PGS.TS.Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng nên áp dụng việc tính giá điện sinh hoạt theo giá điện 1 giá và bằng với giá điện tiêu dùng đã được xác định (hiện nay là 2.018 đồng/kWh).

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh: Vẫn nên áp dụng điện sinh hoạt 1 giá với mức 2.018 đồng/kWh

20/08/2020, 19:01

PGS.TS.Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng nên áp dụng việc tính giá điện sinh hoạt theo giá điện 1 giá và bằng với giá điện tiêu dùng đã được xác định (hiện nay là 2.018 đồng/kWh).

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính - Ảnh: ĐĐK

Bộ Công Thương vừa đề xuất phương án 1 giá điện rồi nhanh chóng rút lại, tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng vẫn nên áp dụng điện 1 giá.

Nên áp dụng điện một giá

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, PGS.TS.Đinh Trọng Thịnh cho hay, theo quy định tại điều 4 của Quyết định 24/2017 do Thủ tướng ban hành, giá điện bình quân được tính trên cơ sở giá điện sản xuất tại các nhà máy trong nước và cả điện nhập khẩu, cộng lợi nhuận định mức từ các nhà máy điện cung cấp dịch vụ phụ trợ (bao gồm cả chi phí chạy thử nghiệm); chi phí mua dịch vụ truyền tải điện kèm lợi nhuận định mức, mua dịch vụ phân phối kèm lợi nhuận định mức và quản lý chung của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN).

Đặc biệt, giá điện bình quân hiện nay cũng tính luôn lỗ do tỷ giá, các chi phí mua dịch vụ điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực cộng lợi nhuận định mức, bao gồm cả chi phí điều tiết thị trường điện lực… bảo đảm ngành điện có lãi để tái đầu tư.

Theo ông Thịnh, giá điện bình quân này tính chung cho cả 4 nhóm đối tượng: sản xuất công nghiệp; khối hành chính sự nghiệp; khối kinh doanh thương mại; và điện cho sinh hoạt.

“Thông thường ở nhiều quốc gia, giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt sẽ cao hơn giá điện bình quân với mục đích để bù trừ cho sản xuất kinh doanh nhằm thúc đẩy thu hút FDI và tăng cường sức cạnh tranh cho các ngành sản xuất kinh doanh của nền kinh tế. Tuy nhiên, cần công khai, minh bạch các mức bù chéo giữa giá điện sinh hoạt với khu vực sản xuất, kinh doanh thương mại và khối hành chính sự nghiệp”, ông Thịnh nói.

Mức giá bán lẻ điện bình quân hiện hành tại Quyết định số 648/QĐ-BCT của Bộ Công Thương đã được Chính phủ phê duyêt và áp dụng từ ngày 20.3.2019 được quy định là 1.864,44 đồng/kWh. Trên cơ sở đó, mức giá bán lẻ điện sinh hoạt được xác định là 2.018 đồng/kWh. Như vậy, đây được coi là giá mà người tiêu dùng chấp nhận, do giá điện vẫn là giá được chính phủ quản lý.

Ông Thịnh chia sẻ rằng, trong kinh tế thị trường, nếu coi điện là một hàng hóa như mọi hàng hóa khác thì EVN chỉ được bán với đúng mức giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt đã được quy định. Như vậy chỉ nên áp dụng 1 giá, ai dùng ít trả ít, ai dùng nhiều trả nhiều đảm bảo sự công bằng trong mua bán hàng hóa.

‘Rất đáng tiếc là Bộ Công thương đưa ra kiến nghị rút giá điện 1 giá khỏi biểu giá điện sinh hoạt dự thảo do mức đề xuất của EVN quá cao, bằng 145% - 155% mức giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt mà không lý giải được nên bị các chuyên gia và người tiêu dùng phản đối mạnh mẽ”, ông Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm.

Bộ Công Thương cần giải thích các mức giá

Cũng theo chuyên gia này, theo đề án của Chính phủ, sắp tới EVN sẽ được tiến hành cổ phần hóa nhiều chủ thể, nhiều đối tượng trong cơ cấu thị trường bán buôn và bán lẻ điện, thậm chí có thể cổ phần hóa toàn bộ các chủ thể. Trong kinh tế thị trường, EVN cũng chỉ là một doanh nghiệp như nhiều doanh nghiệp khác. Cần tách riêng việc quản lý nhà nước, quản lý xã hội khỏi chức năng, nhiệm vụ của một doanh nghiệp.

Ông Đinh Trọng Thịnh cho rằng đối với các hộ nghèo, hộ chính sách hiện nay đã có các khoản hỗ trợ an sinh của Chính phủ. Theo quy định hiện hành, các hộ nghèo về thu nhập hoặc hộ chính sách xã hội theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định được hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt hàng tháng.

Theo đó, việc hỗ trợ nhiều hay ít tùy thuộc vào việc Chính phủ xác định mức độ sử dụng tối thiểu của người dân và khả năng có thể đáp ứng của NSNN và được chuyển thẳng tới người thụ hưởng. EVN chỉ nên chú tâm vào công việc của mình là sản xuất điện nhiều nhất, tìm cách hạ giá thành sản xuất điện, giảm sản lượng điện hao phí trong truyền tải và phân phối điện, đảm bảo các chỉ tiêu về chất lượng, về bảo vệ môi trường và kinh doanh hiệu quả nhất.

“Việc phân chia theo bậc thang để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng tiết kiệm điện có thể coi là một việc làm cần thiết trong điều kiện người dân ngày càng có thu nhập cao hơn, có nhiều nhu cầu sử dụng điện hơn và có nhiều máy móc thiết bị sử dụng điện hơn trong khi sản xuất điện không tăng trưởng kịp”, ông Thịnh nêu.

Về nguyên tắc bù chéo giữa các nhóm tiêu dùng ở các bậc thang, tổng doanh thu bán điện của EVN theo các bậc thang phải bằng giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt đã được Chính phủ quy định nhân tổng sản lượng điện tiêu thụ cho sinh hoạt của người dùng. EVN không được phép hưởng khoản thu lớn hơn tổng sản lượng điện tiêu thụ cho sinh hoạt tính theo giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt đã được Chính phủ quy định.

Tuy nhiên, với mức quy định như trong biểu hiện nay chỉ có 1 bậc dưới mức giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt được quy định. Còn lại các bậc thang khác đều có mức giá trên mức giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt đã được Chính phủ quy định, thậm chí bậc thang thứ 4, thứ 5 rất cao.

‘Bộ Công thương cũng cần giải thích tại sao lại đưa ra các con số này. Điều này làm cho giá bán lẻ điện bình quân thực tế cao hơn giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt đã được Chính phủ quy định. Để chính xác, rất cần số liệu thống kê cụ thể về các hộ gia đình tiêu thụ điện ở từng mức sử dụng, sản lượng điện năng tiêu thụ trong thời gian vừa qua”, ông Thịnh nói.

Nên để mức 2.018 đồng/kWh

Chuyên gia này cũng nhấn mạnh, vì mức giá bậc thang bình quân thực tế cao hơn giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt đã được Chính phủ quy định, nên EVN sẽ được hưởng phần chênh lệch này. Hơn nữa, khi thời tiết nắng nóng hay quá lạnh, hoặc các dịp lễ, Tết, lượng tiêu thụ điện của các gia đình tăng lên làm cho số người tiêu dùng ở các bậc thang “nhảy bậc” và EVN sẽ càng được hưởng khoản chênh lệch lớn hơn.

"Việc tính giá điện bậc thang cũng không giải quyết được vấn đề về tính công khai, minh bạch trong việc co ngắn hay kéo giãn thời gian đo đếm điện để đẩy bậc giá điện của người sử dụng mà lâu nay dư luận bàn tán”, ông Thịnh nói.

Về bản chất, chuyên gia này cho rằng việc tính giá điện bậc thang với các mức giá càng sử dụng nhiều thì giá càng cao để hạn chế người dân sử dụng nhiều điện cũng giống như việc dùng “thuế tiêu thụ đặc biệt” để điều chỉnh hành vi tiêu dùng các mặt hàng mà Chính phủ không khuyến khích sử dụng.

Trong thuế tiêu thụ đặc biệt, Chính phủ sẽ đánh thuế suất lũy tiến vào các mức sử dụng nhiều hàng hóa nào đó. Khoản thu này nhằm khắc phục các tác động tiêu cực của hàng hóa đến sản xuất, tiêu dùng, sức khỏe, đời sống hay tác động môi trường của hàng hóa.

Tuy nhiên, trong việc sử dụng giá điện bậc thang, phần chênh lệch do mức thu thực tế lớn hơn mức thu theo giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt đã được Chính phủ quy định lại biến thành lợi nhuận của EVN và được EVN tùy ý sử dụng.

“Nếu bóc tách được khoản chênh lệch này và nộp cho NSNN, Chính phủ sẽ dùng số thu đó để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho ngành điện; đầu tư cho nghiên cứu, áp dụng các biện pháp sản xuất hiện đại, tiết kiệm năng lượng; đầu tư phát triển các nguồn năng lượng tái tạo hoặc các nguồn năng lượng mới để cho sản xuất thì sẽ hợp lý hơn”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Thêm nữa, chuyên gia này cho rằng nếu áp dụng giá điện bậc thang theo hộ gia đình cũng không đảm bảo tính công bằng trong việc xác định người dùng nhiều hay dùng ít điện trong điều kiện nhiều gia đình ở Việt Nam hiện nay vẫn sinh sống theo chế độ “tam đại đồng đường”, thậm chí “tứ đại đồng đường”, trong hộ có rất đông người, sản lượng điện sử dụng đo được rất cao, phải chịu giá ở bậc thang cao; nhưng tính bình quân đầu người sẽ có thể thấp hơn sản lượng điện bình quân ở các hộ có ít nhân khẩu và có số đo sản lượng điện sử dụng thấp, được hưởng mức giá bậc thang thấp.

“Việc áp dụng giá bậc thang làm cho việc tính giá điện rất phức tạp, gây khó khăn cho việc kiểm tra, giám sát của các chủ thể sử dụng và các tổ chức quần chúng tham gia giám sát giá cả và sản lượng mặt hàng này. Như vậy, nên áp dụng việc tính giá điện sinh hoạt theo giá điện 1 giá và bằng với giá điện tiêu dùng đã được xác định (hiện nay là 2.018 đồng/kWh)”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
1 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh: Vẫn nên áp dụng điện sinh hoạt 1 giá với mức 2.018 đồng/kWh