Sau 3 tháng khai quật, các nhà khảo cổ đã phát hiện 6 mộ chum cùng nhiều hiện vật tùy táng được xác định có từ thời văn hóa Sa Huỳnh (có niên đại cách ngày nay 2.500 đến 3.000 năm) tại khối phố Thanh Chiếm (phường Thanh Hà, Hội An, Quảng Nam).

Phát hiện 6 mộ chum của người Sa Huỳnh tại Hội An

05/12/2019, 10:20

Sau 3 tháng khai quật, các nhà khảo cổ đã phát hiện 6 mộ chum cùng nhiều hiện vật tùy táng được xác định có từ thời văn hóa Sa Huỳnh (có niên đại cách ngày nay 2.500 đến 3.000 năm) tại khối phố Thanh Chiếm (phường Thanh Hà, Hội An, Quảng Nam).

Các nhà khảo cổ trong quá trình khai quật tại di tích Thanh Chiếm

Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An vừa cho hay, đơn vị đã hợp tác với Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học quốc gia Hà Nội và Bảo tàng Quảng Nam triển khai khảo cổ di tích Thanh Chiếm, thuộc khối phố Thanh Chiếm, phường Thanh Hà.

Di tích này được phát hiện, đào thám sát vào tháng 7.1989 với nhiều hiện vật của nền văn hóa Sa Huỳnh (có niên đại cách ngày nay 2.500 đến 3.000 năm).

Đợt thăm dò và khai quật mới này được tiến hành trong 3 tháng đã phát hiện 6 mộ chum cùng nhiều hiện vật tùy táng là đồ gốm gia dụng và minh khí, công cụ và vũ khí bằng sắt, đồ trang sức bằng đá và thủy tinh như khuyên tai hình vành khăn và hạt chuỗi mã não, đá ngọc, thủy tinh…

Việc phát hiện nhiều hiện vật đã xác định rõ hơn về quy mô và tính chất của di tích Thanh Chiếm, cung cấp thêm nhiều thông tin quý về táng tục của cư dân Sa Huỳnh, đồng thời bổ sung hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Hội An.

Vũ khí bằng sắt được phát hiện tại vị trí khai quật

Trước đó, tháng 7.1989, di tích khảo cổ học ở Hội An mới lần lượt được biết đến trên bản đồ phân bố khảo cổ học Tiền - Sơ sử ở miền Trung Việt Nam qua các di tích mộ táng tại Bãi Ông, Hậu Xá I, Hậu Xá II, An Bang, Xuân Lâm; di chỉ cư trú tại Hậu Xá I, Đồng Nà, Khu vực I Cẩm Phô, Trảng Sỏi, Lăng Bà, Thanh Chiếm.

Sau hơn 10 năm thám sát, khai quật, nghiên cứu, cho thấy các di tích khảo cổ ở Hội An được phân bố chủ yếu trên hệ thống cồn, bàu, men theo các dòng chảy cổ, có địa hình nguồn gốc sông-biển-đầm lầy vốn được tạo bởi quá trình biển lùi, bồi tụ trầm tích.

Ngoài di tích Bãi Ông có niên đại cách ngày nay hơn 3000 năm thuộc thời ‘tiền Sa Huỳnh’, còn hầu hết ở vào thời kỳ văn hóa Sa Huỳnh giai đoạn hậu kỳ, cách ngày nay trên dưới 2000 năm. Vào thời kỳ này, nghề nông trồng lúa nước, khai thác chế biến sản vật sông, biển, các nghề thủ công như rèn, dệt vải, mộc, làm đồ trang sức... đã khá phát triển, đồng thời cũng thể hiện rõ mối quan hệ, giao lưu văn hóa trong nước với các quốc gia khác ở phía bắc, phía nam và khu vực. Từ thời Sa Huỳnh, Hội An đã là tiền cảng thị.

Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh được thành lập năm 1994 tại Hội An trưng bày bộ sưu tập đầy đủ và độc đáo gồm 946 hiện vật liên quan đến cư dân cổ thuộc hệ văn hóa Sa Huỳnh - cư dân được coi là chủ nhân của tiền cảng thị sơ khai Hội An - từng có quan hệ, giao lưu với cả khu vực Đông Nam Á, Nam Ấn Độ và Trung Hoa.

Thạch Châu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
8 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát hiện 6 mộ chum của người Sa Huỳnh tại Hội An