Một nhóm các nghị sĩ của đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ hôm 4.5 đã công bố một lá thư tố Trung Quốc đang tìm cách truyền bá lý tưởng cho sinh viên Mỹ và cản trở các nghiên cứu về COVID-19.

Phe Cộng hòa cáo buộc Trung Quốc tìm cách ‘tẩy não’ sinh viên Mỹ

05/05/2020, 11:58

Một nhóm các nghị sĩ của đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ hôm 4.5 đã công bố một lá thư tố Trung Quốc đang tìm cách truyền bá lý tưởng cho sinh viên Mỹ và cản trở các nghiên cứu về COVID-19.

Hạ nghị sĩ Jim Jordan, thành viên cao cấp của đảng Cộng hòa trong Ủy ban Giám sát Hạ viện - Ảnh: AP

Theo Reuters, các thành viên cấp cao của đảng Cộng hòa trong 7 ủy ban của Hạ viện Mỹ đã cùng ký tên vào một lá thư gửi Bộ trưởng Giáo dục Betsy DeVos cáo buộc Bắc Kinh cung cấp tài chính và nguồn lực cho các trường đại học Mỹ để gây ảnh hưởng.

Trong thư, các nghị sĩ viết rằng Trung Quốc đã cố gắng đẩy mạnh hoạt động truyền bá tư tưởng tại trường học Mỹ và cản trở các nghiên cứu của học giả Mỹ về COVID-19. Nhóm nghị sĩ này cũng yêu cầu bộ trưởng DeVos cung cấp thêm các thông tin liên quan đến cáo buộc của họ.

Động thái này được đề xuất bởi nhà lập pháp Jim Jordan, thành viên cao cấp của đảng Cộng hòa trong Ủy ban Giám sát Hạ viện. Các nghị sĩ khác cũng thuộc đảng Cộng hòa đã ký tên vào bức thư này đến từ các ủy ban An ninh Nội địa, Khoa Học, Quân dịch, Giáo dục, Tình báo và Đối ngoại thuộc Hạ viện Mỹ.

Trung Quốc hiện là quốc gia có nhiều sinh viên sang Mỹ du học nhiều nhất trên thế giới, gần 370.000 vào năm 2018, chiếm tới 1/3 tổng số sinh viên quốc tế theo học tại đây. Lực lượng này đã mang đến nguồn thu quan trọng cho các trường cao đẳng và đại học Mỹ. Ngành giáo dục đại học Mỹ cũng nhận được hàng triệu USD từ Trung Quốc mỗi năm thông qua quà tặng và ký kết hợp tác.

Một số nhà lập pháp tại Quốc hội Mỹ từ lâu đã đặt câu hỏi liệu các sinh viên, học giả và nhà nghiên cứu Trung Quốc tại Mỹ có thể gây ra mối đe dọa an ninh hay không.

Đầu năm nay, một giáo sư của Đại học Harvard đã bị tòa án liên bang Mỹ truy tố với cáo buộc nhận tiền tài trợ từ Đại học Công nghệ Vũ Hán (WUT) nhưng đã lừa dối khi phủ nhận mối quan hệ liên quan với các tổ chức Trung Quốc. Cáo trạng cho hay, vị giáo sư này đã nhận 50.000 USD mỗi tháng từ WUT và nhận thêm 1,5 triệu USD để thành lập phòng nghiên cứu công nghệ nano tại Đại học Công nghệ Vũ Hán.

Theo Bộ Tư pháp Mỹ, đây là trường hợp nêu bật "mối đe dọa đang diễn ra liên tục" bởi Trung Quốc bằng cách sử dụng các chương trình tuyển mộ để lôi kéo nhiều học giả và nhà nghiên cứu với mục đích đánh cắp các công trình khoa học và công nghệ của Mỹ. Bộ trưởng Tư Pháp William Barr cho biết Mỹ đang cố gắng “thắt chặt” các chương trình cho phép các nhà nghiên cứu Trung Quốc đến làm việc, đồng thời nói thêm rằng một số trường đại học đang làm việc với Bộ để tìm hiểu rõ bản chất của mối đe dọa này.

Trung Quốc hiện đang là tâm điểm chỉ trích tại Mỹ, đặc biệt từ phe Cộng hòa, liên quan tới cách Bắc Kinh ứng phó với dịch COVID-19 sau khi tình báo nước này đưa ra kết luận chính phủ Trung Quốc che giấu mức độ nghiêm trọng của đại dịch và công bố số liệu không đúng về số ca nhiễm và tử vong.

Đông đảo các nhà lập pháp đảng Cộng hòa tại lưỡng viện Mỹ cáo buộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã không điều tra độ chính xác về các báo cáo của Trung Quốc liên quan tới sự lây lan của COVID-19. Nhiều thượng nghị sĩ đã xuất hiện trên truyền thông nhấn mạnh rằng WHO phải chịu trách nhiệm vì đã không ngăn chặn được vi rút.

Tuần trước, thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Tom Cotton đã đề nghị không cấp thị thực cho sinh viên Trung Quốc tới Mỹ để theo học các ngành về khoa học, công nghệ mà nên bị giới hạn chỉ học trong các ngành khối xã hội nhân văn.

Phát biểu trong cuộc phỏng vấn với đài Fox News, Cotton cho biết: “Họ quay về Trung Quốc để cạnh tranh với chúng ta về việc làm, lấy đi công việc của chúng ta và cuối cùng là đánh cắp sở hữu (trí tuệ) của chúng ta và thiết kế vũ khí cùng những thiết bị khác có thể dùng để chống lại người Mỹ.

"Nếu các sinh viên Trung Quốc muốn tới đây và học về Shakespeare và tập Tiểu luận liên bang, đó là những gì họ cần học từ Mỹ. Họ không cần học điện toán lượng tử. Vì vậy tôi nghĩ chúng ta cần xem xét rất chặ‌t chẽ những thị thực mà chúng ta cấp cho công dân Trung Quốc tới Mỹ để nghiên cứ‌u, đặc biệt ở cấp sau đại học trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ tiên tiến", thượng nghị sĩ Cotton nói và cho biết ông rất phẫn nộ vì nước Mỹ đã đào tạo rất nhiều "bộ óc thông minh" trong hàng ngũ lãnh đạo của Trung Quốc.

Hoàng Vũ (theo Reuters)

Bài liên quan
TikTok hiện thông báo tạm ngừng hoạt động ở Mỹ, nhắc đến ông Trump, vẫn khả dụng tại Việt Nam
TikTok đã ngừng hoạt động tại Mỹ hôm 19.1 trước khi lệnh cấm liên bang với ứng dụng video ngắn do tập đoàn ByteDance (Trung Quốc) sở hữu có hiệu lực, cắt đứt quyền truy cập vào nền tảng có hơn 170 triệu người dùng Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
4 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phe Cộng hòa cáo buộc Trung Quốc tìm cách ‘tẩy não’ sinh viên Mỹ