“Có hiện tượng người ta vi phạm pháp luật một cách rất hồn nhiên, ý thức chấp hành pháp luật chưa nghiêm túc, nhất là về an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường…”, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói.

Phó chủ tịch Quốc hội: Người ta vi phạm pháp luật rất hồn nhiên

Lam Thanh | 24/11/2020, 13:46

“Có hiện tượng người ta vi phạm pháp luật một cách rất hồn nhiên, ý thức chấp hành pháp luật chưa nghiêm túc, nhất là về an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường…”, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói.

Thi hành pháp luật còn nhiều điểm yếu

Tại hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật ngày 24.11, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn xác định nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên hàng đầu.

phap-luat.jpg
Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật - Ảnh: VGP

“Với quyết tâm đó, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng ở cả khía cạnh xây dựng và thi hành pháp luật. Ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức và nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều “điểm nghẽn” về thể chế đã được phát hiện, xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế theo phương châm kiến tạo, phát triển”, Phó thủ tướng nói.

Tuy vậy, Phó thủ tướng Thường trực cũng cho rằng công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật vẫn còn bất cập, vướng mắc, chi phí tuân thủ pháp luật còn cao; chưa bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, khả thi của một số văn bản quy phạm pháp luật trong một số lĩnh vực chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn, của người dân, doanh nghiệp và nhiệm vụ quản lý nhà nước.

Ngoài ra, ý thức chấp hành pháp luật trong một bộ phận cán bộ, nhân dân còn kém, chưa đáp ứng được yêu cầu mà công cuộc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đang đặt ra.

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, lập pháp là 1 trong 3 trụ cột quan trọng của Quốc hội và thời gian qua, Quốc hội đã hoàn thành một khối lượng lớn công việc liên quan đến công tác lập pháp, bảo đảm cả về quy mô và chất lượng, bao quát hết tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, ông Lưu cũng nhấn mạnh, chúng ta thẳng thắn thừa nhận rằng, công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật còn những bất cập, hạn chế, yếu kém. Trong đó nổi lên là hệ thống pháp luật còn những quy định chưa đồng bộ, tính khả thi của một số dự thảo được xây dựng chưa cao; tính ổn định của một số luật, pháp lệnh còn hạn chế do điều kiện khách quan trong phát triển; một số quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo…Đây là những vấn đề mà chúng ta cần phải tiếp tục rà soát, khắc phục, hoàn thiện, bổ sung.

Trong tổ chức thi hành pháp luật, vẫn còn những điểm yếu. “Trong thực thi pháp luật, chúng ta thấy có hiện tượng người ta vi phạm pháp luật một cách rất hồn nhiên, ý thức chấp hành pháp luật chưa nghiêm túc, nhất là việc chấp hành phát luật về an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường…”, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu.

Trong thi hành pháp luật, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Chính phủ tiếp tục đổi mới, thực hiện sâu rộng và hiệu quả hơn công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành của các nhân, tổ chức trong tuân thủ và thực hiện pháp luật.

“Tôi bày tỏ tin tưởng sâu sắc rằng, với những vấn đề được xem xét thảo luận, quyết định, sau Hội nghị này, công tác xây dựng thể chế, pháp luật và thi hành pháp luật của nước ta sẽ có một bước chuyển biến tốt hơn”, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu bày tỏ.

Chuyển quản lý thắt chặt sang khuyến khích

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng, đổi mới tư duy xây dựng chính sách, pháp luật từ quản lý thắt chặt sang tạo hành lang, khuyến khích phát triển, tháo gỡ mọi vướng mắc, thúc đẩy đầu tư, sản xuất, kinh doanh; đổi mới quy trình, phương thức công tác xây dựng thể chế là điểm nổi bật của Chính phủ nhiệm kỳ này.

Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã cho ý kiến, thông qua để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được 112 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết, để triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 trên tất cả các lĩnh vực: Bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tổ chức bộ máy nhà nước, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo đảm an sinh xã hội.

Trong đó có nhiều dự án luật quan trọng, như Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Xây dựng (sửa đổi), Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)...

Theo đó, nhiều thủ tục hành chính không cần thiết, nhiều ngành nghề kinh doanh có điều kiện, điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành đã được cắt bỏ, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần giúp Việt Nam tăng 10 bậc năng lực cạnh tranh và 20 bậc cải thiện môi trường kinh doanh toàn cầu.

Tổ công tác của Thủ tướng đã tiến hành 101 cuộc kiểm tra, tạo sự chuyển động trong thực thi, phá bỏ sự trì trệ; chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương; tạo chuyển biến rõ rệt trong tổ chức thực hiện.

Nhiều vướng mắc được tháo gỡ kịp thời, số nhiệm vụ quá hạn giảm mạnh, chỉ còn 1,8%, giảm 23,2% so với trước khi thành lập Tổ công tác. Với những kết quả tích cực đó, Tổ công tác của Thủ tướng đã được Trung ương đánh giá là điểm sáng nhất trong năm 2017.

VPCP cùng các bộ, ngành đã tham mưu trình Chính phủ cắt giảm, đơn giản hóa gần 1.000 thủ tục hành chính; ban hành 50 Nghị định về điều kiện kinh doanh để hiện thực hóa các phương án cắt giảm, đơn giản hóa 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh.

Ban hành theo thẩm quyền 21 văn bản quy phạm pháp luật để cắt giảm, đơn giản hóa 6.776/9.926 danh mục dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành và 30/120 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành, tạo môi trường minh bạch, hướng tới tiêu chuẩn của OECD; tập trung một đầu mối kiểm tra chuyên ngành, giảm chống chéo, phiền hà cho doanh nghiệp.

Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỉ đồng/năm. Đồng thời, VPCP đã tổ chức tiếp nhận và đề nghị các bộ, ngành, địa phương xử lý hơn 7.000/8.000 phản ánh, kiến nghị (đạt tỷ lệ 85%).

Đặc biệt, đã tích cực, chủ động tham mưu trong xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.

Cụ thể: Trục liên thông văn bản quốc gia - đã kết nối với 100% các bộ, ngành, địa phương và nhiều cơ quan, tổ chức khác, tiếp nhận gần 3 triệu văn bản điện tử; tiết kiệm cho ngân sách hơn 1.200 tỉ đồng/năm.

Hệ thống thông tin họp và xử lý công việc của Chính phủ (E-cabinet) - hướng tới Chính phủ không giấy tờ, đã thay thế việc in ấn, phát hành hơn 214 nghìn hồ sơ, tài liệu giấy, tiết kiệm khoảng 169 tỉ đồng/năm.

Cổng dịch vụ công quốc gia - “Kênh” hữu hiệu nhất để “điện tử hóa” thủ tục hành chính, đang cung cấp trên 2.300 dịch vụ công/6.700 thủ tục hành chính, có hơn 87 triệu lượt truy cập, hơn 373 nghìn tài khoản đăng nhập một lần, trên 24 triệu hồ sơ được đồng bộ trạng thái, trên 561 nghìn hồ sơ được thực hiện, tiết kiệm chi phí xã hội trên 6.700 tỉ đồng/năm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
một giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phó chủ tịch Quốc hội: Người ta vi phạm pháp luật rất hồn nhiên