Việc phong tỏa dự kiến ​​sẽ là chiến lược phổ biến của Trung Quốc trước thềm các sự kiện chính trị quan trọng diễn ra trong năm nay, khi nước này đang cố gắng ngăn chặn các đợt bùng phát dịch COVID-19.

Phong tỏa có thể là chìa khóa trong nỗ lực ngăn chặn COVID-19 của Trung Quốc

Đan Thuỳ | 30/03/2022, 11:23

Việc phong tỏa dự kiến ​​sẽ là chiến lược phổ biến của Trung Quốc trước thềm các sự kiện chính trị quan trọng diễn ra trong năm nay, khi nước này đang cố gắng ngăn chặn các đợt bùng phát dịch COVID-19.

Hơn 70.000 người ở tất cả 31 tỉnh thành của Trung Quốc đã bị nhiễm COVID-19, hầu hết trong số họ nhiễm biến thể Omicron. Hàng chục triệu người bị cách ly trong nhà hoặc các địa điểm cách ly tập trung kể khi Trung Quốc duy trì chiến lược "Zero COVID". 

Ngày 28.3, Trung Quốc ghi nhận 1.228 ca nhiễm COVID-19 có triệu chứng tại các địa phương với hầu hết số ca được ghi nhận ở tỉnh Cát Lâm, khu vực đông bắc Trung Quốc. Nước này cũng ghi nhận 5.658 ca nhiễm COVID-19 không có triệu chứng trên khắp cả nước, gồm 4.381 ở Thượng Hải và 812 ở tỉnh Cát Lâm.

000-32676zm-1647776096-5598-1647776285.jpeg
Dân thành phố Cát Lâm (Trung Quốc ) xếp hàng lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 - Ảnh: Internet

Đại dịch COVID-19 và các biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt của Trung Quốc đã làm gián đoạn nền kinh tế và sinh kế.

Ngày 28.3, các quan chức tỉnh Cát Lâm đã xin lỗi về việc đóng cửa hai chợ rau lớn ở Trường Xuân, thủ phủ của tỉnh, dẫn đến tình trạng thiếu hụt lương thực.

Phong tỏa cũng gây ra tình trạng khan hiếm nhân viên phân loại thực phẩm và giao hàng, do chỉ cho phép nhân viên y tế và nhân viên phòng dịch rời khỏi nhà.

Không riêng gì Trường Xuân, phần còn lại của tỉnh Cát Lâm cũng đang chật vật khi ca mắc mới COVID-19 tăng hàng ngàn ca mỗi ngày kể từ giữa tháng 3.

Chính quyền Cát Lâm buộc phải phong tỏa toàn tỉnh 4,5 triệu dân trong vòng 3 ngày kể từ ngày 20.3 và tiến hành xét nghiệm hàng loạt để cô lập ca nhiễm.

Thành phố lớn nhất nước là Thượng Hải cũng bắt đầu phong tỏa kể từ ngày 28.3. Kế hoạch chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 diễn ra từ ngày 28.3 đến 1.4, áp dụng cho khu vực phía đông; giai đoạn 2 sẽ diễn ra ở khu vực phía tây của thành phố từ 1.4 đến ngày 5.4.

Các biện pháp phong tỏa quen thuộc gồm yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, dừng các phương tiện công cộng và dịch vụ gọi xe.

screen-shot-2022-03-29-at-22.30.08.png
Cảnh sát mặc đồ bảo hộ đứng bên ngoài các cửa hàng thực phẩm bị chăng dây phong tỏa tại Thượng Hải (Trung Quốc) - Ảnh: SCMP

Trước đó, Thượng Hải, với dân số gần 25 triệu người, đã được coi là hình mẫu chống dịch sau khi chỉ ghi nhận 400 ca mắc COVID-19 và 7 ca tử vong kể từ khi đại dịch bùng phát. Hơn 95% người dân đã được tiêm chủng đầy đủ.

Chính phủ Thượng Hải đã ban hành các chính sách, từ cắt giảm tiền thuê nhà cho đến giảm thuế, để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ sống sót sau cuộc khủng hoảng.

Larry Hu, nhà kinh tế học tại Macquarie Capital, cho biết: "Các nhà hoạch định chính sách coi phong tỏa là một chiến lược tốt khi đối mặt với biến thể Omicron. Việc phong toả Thượng Hải đã khẳng định rằng Trung Quốc sẽ tuân theo chính sách 'Zero COVID', ít nhất là đến khi đại hội Đảng Cộng sản toàn quốc diễn ra vào mùa thu này". 

Chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi sự "kiên trì" trong việc thực hiện chính sách "Zero COVID" năng động và nhấn mạnh rằng ông muốn giảm thiểu tác động của đại dịch đối với nền kinh tế và xã hội.

“Zero COVID” năng động hiện được xem là kim chỉ nam mới nhất cho công tác phòng chống dịch ở Trung Quốc và có thể hiểu đơn giản là các địa phương có nhiều tự do hơn trong điều chỉnh cách thức làm sao cho phù hợp, linh hoạt theo tình hình dịch và đặc điểm vùng.

Đây là khái niệm được đề cập lần đầu vào khoảng cuối năm ngoái, khi từ thời điểm đó đến nay, Trung Quốc liên tục có các đợt bùng phát ca nhiễm mới ở một số địa phương.

Bloomberg dẫn lời một số chuyên gia Trung Quốc chia sẻ “Zero COVID” năng động mới khác chiến lược cũ ở chỗ là nước này không còn quá tập trung vào mục tiêu đưa số F0 về 0 như trước, bởi giới lãnh đạo Trung Quốc đã chấp nhận rằng không thể đảm bảo một đợt dịch sau khi xử lý xong sẽ không còn rủi ro tái bùng phát. Đối sách hiện tại là khi phát hiện ca nhiễm mới ở đâu thì nhanh chóng hành động để cô lập chuỗi lây nhiễm trong thời gian tối thiểu để không lan thêm sang những nơi khác.

Ding Shuang, một nhà kinh tế tại Standard Chartered, cũng cho biết chính sách "Zero COVID" năng động có thể sẽ được duy trì cho đến khi kết thúc đại hội đảng toàn quốc nhưng chính sách này có thể được điều chỉnh để giảm bớt tác động đến nền kinh tế.

Ding nói: “Các công tác chuẩn bị đang được thực hiện để cuối cùng thoát khỏi chính sách 'Zero COVID'. Trung Quốc có khả năng sẽ điều chỉnh các biện pháp kiểm soát đại dịch dựa trên kinh nghiệm của các khu vực khác được xác định là đang sống chung với vi rút, chẳng hạn như Singapore và Hồng Kông, đồng thời đưa ra các điều kiện tiên quyết để chấm dứt chính sách này". 

Trung Quốc đã và đang điều chỉnh chính sách đối phó với đại dịch  để giảm thiểu thiệt hại cho nền kinh tế. Các quy trình chẩn đoán và điều trị đã được thay đổi, cụ thể, các ca nhiễm sau khi phát hiện không bắt buộc phải nhập viện điều trị mà chỉ cần tham gia cách ly tập trung có quản lý. Bệnh nhân sau khi khỏi bệnh chỉ cần tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày, thay vì phải tiếp tục cách ly tập trung và theo dõi sức khỏe 14 ngày. Cách làm này không chỉ rút ngắn thời gian, mà còn cho thấy sự kéo giảm cường độ giám sát đối với các ca nhiễm.

screen-shot-2022-03-29-at-22.45.59.png
Trung Quốc nỗ lực đẩy nhanh chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 cho người già - Ảnh: Internet

Cùng với việc cho phép người dân tự xét nghiệm bằng các bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 tại nhà,  Trung Quốc cũng giảm thời gian phong tỏa vùng phát hiện ca nhiễm từ 14 hay 21 ngày như trước xuống chỉ còn 7 ngày. Đây được cho là một trong những thay đổi quan trọng nhất nhằm giúp giảm đáng kể áp lực nguồn lực cho các cơ sở y tế và tránh được tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với cuộc sống của người dân.

Các chuyên gia y tế đã xác định các điều kiện tiên quyết chính để thoát khỏi khỏi chính sách "Zero COVID", bao gồm tăng tỷ lệ tiêm chủng cao ở người già, đáp ứng đủ nguồn cung cấp thuốc và dịch vụ y tế, chẳng hạn như thuốc Paxlovid của hãng dược Pfizer đã được Trung Quốc phê duyệt để sử dụng khẩn cấp vào tháng trước.

Bài liên quan
Trung Quốc chạy đua tích trữ chip từ Mỹ trước khi ông Trump tăng cường lệnh trừng phạt
Khi lệnh hạn chế công nghệ từ Mỹ có thể gia tăng trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, lượng mạch tích hợp Mỹ được nhập khẩu vào Trung Quốc đã tăng vọt.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điểm mới của lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7
1 giờ trước Văn hóa
Ngày 22.11, Ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 tổ chức họp báo thông tin về lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 29.11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phong tỏa có thể là chìa khóa trong nỗ lực ngăn chặn COVID-19 của Trung Quốc