Ngoài ra, TP.HCM sắp tiếp nhận 1 triệu liều vắc xin Moderna từ nguồn tài trợ của Mỹ theo cơ chế COVAX và 100.000 liều AstraZeneca (Anh - Thụy Điển) từ nguồn tài trợ của chính phủ Nhật Bản.
Ông Nguyễn Hoài Nam nói trong đợt tiêm vắc xin sắp tới, TP.HCM ưu tiên cao nhất cho nhóm người mắc bệnh mạn tính, người già trên 65 tuổi. Thứ hai là người nghèo, nằm trong nhóm chính sách xã hội. Thứ ba là người lao động làm việc tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ tiện ích, dược, vật tư, chăm sóc sức khỏe...
Một số công nhân người nước ngoài đang làm việc trên địa bàn TP.HCM cũng phải được ưu tiên.
Với số lượng dự kiến nhận được là hơn 1,1 triệu liều vắc xin Moderna, AstraZeneca và Pfizer - BioNTech, TP.HCM tiến hành tiêm trong vòng 2 - 3 tuần.
Được phát triển với đối tác BioNTech, vắc xin của Pfizer cho thấy hiệu quả 95% trong việc ngăn ngừa COVID-19 có triệu chứng trong một thử nghiệm lâm sàng mà các công ty đã thực hiện vào năm ngoái.
Một nghiên cứu của Public Health England (Tổ chức Y tế Công cộng Anh) cho thấy vắc xin Pfizer - BioNTech có hiệu quả 88% với bệnh COVID-19 có triệu chứng từ biến thể Delta từ Ấn Độ hai tuần sau tiêm liều thứ hai. Vắc xin này có hiệu quả đến 93% với chủng Alpha, biến thể thống trị của Anh.
Đây là loại vắc xin COVID-19 đầu tiên được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt vào ngày 11.12.2020. Giống sản phẩm của Moderna, vắc xin này sử dụng công nghệ mRNA cải tiến để đưa vào cơ thể protein đột biến trên bề mặt của SARS-CoV-2.
Trong khi hai liều vắc xin AstraZeneca có hiệu quả chống lại bệnh COVID-19 từ biến thể Delta là 60%, so với 66% với biến thể Alpha, theo Public Health England.
Trong thời gian thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16, TP.HCM sẽ tận dụng thời gian “vàng” để tiến hành triển khai hoạt động tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 song song cùng với hoạt động xét nghiệm tầm soát và điều tra truy vết trong phòng chống dịch bệnh COVID-19.
TP.HCM dự kiến sẽ lập điểm tiêm chủng tại 312 trạm y tế quận, huyện. Mỗi quận, huyện sẽ tổ chức thêm 1 địa điểm tiêm chủng khác.
TP.HCM dự kiến tổ chức 630 điểm tiêm chủng, tiêm cho 120 người/1 điểm tiêm/1 ngày. Để đảm bảo giãn cách, thời gian tiêm chủng sẽ diễn ra trong các khung giờ 8 giờ - 13 giờ và 15 giờ – 20 giờ hàng ngày trong suốt thời gian triển khai.
Qua 4 đợt, tổng số lượt người ở TP.HCM đã được tiêm là 985.077, trong đó có 943.215 tiêm mũi 1 và 41.862 đã tiêm 2 mũi.
Tiêm kết hợp vắc xin AstraZeneca và Pfizer thế nào để đạt hiệu quả cao nhất?
Một mũi vắc xin Pfizer được tiêm 4 tuần sau khi chích AstraZeneca sẽ tạo ra các phản ứng miễn dịch tốt hơn so với việc tiêm thêm một liều AstraZeneca khác, nghiên cứu của Đại học Oxford cho biết.
Đại học Oxford và hãng dược AstraZeneca đồng phát triển vắc xin COVID-19.
Nghiên cứu có tên Com-COV đã so sánh lịch tiêm vắc xin Pfizer, AstraZeneca và phát hiện ra rằng trong bất kỳ sự kết hợp nào, chúng đều tạo ra nồng độ cao các kháng thể chống lại protein tăng đột biến coronavirus.
Dữ liệu cung cấp hỗ trợ cho quyết định của một số quốc gia châu Âu đã bắt đầu cung cấp các lựa chọn thay thế cho AstraZeneca như một mũi tiêm thứ hai sau khi vắc xin này có liên quan đến tình trạng đông máu hiếm gặp.
Matthew Snape, Giáo sư Đại học Oxford đứng sau cuộc thử nghiệm, nói rằng những phát hiện này có thể được sử dụng để tạo sự linh hoạt cho việc triển khai tiêm vắc xin, nhưng không đủ lớn để khuyến nghị thay đổi rộng rãi hơn các lịch trình đã được phê duyệt lâm sàng.
Ông Matthew Snape nói với các phóng viên: “Thật đáng khích lệ khi những phản ứng của kháng thể và tế bào T này trông tốt với phương pháp kết hợp vắc xin”.
Tế bào lympho T (hay tế bào T) là loại bạch cầu thuộc dòng tế bào lympho, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống miễn dịch đáp ứng của cơ thể. Tế bào lympho T có nguồn gốc từ tế bào gốc tạo máu tủy xương và được trưởng thành ở tuyến ức.
Phản ứng kháng thể cao nhất được thấy ở những người nhận hai liều vắc xin Pfizer. Trong khi cả hai phương pháp kết hợp vắc xin tạo ra các phản ứng kháng thể tốt hơn so với hai liều vắc xin AstraZeneca.
Một mũi tiêm AstraZeneca và theo sau là Pfizer đã tạo ra tế bào T phản ứng tốt nhất, phản ứng kháng thể cũng cao hơn so với tiêm liều Pfizer rồi đến AstraZeneca.
Kết quả nêu trên là sự kết hợp hai loại vắc xin được tiêm cách nhau 4 tuần cho 830 người tham gia.
Com-COV cũng đang xem xét các phương pháp kết hợp vắc xin trong khoảng thời gian 12 tuần và Matthew Snape lưu ý rằng vắc xin AstraZeneca được biết là tạo ra phản ứng miễn dịch tốt hơn với khoảng cách giữa 2 lần tiêm dài hơn.
Ở Anh, các quan chức đã đề xuất khoảng cách 8 tuần giữa hai liều vắc xin cho những người trên 40 tuổi và 12 tuần cho những người trưởng thành khác.
"Với vị thế có nguồn cung ổn định của Vương quốc Anh, không có lý do gì để thay đổi lịch tiêm vắc xin vào thời điểm này", Jonathan Van Tam, Phó Giám đốc Y tế của Anh (người Anh gốc Việt), cho biết. Ông nói thêm rằng dữ liệu về khoảng thời gian 12 tuần sẽ ảnh hưởng đến các quyết định trong tương lai về việc triển khai chương trình tiêm chủng.
Vừa qua, khoảng 760.000 người Hàn Quốc đã nhận liều đầu tiên vắc xin COVID-19 của AstraZeneca sẽ được tiêm vắc xin Pfizer như là mũi thứ hai do sự chậm trễ giao hàng từ chương trình chia sẻ vắc xin toàn cầu COVAX.
Một số quốc gia, bao gồm cả Canada, Tây Ban Nha và Đức, đã chấp thuận việc pha trộn liều lượng như vậy chủ yếu do lo ngại về các cục máu đông hiếm gặp và có khả năng gây tử vong liên quan đến vắc xin AstraZeneca.
Theo kết quả sơ bộ, một nghiên cứu của Tây Ban Nha đã phát hiện rằng việc tiêm một liều vắc xin Pfizer cho những người đã chích vắc xin AstraZeneca là rất an toàn và hiệu quả.