Các nhà quản lý tiền của một số tổ chức tài chính lớn nhất thế giới đang tìm kiếm các công ty chiến thắng tiếp theo bên ngoài Mỹ trong làn sóng trí tuệ nhân tạo (AI).
Vào thời điểm mà sự phấn khích toàn cầu về AI đã thúc đẩy cổ phiếu Nvidia tăng gấp ba lần và chỉ số quan trọng của các nhà sản xuất chất bán dẫn Mỹ tăng 50% trong vòng chưa đầy một năm, các nhà đầu tư đang hướng đến các thị trường mới nổi để tìm kiếm giá trị tốt hơn với nhiều lựa chọn hơn.
Bộ phận quản lý tài sản của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs cho biết đang đặc biệt tìm kiếm cổ phần trong các nhà sản xuất linh kiện thuộc chuỗi cung ứng AI, chẳng hạn hệ thống làm mát và nguồn điện.
Hãng JPMorgan Asset Management (bộ phận quản lý tài sản của hãng dịch vụ tài chính JPMorgan Chase) ủng hộ các nhà sản xuất thiết bị điện tử truyền thống đang biến đổi trở thành hãng dẫn đầu về AI. Các nhà quản lý đầu tư tại ngân hàng đầu tư Morgan Stanley đặt cược vào những công ty nơi AI đang định hình lại mô hình kinh doanh trong các lĩnh vực phi công nghệ.
Jitania Kandhari, Phó giám đốc đầu tư của Morgan Stanley Investment Management (bộ phận quản lý tài sản của Morgan Stanley), nói: “Chúng tôi coi AI là động lực tăng trưởng ở các thị trường mới nổi. Dù trước đây chúng tôi đã đầu tư vào những lĩnh vực được hưởng lợi trực tiếp từ AI như chất bán dẫn, nhưng trong tương lai, điều quan trọng là phải tìm kiếm các công ty trong các ngành khác nhau đang áp dụng AI để nâng cao lợi nhuận”.
Cổ phiếu liên quan AI đang dẫn đầu sự phục hồi trị giá 1.900 tỉ USD tại các thị trường mới nổi vào năm nay, trong đó những hãng chip Đài Loan và Hàn Quốc chiếm 90% mức tăng, theo dữ liệu do hãng tin Bloomberg tổng hợp.
Bất chấp sự tăng giá này, hầu hết cổ phiếu AI ở thị trường mới nổi vẫn mang lại giá trị tốt hơn nhiều so với các cổ phiếu cùng ngành ở Mỹ. Trong khi cổ phiếu Nvidia được giao dịch ở mức gấp 35 lần thu nhập dự kiến, những gã khổng lồ AI châu Á thường được định giá từ 12 đến 19 lần.
Các thị trường đang phát triển cũng mang lại sự tăng trưởng nhanh hơn. Các nhà phân tích nhận thấy lợi nhuận của các hãng công nghệ ở thị trường mới nổi nói chung sẽ tăng 61%, so với mức tăng 20% mà họ dự đoán với các công ty cùng ngành ở Mỹ, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp.
Đến nay, ngôi sao của thị trường là những công ty đã dẫn đầu về công nghệ trước sự bùng nổ AI, chẳng hạn như TSMC (hãng sản xuất chip theo hợp đồng số 1 thế giới) và Foxconn (nhà sản xuất thiết bị điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới). Hai gã khổng lồ Đài Loan này cùng với MediaTek (hãng cung cấp chip Đài Loan khác) góp mặt trong quỹ JPMorgan chuyên đầu tư vào cổ phiếu Đài Loan và vượt trội hơn 96% so với hơn 1.400 công ty cùng ngành. Ba cổ phiếu này cũng nằm trong top 10 cổ phiếu được nắm giữ nhiều nhất của iShares MSCI Emerging Markets ex China ETF, quỹ đã tăng gấp đôi giá trị trong 5 tháng qua.
Anuj Arora, Giám đốc mảng các thị trường mới nổi và cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương tại JPMorgan Asset Management, nhận xét: “Các hãng công nghệ trước đây từng là nhà cung cấp cho những tên tuổi lớn cũng có thể trở thành những người chơi lớn. Việc sớm áp dụng AI nghĩa là các công ty này đã vượt xa các đối thủ cạnh tranh trong việc tận dụng những phát triển mới hơn”.
Sự sôi động ngày càng lan rộng và ngày càng có nhiều nhà đầu tư đổ tiền vào các công ty AI ở châu Á.
Ví dụ, cổ phiếu Hanmi Semiconductor Co (Hàn Quốc), do gia đình tỷ phú Kwak Dong Shin sở hữu phần lớn, đã tăng giá khoảng 120% trong năm nay. Đây là mức tăng tốt nhất trong số các thành viên của chỉ số MSCI Emerging Markets. Tỷ lệ sở hữu của nước ngoài tại công ty bán dẫn Hàn Quốc này cũng đã tăng lên trong những tuần gần đây, Bloomberg đưa tin.
Tại Việt Nam, cổ phiếu nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin FPT Corp đã tăng gần 20% tính đến nay trong năm 2024, theo Bloomberg. Điều này giúp Ashmore EM Frontier Equity Fund trở thành quỹ hoạt động hiệu quả nhất trong số các quỹ tập trung vào thị trường mới nổi được quản lý chủ động tại Mỹ.
Với các quỹ giao dịch niêm yết theo chỉ số (ETF) tập trung vào thị trường mới nổi, hơn một nửa tổng số dòng tiền đổ vào năm nay đều đến iShares MSCI Emerging Markets ex China ETF, trong đó cổ đông hàng đầu là những cái tên đang đầu tư vào AI.
Ở những nơi khác, các doanh nghiệp lâu đời đã thu hút được sự quan tâm mới của những nhà đầu tư sau khi báo hiệu rằng đang chuyển sang lĩnh vực AI.
Ả Rập Saudi đang trở thành điểm nóng cho các dự án AI của Trung Quốc, chẳng hạn như mối quan hệ hợp tác trên nền tảng đám mây giữa Alibaba với Saudi Telecom Co.
Reliance Industries (Ấn Độ), gã khổng lồ dầu mỏ do tỷ phú Mukesh Ambani điều hành, đã phát triển mô hình AI kiểu ChatGPT với khả năng hỗ trợ 22 ngôn ngữ Ấn Độ. Reliance Industries cũng là một phần của quá trình chuyển đổi kỹ thuật số tại đất nước hơn 1,4 tỉ dân.
Thế nhưng, giao dịch không phải là không có rủi ro.
Các thị trường mới nổi gắn chặt với Mỹ, nghĩa là đợt bán tháo cổ phiếu AI có thể lan rộng khắp thế giới. Ngoài ra, nếu đà tăng của thị trường chứng khoán mở rộng hơn thì các ngành khác có thể bắt kịp lĩnh vực AI và các tên tuổi AI có thể tụt lại phía sau.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư ngày càng tìm thấy các lựa chọn thay thế từ các thị trường mới nổi cho cổ phiếu công nghệ Mỹ vốn được định giá quá cao, theo Jitania Kandhari. Phó giám đốc đầu tư của Morgan Stanley Investment Management nói: “Tại các thị trường mới nổi, họ đang coi AI như một yếu tố định hướng ít được đánh giá cao trong tương lai. Có rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác ở đó”.