Một loài ong ở Amazon có một khả năng khó tin là biến loài vật khác thành xác sống, điều khiển hoàn toàn mọi hoạt động của loài vật bị ký sinh.
Các nhà khoa học đã phát hiện ra một câu chuyện "kinh dị" có thật, khi một loài ong sống trong rừng Amazon, tại Ecuado đã hoàn toàn biến một loài nhện khác thành xác sống, dưới sự điều khiển của con ong.
Đây là nghiên cứu mới vừa được công bố trên tạp chí khoa học Ecological Entomology, về mối quan hệ phức tạp giữa loài ong Zatypota mới và loài nhện Anelosimus eximius của các nhà nghiên cứu thuộc Đại học British Columbia.
"Loài ong thao túng hành vi của loài nhện đã từng được thấy trước đây, nhưng ở mức độ như thế này là chưa từng có", tác giả chính của nghiên cứu Philippe Fernandez-Fournier cho biết.
Philippe Fernandez-Fournier hiện đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại khoa động vật học của Đại học British Columbia. Ông hiện đang nghiên cứu về các loại ký sinh trùng trên loài nhện Anelosimus eximius. Một loài nhện hiếm, sống theo cộng đồng tại Amazon.
Hiện có khoảng 25 loài nhện cộng đồng được phát hiện. Chúng tập trung sống trong một vùng lãnh thổ lớn, hợp tác cùng nhau săn mồi, chia sẻ nhiệm vụ do cha, mẹ của chúng giao cho và hiếm khi rời khỏi lãnh địa.
Tuy nhiên, Philippe Fernandez-Fournier phát hiện ra một số con nhện bị nhiễm ký sinh trùng đột nhiên rời khỏi cộng đồng, tự giăng tơ thành một cái kén bao quanh mình.
"Nó rất là kỳ quặc, vì chúng không bao giờ làm thế. Vì vậy tôi đã nghiên cứu lại sự việc", ông Philippe Fernandez-Fournier cho biết.
Cuối cùng sự thật đã được tiết lộ. Loài ong Zatypota (một chi ong Bắp cày) đã đẻ trứng bên trong thân của loài nhện Anelosimus eximius, ấu trùng ong đã biến con nhện xấu số trở thành xác sống và điều khiển con nhện "tự sát", trước khi "tiêu thụ" hoàn toàn con nhện để trưởng thành.
Con nhện bị điều khiển bởi ấu trùng ong Zatypota rời khỏi lãnh địa của mình, tự giăng tơ thành một cái kén xung quanh mình, nằm bên trong kén chờ ấu trùng ong hút dinh dưỡng cho tới khi chết. Sau khi ăn thịt con nhện, ấu trùng ong Zatypota tiếp tục phát triển bên trong cái kén do chính con nhện xấu số làm ra, cho tới khi nó trưởng thành, tự thoát khỏi kén.
"Sự thay đổi hành vi này quá mạnh. Con ong hoàn toàn chiếm đoạt não bộ của con nhện và điều khiển nó làm điều nó sẽ không bao giờ làm, như rời tổ, xây dựng một cấu trúc tơ hoàn toàn khác", Samantha Straus người đồng thực hiện nghiên cứu cho biết.
"Chúng tôi nghĩ rằng loài ong Bắp cày này đang nhắm đến những con nhện cộng đồng này vì chúng cung cấp một vùng lãnh thổ và nguồn thực phẩm lớn, ổn định. Chúng tôi phát hiện ra rằng những cộng đồng nhện càng lớn càng có nguy cơ bị ong tấn công", bà Samantha Straus cho biết thêm.
Thiên Hà (theo Phys)