“Các nước láng giềng của Myanmar phải thương lượng với chính phủ đoàn kết dân tộc mới được thành lập nếu muốn giúp giải quyết tình trạng hỗn loạn gây ra bởi cuộc đảo chính ngày 1.2 và không nên công nhận chính quyền quân sự”, một quan chức Chính phủ Thống nhất Quốc gia cho biết.

Mỹ - Nhật tuyên bố chung về Myanmar, quân đội tố dân đánh bom khiến binh sĩ thiệt mạng

Nhân Hoàng | 18/04/2021, 16:01

“Các nước láng giềng của Myanmar phải thương lượng với chính phủ đoàn kết dân tộc mới được thành lập nếu muốn giúp giải quyết tình trạng hỗn loạn gây ra bởi cuộc đảo chính ngày 1.2 và không nên công nhận chính quyền quân sự”, một quan chức Chính phủ Thống nhất Quốc gia cho biết.

Chính phủ Thống nhất Quốc gia muốn thay quân đội Myanmar đàm phán với ASEAN

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã cố gắng tìm cách giúp Myanmar thoát khỏi cuộc khủng hoảng đẫm máu đang kéo dài kể từ khi quân đội lật đổ chính phủ dân cử do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo.

Quân đội Myanmar tỏ ra ít sẵn sàng đàm phán với các nước láng giềng và không có dấu hiệu muốn đối thoại với chính phủ mà họ đã lật đổ.

Thế nhưng hôm 17.4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan - Tanee Sangrat cho biết Tổng tư lệnh quân đội Myanmar - Min Aung Hlaing sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Thủ đô Jakarta (Indonesia) vào ngày 24.4 tới. Đây sẽ là chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi ông nắm quyền. Chính quyền quân sự Myanmar chưa bình luận về cuộc họp ASEAN.

Moe Zaw Oo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao của Chính phủ Thống nhất Quốc gia (NUG) được thành lập vào tuần trước, nói ASEAN không nên công nhận chính quyền quân sự Myanmar.

"Nếu ASEAN đang xem xét hành động liên quan đến các vấn đề của Myanmar, tôi muốn nói rằng nó sẽ không thành công trừ khi đàm phán với NUG, tổ chức được người dân ủng hộ và hoàn toàn hợp pháp", Moe Zaw Oo nói với VOA trong cuộc phỏng vấn được công bố hôm 18.4.

Các chính trị gia ủng hộ dân chủ, bao gồm cả các thành viên Quốc hội bị lật đổ từ đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi, đã thông báo về việc thành lập NUG hôm 16.4. NUG bao gồm bà Suu Kyi, các nhà lãnh đạo của cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ và các dân tộc thiểu số.

Họ kêu gọi quốc tế công nhận NUG là chính phủ Myanmar hợp pháp và đề nghị được mời tham dự cuộc họp ASEAN thay cho Thống tướng Min Aung Hlaing.

Moe Zaw Oo nói với VOA: “Điều rất quan trọng là hội đồng quân sự không được công nhận”, đồng thời cho biết thêm rằng NUG đã không được mời tham dự cuộc họp ở Indonesia.

nhieu-vu-danh-bom-giet-chet-binh-si-myanmar-.jpg
Những người biểu tình chống đảo chính cầm biểu ngữ bày tỏ sự ủng hộ và hoan nghênh Chính phủ Thống nhất Quốc gia mới được thành lập và kêu gọi tiếp tục đình công trong năm mới truyền thống ở Myanmar

Lực lượng an ninh Myanmar đã giết chết 730 người trong nỗ lực chấm dứt các cuộc biểu tình phản đối cuộc đảo chính, bị các nước phương Tây lên án và nhận sự chỉ trích chưa từng có từ một số thành viên ASEAN bất chấp nguyên tắc của khối là không can thiệp vào công việc của nhau .

Mỹ - Nhật tuyên bố chung về Myanmar

Tại Washington (Mỹ), Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đang đến thăm đã lên án hành động bạo lực của lực lượng an ninh Myanmar với dân thường.

"Chúng tôi cam kết tiếp tục hành động để thúc đẩy việc chấm dứt bạo lực ngay lập tức, trả tự do cho những người bị giam giữ và nhanh chóng trở lại nền dân chủ", họ nói trong tuyên bố chung hôm 16.4.

Đại sứ quán Mỹ đã đăng tuyên bố này trên Twitter hôm 18.4 nhưng không đề cập đến NUG.

Quân đội tố dân đánh bom khiến binh sĩ Myanmar thiệt mạng

Hôm 18.4, đám đông đã ra đường tại một số thị trấn ở Myanmar để thể hiện sự ủng hộ với NUG.

Lực lượng an ninh đã bắn chết hai người biểu tình ở thị trấn khai thác ruby ​​Mogok hôm 17.4, một người dân nói với Reuters.

Một số quả bom nhỏ đã nổ ở thành phố Yangon lớn nhất Myanmar, giết chết một binh sĩ và làm bị thương một số người, các hãng truyền thông đưa tin.

Không có nhóm nào nhận trách nhiệm cho các vụ nổ. Quân đội Myanmar đã cáo buộc những người biểu tình thực hiện các vụ đánh bom.

Cuộc đảo chính cũng gây ra các cuộc đụng độ giữa quân đội với nhóm dân tộc nổi dậy ở miền bắc và miền đông, những người đã bày tỏ sự ủng hộ với những người biểu tình. Giao tranh đã buộc hàng ngàn dân thường phải rời bỏ nhà cửa của họ ở các vùng biên giới.

Quân đội Myanmar đã bảo vệ cuộc đảo chính khi cáo buộc kết quả bầu cử vào tháng 11.2020 là gian lận, dù ủy ban bầu cử đã bác bỏ điều đó.

Suu Kyi phải đối mặt với nhiều cáo buộc khác nhau, gồm cả làm lộ bí mật quốc gia thời thuộc địa, có thể khiến bà bị bỏ tù 14 năm. Các luật sư của Suu Kyi bác bỏ các cáo buộc.

Bài liên quan
Quân đội Myanmar dùng chiến đấu cơ Nga ném bom các nhóm phiến quân gần biên giới với Trung Quốc, Thái Lan
Các cuộc tấn công của máy bay quân đội Myanmar vào bang Karen và Kachin gieo rắc nỗi kinh hoàng vào các thành trì nhóm vũ trang dân tộc chống đảo chính.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 4: Những con số biết nói
Các con số thống kê cho thấy kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát phù hợp; cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng nội địa duy trì mức gia tăng khá; đời sống của nhân dân đã được cải thiện, công tác an sinh xã hội được các cấp quan tâm thực hiện kịp thời, thiết thực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ - Nhật tuyên bố chung về Myanmar, quân đội tố dân đánh bom khiến binh sĩ thiệt mạng