Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết ông chuẩn bị triển khai tàu chiến tới Biển Đông để “đưa ra yêu sách” về tài nguyên dầu mỏ và khoáng sản.
Theo Reuters, phát biểu trước công chúng Philippines hôm 19.4, ông Duterte nói người dân có thể yên tâm rằng ông sẽ khẳng định các yêu sách của nước này đối với nguồn tài nguyên dầu mỏ và khoáng sản ở Biển Đông.
"Bây giờ tôi không còn hứng thú lắm với việc đánh bắt cá. Tôi không nghĩ có đủ cá để tranh chấp. Nhưng khi chúng tôi bắt đầu khai thác, khi chúng tôi bắt đầu kiếm được bất cứ thứ gì trong ruột của Biển Đông, đó chính là dầu của chúng tôi, Vào thời điểm đó, tôi sẽ gửi những con tàu màu xám của mình đến đó để yêu cầu bồi thường", Duterte nói.
"Nếu Trung Quốc bắt đầu khoan dầu ở đó, tôi sẽ hỏi họ đó có phải một phần thỏa thuận của chúng ta không? Nếu đó không phải một phần của thỏa thuận, tôi cũng sẽ khoan dầu ở đó", ông Duterte nói và nhắc lại rằng ông muốn tiếp tục làm bạn với Bắc Kinh.
Trung Quốc từ lâu đã không ngừng khai thác và quân sự hóa các rạn san hô ở Biển Đông cùng sự gia tăng các máy bay, tàu quân sự trên tuyến đường biển chiến lược mà nước này tự coi là lãnh thổ của mình bất chấp bị cộng đồng quốc tế, trong đó có nhiều nước phương Tây, ASEAN lên tiếng phản đối.
Mới đây nhất, Philippines đã gửi một số công hàm ngoại giao phản đối hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, với cáo buộc mới nhất nói Trung Quốc thực hiện hành vi đánh bắt trái phép và đưa hơn 200 tàu thuyền vào lãnh hải của Philippines.
Trong thời gian qua, Trung Quốc đã có một chiến dịch ngoại giao vận động lớn ở Đông Nam Á khi các nhà lãnh đạo hàng đầu nước này tích cực đến thăm các nước ASEAN cùng với các thỏa thuận thương mại và viện trợ tài chính béo bở.
Tuyên bố của Duterte được đưa ra trong bối cảnh nhiều nhà phê bình cho rằng ông quá mềm mỏng khi từ chối thúc ép Bắc Kinh tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài ở Biển Đông.
Kể từ khi lên nắm quyền từ năm 2016, chính quyền Manila dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte thi hành chính sách đối ngoại xoay trục bằng cách thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn với đối thủ của Mỹ là Trung Quốc để đổi lấy các lợi ích kinh tế, đầu tư. Ông tìm đến nguồn viện trợ Trung Quốc cho chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng và dường như muốn gác lại các tranh chấp trên Biển Đông.
Duterte cũng nhiều lần bày tỏ mong muốn xử lý ổn thỏa vấn đề Biển Đông, khôi phục đối thoại, cải thiện quan hệ song phương với Trung Quốc. Do đó “đối thoại, hòa bình và hợp tác” trở thành nguyên tắc cơ bản trong chính sách của chính quyền Duterte với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Theo ông, Philippines bất lực trong việc ngăn chặn Trung Quốc, đồng thời việc thách thức các hoạt động của Bắc Kinh có thể dẫn tới một cuộc chiến mà đất nước của ông sẽ thua. Do đó, chính quyền Manila nên giữ bình tĩnh và theo đuổi những nỗ lực ngoại giao để đối phó yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc.
Nhà lãnh đạo Philippines cũng khẳng định không có cách nào để Philippines thực thi phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 - bác bỏ yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc, mà "không phải đổ máu". Phán quyết năm đó được xem là bước ngoặt, nêu rõ các quyền chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của họ.