Việc thay đổi tư duy, điều chỉnh phương thức trong phòng chống dịch bệnh COVID-19 là việc cần thiết. Trong bối cảnh mới, chúng ta không thể dùng tư duy cũ, cách thức cũ vì đã không còn phù hợp.

Phải làm gì để thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19?

Vũ Trung Kiên | 27/09/2021, 12:41

Việc thay đổi tư duy, điều chỉnh phương thức trong phòng chống dịch bệnh COVID-19 là việc cần thiết. Trong bối cảnh mới, chúng ta không thể dùng tư duy cũ, cách thức cũ vì đã không còn phù hợp.

“Chuyển trạng thái từ mục tiêu "không có COVID" sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19” là kết luận được đưa ra tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19. Cuộc họp được tổ chức trực tuyến tới 63 tỉnh thành, 705 quận, huyện, thị xã, 10.400 xã, phường, thị trấn ngày 25.9. Đây có thể xem là quyết định điều chỉnh chiến lược của công cuộc phòng chống đại dịch COVID-19 hiện nay. Tất nhiên, để thích ứng an toàn, linh hoạt cần phải có lộ trình và những tính toán chi tiết, cụ thể.

Việc thay đổi tư duy, điều chỉnh phương thức trong phòng chống dịch bệnh COVID-19 là việc cần thiết. Trong bối cảnh mới, chúng ta không thể dùng tư duy cũ, cách thức cũ vì đã không còn phù hợp. Trước đây, khi số ca nhiễm ít và trên một địa bàn hẹp thì việc truy vết, cách ly là cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay rõ ràng vi rút đã phát tán trên diện rộng, ngấm sâu vào cộng đồng, vì vậy việc truy vết, cách ly đã bộc lộ những bất cập.

Trong thực tế, tỷ lệ người lớn được tiêm vắc xin đã khá cao, vì vậy số người tử vong do COVID-19 đã giảm dần, đó là minh chứng về việc vắc xin đã phát huy tác dụng… Với tỷ lệ bao phủ vắc xin càng lớn, chắc chắn số ca nhiễm COVID-19 chuyển biến nặng chắc chắn sẽ giảm, điều này sẽ góp phần rất quan trọng để giảm áp lực cho ngành y tế. Trải qua một thời gian dài chống dịch, chứng kiến sự khốc liệt của dịch bệnh, đặc biệt là “nhìn thấy quan tài” đã làm giúp người dân “biết đổ lệ” nên đã phần nào thành hình thái ý thức, thói quen và có những hiểu biết cơ bản về phòng chống dịch bệnh…

TP.HCM đã trải qua thời gian giãn cách nghiêm ngặt khá dài, tất cả mọi mặt gần như đã tới ngưỡng khó có thể chịu đựng hơn nữa. Có thể thấy những khó khăn mà người dân hiện nay phải đối mặt là vấn đề về chăm sóc sức khỏe nói chung, về sản xuất kinh doanh và việc đi lại. Rất nhiều người dân bị các bệnh nguy hiểm khác nhau, nếu tiếp tục giãn cách nghiêm ngặt kéo dài sẽ gây khó khăn cho việc tiếp cận các dịch vụ y tế, khó khăn trong việc kịp thời cấp cứu.

Việc đưa tất cả những người F0 không triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ đi cách ly sẽ tiếp tục gây quá tải, áp lực cho hệ thống y tế vốn đã chịu nhiều áp lực và quá mệt mỏi trong suốt thời gian qua. Không chỉ vậy, nhiều người tập trung vào khu cách ly, nếu điều kiện chăm sóc không tốt, nếu người già rất dễ cô đơn và sẽ làm cho bệnh trở nặng. Sau nhiều tháng giãn cách nghiêm ngặt, suốt mấy tháng phải dừng các hoạt động sản xuất, kinh doanh đã đẩy các cơ sở sản xuất, kinh doanh vào tình cảnh khó khăn, điêu đứng.

Phương án sản xuất “3 tại chỗ” ở nhiều nơi thật sự đã không mang lại hiệu quả, nếu không muốn nói là gánh nặng cho doanh nghiệp và không có lý do gì để kéo dài thêm. Để phòng chống dịch, các chốt chặn đã được dựng lên ở nhiều nơi, nếu như lúc ban đầu có thể là giải pháp phải chấp nhận, nhưng hiện nay thì không còn phù hợp.

Việc có quá nhiều chốt chặn, giăng dây, rào dây thép gai đã làm cho nhiều người dân cảm thấy ngột ngạt, bức bối và tạo ra áp lực về tâm lý. Việc kiểm tra đi lại trên đường với rất nhiều các thủ tục nhiêu khê gây ra ùn tắc và có thể là tác nhân gây ra lây nhiễm dịch bệnh.

Để thích ứng an toàn với dịch bệnh COVID-19 trong bối cảnh mới, trước hết cần xem truyền thông nâng cao nhận thức về phòng chống dịch bệnh là việc phải làm đầu tiên. Các cơ quan có trách nhiệm cần thống nhất xây dựng một chương trình phổ biến kiến thức phòng chống dịch và giao cho các cơ quan truyền hình, báo chí thông tin rộng rãi tới người dân.

Các thông tin về phòng chống COVID-19 cần đi sâu vào những nội dung về việc nhận biết các triệu chứng khi nhiễm vi rút, các loại thuốc, thực phẩm nên dùng, cách chăm sóc F0 tại nhà, các quy định về an toàn khi tiếp xúc, khi đi tập thể dục ở công viên, di chuyển ở thang máy, chợ, siêu thị v.v… Những nội dung này cần được quy định phát vào một khung giờ cố định, nếu là báo cần ở trang cố định.

Đối với các khu vực nguy hiểm về dịch bệnh, cần đặt các tấm biển báo vùng nguy cơ cao để người lưu thông cân nhắc và tìm hướng đi phù hợp. Thông cáo báo chí hằng ngày cần thông tin, phân tích, làm rõ số lây nhiễm ở các địa bàn, những nơi dịch diễn biến phức tạp, yếu tố dịch tễ do đâu, v.v.. để người dân biết, an tâm và có hướng đề phòng. Lắng nghe ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học và giới chủ doanh nghiệp để điều chỉnh các quy định về sản xuất theo hướng để những người sử dụng lao động tự quyết định vấn đề an toàn của doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh.

Dỡ bỏ dần các chốt kiểm tra trong phòng chống dịch, hạn chế việc kiểm tra tại các chốt, tăng cường kiểm tra bất thường, nếu phát hiện sai phạm thì xử lý nghiêm minh. Các tỉnh thành trong khu vực cần cùng ngồi lại với nhau để thống nhất và ban hành những quy định về giao thương liên tỉnh…

Khi tỷ lệ tiêm chủng vắc xin thấp mà đã bàn đến việc “sống chung” với COVID-19 chắc chắn là không phù hợp, bởi muốn sống chung với lũ chắc chắn phải có các phương tiện để chống lũ. Trong bối cảnh hiện nay, việc thay đổi chiến lược về phòng chống dịch là phù hợp. Tất nhiên tùy tình hình thực tế mà các cơ quan có trách nhiệm cân nhắc để có thể đưa ra các quyết định phù hợp, khả thi.

Trong phòng chống dịch COVID-19 hiện nay, cùng với các “phương tiện” khác thì vắc xin và ý thức mỗi người vẫn được xem là giải pháp căn cơ.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phải làm gì để thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19?