Theo Deccan Chronicle , các nhà khoa học ở Đại học Yamanashi (Nhật Bản) đã sử dụng tinh dịch chuột từng được bảo quản ở trên vũ trụ để thụ tinh cho trứng của loài động vật gặm nhấm này.
Đó là tinh dịch đã được lưu giữ hơn 9 tháng trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) ở nhiệt độ âm 95 độ C. Các chuột con sinh ra đều khỏe mạnh.
Theo các nhà nghiên cứu, bức xạ chỉ gây tổn thương nhẹ cho ADN tinh trùng. Tuy nhiên, những tổn thương đó có thể khắc phục được. Trong các tế bào trứng đã diễn ra quá trình phục hồi ADN, nhờ vậy thế hệ chuột con được sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh. Các nhà khoa học tin rằng điều này có nghĩa là có nhiều khả năng con người cũng sẽ được sinh sản theo cách này và đó chính là những người tương lai sẽ sống trong không gian vũ trụ.
Trước đó, các chuyên gia cũng đã tiến hành các thử nghiệm với tế bào gốc và với loài động vật gặm nhấm. Các nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu xem một chuyến bay đến sao Hỏa có thể ảnh hưởng đến các phi hành gia như thế nào.Và họ đã phát hiện ra rằng bức xạ mà các phi hành gia phải đối phó trong chuyến du hành vũ trụ, làm tăng nguy cơ phát triển bệnh bạch cầu.
Vũ Trung Hương