 2020 như chỉ tiêu của Quốc hội là một mục tiêu cực kỳ khó khăn.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh: Giữ tốc độ tăng CPI dưới 4% là… cực kỳ khó khăn

02/07/2020, 17:02

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng để có thể giữ tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) ở mức dưới 4% trong năm 2020 như chỉ tiêu của Quốc hội là một mục tiêu cực kỳ khó khăn.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính - Ảnh: ĐĐK

Giữ CPI dưới 4% là rất khó khăn

Tổng cục Thống kê cho biết GDP 6 tháng đầu năm 2020 của Việt Nam tăng 1,81%, là mức tăng thấp nhất của 6 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,19%, đóng góp 11,89% vào mức tăng trưởng GDP; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,98%, đóng góp 73,14%; khu vực dịch vụ tăng 0,57%, đóng góp 14,97%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm 2020 tăng 4,19% so với bình quân cùng kỳ năm 2019. Đây là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2016-2020. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2020 tăng 2,81% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.

Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo điều hành giá vừa diễn ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%. Theo đó, Bộ Tài chính phối hợp chủ trì với các bộ, ngành tiếp tục rà soát, cập nhật kịch bản phù hợp với mục tiêu đề ra để đạt được con số dưới 4%. Trong trường hợp thật cần thiết, có thể điều hành ở 4% để góp phần thúc đẩy tăng trưởng.

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng để có thể giữ tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân ở mức dưới 4% trong năm 2020 như chỉ tiêu của Quốc hội là một mục tiêu cực kỳ khó khăn.

Ông Thịnh cho rằng cần đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, tránh để bùng phát trở lại và phòng ngừa các dịch bệnh khác phát sinh sẽ là tiền đề tốt cho ổn định sản xuất, ổn định thị trường, bình ổn giá cả các mặt hàng.

Để có thể hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn và đáp ứng các điều kiện về điều kiện lao động mà một số Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới quy định, theo ông Thịnh, các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh cần đề cao công tác vệ sinh môi trường, cải thiện điều kiện làm việc, thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết, tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống sự bùng phát trở lại của dịch bệnh.

Tránh “lạm phát do tâm lý”

Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho rằng cần tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế. Tăng trưởng kinh tế sẽ là nhân tố hỗ trợ đắc lực cho việc giữ ổn định nền kinh tế, giúp tránh được tâm lý hoài nghi của các doanh nghiệp và các tầng lớp dân cư, tránh tình trạng “lạm phát do tâm lý”.

Theo thông tin từ SSI Research, VND đã tăng giá khoảng 0,6% so với USD trong cả tháng 5, ghi nhận 2 tháng liền hồi phục mạnh, lấy lại gần như toàn bộ phần giá trị đã mất trong đợt sóng tháng 3.

Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, VND chỉ mất giá so với USD (-0,47%) và JPY (-1,34%) nhưng lên giá so với CNY (+1,97%), KWR (+5,78%), GBP (+6,35%), EUR (+0,51%).

Tuy nhiên, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh khẳng định vẫn cần tiếp tục theo dõi sát tình hình biến động của nền kinh tế thế giới và thị trường tài chính – tiền tệ, chủ động, tích cực quản lý và điều chỉnh tỷ giá hối đoái linh hoạt, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, từng bước ổn định và nâng cao giá trị đồng Việt Nam để làm cơ sở cho việc kìm giữ chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI).

Một giải pháp nữa ông Thịnh đưa ra là tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động giá cả, thị trường, nhất là với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, đảm bảo ổn định mặt bằng giá cả.

Cụ thể, chuyên gia này cho biết, giá các mặt hàng thực phẩm trong 6 tháng đầu năm 2020 tăng 14,28% so với cùng kỳ năm 2019 (làm CPI chung tăng 3,23%), trong đó riêng giá thịt lợn tăng với mức cực cao 68,2% (làm CPI chung tăng 2,86%). Hay như trong quý 1/2020 giá điện sinh hoạt tăng gần 10%, nước sinh hoạt tăng 4,75% nên trong tháng 5 giảm 0,28% so với tháng 4 và tháng 6 giảm 2,72% so với tháng 5 nhưng mức tác động đến CPI vẫn cao.

Trong thời gian qua, giá các mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu giảm 19,49% (tác động làm CPI chung giảm 0,81%); giá gas trong nước giảm 3,63%, nhưng trong tháng 6 đã tăng 14,24%.

“Cần tăng cường kiểm tra, giám sát, có các biện pháp điều chỉnh kịp thời, tránh để xảy ra các biến động bất thường tác động xấu đến nền kinh tế. Đặc biệt, với thịt lợn và thực phẩm cần có các biện pháp nhập khẩu các sản phẩm với mức độ thích hợp để hạ thấp giá cả của các mặt hàng này, góp phần bình ổn mặt bằng giá trên thị trường”, ông Thịnh nói.

Ông Đinh Trọng Thịnh cũng kiến nghị kiểm tra chặt chẽ các yếu tố hình thành giá đối với các mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá, các mặt hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, tránh việc điều chỉnh giá, tăng giá bất hợp lý.

“Với những mặt hàng có lộ trình tăng giá, cần xác định rõ mức độ, thời điểm thực hiện, tránh trùng các thời điểm có thể gây biến động lớn đến mặt bằng giá cả của nền kinh tế”, ông Thịnh nêu.

Phải minh bạch thông tin về giá

Ngoài ra, chuyên gia này cho hay cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về điều hành giá, thực hiện tốt các quy định về công khai, minh bạch các thông tin về giá.

“Đặc biệt là đối với các mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá, các mặt hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, tránh lạm phát kỳ vọng, tránh các tin đồn thất thiệt gây hoang mang tâm lý, ảnh hưởng xấu tới mặt bằng giá cả của một số mặt hàng và mặt bằng giá cả của nền kinh tế”, chuyên gia này nêu.

Đồng thời, ông Thịnh cũng cho biết cần có các cơ chế theo dõi, quản lý giá thường xuyên giữa các cơ quan có liên quan và có chế tài xử lý nghiêm khắc để các chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành phải được các doanh nghiệp và các tầng lớp dân cư thực thi một cách toàn diện và nghiêm túc.

“Nền kinh tế Việt Nam đã bắt đầu trở lại trạng thái hoạt động bình thường mới sau đại dịch COVID-19, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về giá; đẩy nhanh việc xây dựng và điều chỉnh các định mức kinh tế - kỹ thuật để làm cơ sở xác định giá hàng hóa, dịch vụ cho các loại hình của dịch vụ y tế, giáo dục, xã hội theo đúng lịch trình tính đúng, tính đủ chi phí thực hiện vào giá và lộ trình cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập”, ông Thịnh chia sẻ.

Một giải pháp nữa chuyên gia này nêu ra là cần đẩy mạnh triển khai xây dựng và số hóa Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá, thực hiện kết nối thông tin giữa các cơ quan quản lý giá của các Bộ, ngành và các địa phương trong cả nước, nhằm cung cấp thông tin về giá chính xác, kịp thời và có cơ sở lịch sử, cơ sở khoa học.

Hơn nữa, theo ông Thịnh, đối với các hàng hóa được mua sắm bằng tiền từ nguồn NSNN, hàng hóa dự trữ quốc gia, hàng hóa, dịch vụ phục vụ công ích cần được kiểm tra tính xác thực, tính đầy đủ và chính xác. Với những hàng hóa, dịch vụ có thể đấu thầu cần tổ chức đấu thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ công ích để đảm bảo tính cạnh tranh, tính hiệu quả và công bằng.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
6 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh: Giữ tốc độ tăng CPI dưới 4% là… cực kỳ khó khăn