Trên lãnh thổ của Moldova có khu vực là Transnistria chỉ cách Odessa vài chục km và có khoảng 1.500 binh sĩ Nga đang thực hiện nhiệm vụ "gìn giữ hòa bình"
Mặc dù Moldova là một trong những quốc gia nghèo nhất ở châu Âu, nhưng quốc gia này đang trở thành địa điểm trung chuyển lớn cho những người Ukraine trên đường sơ tán.
Nhà khoa học chính trị Juraj Marušiak từ Viện Khoa học Chính trị của Viện Hàn lâm Khoa học Slovakia, chuyên về Đông Âu, cho biết: “Moldova hiện đang đối mặt với một thảm họa nhân đạo”.
Khoảng 370.000 người Ukraine đã chạy sang Moldova kể từ khi chiến tranh bắt đầu, nhiều người trong số họ di chuyển xa hơn về phía tây.
Tuy nhiên, những ngày này Moldova đang thu hút sự chú ý vì một lý do khác. Trên lãnh thổ của Moldova có khu vực là Transnistria, nơi tuyên bố độc lập vào năm 1990 nhưng không được quốc tế công nhận. Khu vực này chỉ cách Odessa vài chục km và có khoảng 1.500 binh sĩ Nga đang thực hiện nhiệm vụ "gìn giữ hòa bình".
Tình hình hiện tại đang yên ổn, mặc dù bắt đầu đã có những lo ngại chiến tranh có thể lan ra tới đây.
Moldova là duy nhất ở châu Âu - không có quốc gia nào khác trên lục địa này được cai quản bởi hai phụ nữ. Thủ tướng Natalia Gavrilița và Tổng thống Maia Sandu lại có biểu hiện thân phương Tây. Trong định hướng chính sách đối ngoại, Modova lâu nay bị chia rẽ giữa Liên minh châu Âu và Nga.
Trong bài phát biểu cách đây 1 tuần, bà Sandu nói: “Moldova đã nói rõ rằng Nga đóng một vai trò quan trọng trong mọi thứ liên quan đến cuộc xung đột Transnistrian. Chúng tôi đã luôn nói và yêu cầu rút quân Nga khỏi Transnistria, chúng tôi đã yêu cầu và tiếp tục yêu cầu xử lý đạn dược. Chúng tôi tiếp tục kêu gọi một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột này. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để tìm ra và thực hiện một giải pháp ngoại giao, chính trị, hòa bình”.
Đầu tháng 3, Moldova chính thức nộp đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu mà giới phân tích gọi là quyết định lịch sử.
Theo Euronews, Tổng thống Maia Sandu cho biết: "Một số quyết định cần có thời gian, nhưng những quyết định khác cần phải được thực hiện nhanh chóng và dứt khoát”.
Cử chỉ này chủ yếu mang tính biểu tượng vì EU khó kết nạp đất nước nghèo nhất châu Âu. Dù vậy, việc xin gia nhập có ý nghĩa quan trọng về mặt di sản chính trị. Cùng với Ukraine và Georgia thì Moldova vẫn không phải là một ứng cử viên sáng giá mà chỉ là một phần của cái gọi là "bộ ba liên kết". Tất cả các nước trong bộ ba đều đã ký các hiệp định liên kết với Brussels giúp tăng cường thương mại với Liên minh cũng như hợp tác trong các lĩnh vực khác.
Hiện tại, hơn 2/3 xuất khẩu của Moldova là đến các nước thuộc Liên minh, trong khi chỉ khoảng 10% xuất sang Nga.
Chính phủ thân châu Âu đã lên nắm quyền ở Moldova cách đây hai năm qua với lời hứa sẽ cải tổ đất nước. Tuy nhiên, nhà khoa học chính trị Juraj Marušiak cho biết họ vẫn loay hoay chưa giải quyết được nhiều điều.
Sau khi Liên Xô tan rã, căng thẳng giữa Moldova và nhà nước ly khai tự xưng Transnistria leo thang thành một cuộc xung đột quân sự bắt đầu từ tháng 3.1992 và chấm dứt bằng một thỏa thuận ngừng bắn vào tháng 7.1992. Là một phần trong thỏa thuận, Uỷ ban Kiểm soát Liên hiệp ba bên (Nga, Moldova, Transnistria) giám sát các thỏa thuận an ninh trong khu phi quân sự, bao gồm 20 địa phương ở cả hai bên bờ sông.
Mặc dù ngừng bắn, song vị thế chính trị của lãnh thổ vẫn chưa được giải quyết: Transnistria trên thực tế là một chính quyền độc lập mặc dù không được quốc tế công nhận được tổ chức thành một cộng hòa tổng thống chế, với chính phủ, quốc hội, quân đội, cảnh sát, hệ thống bưu chính, và tiền tệ.
Hiện nay kinh tế của Transnistria đều phụ thuộc. Nga cung cấp khí đốt miễn phí và các khoản phí an sinh xã hội cho Transnistria, cũng như bổ sung quỹ lương hưu cho người dân ở khu vựic này. Ngoài ra, tại Transnistria còn có 1.500 quân nhân Nga làm nhiệm vụ giám sát thỏa thuận ngừng bắn ở đây.