Gặp gỡ tân Ngoại trưởng Úc Penny Wong ngày 17.6, Thủ tướng quốc đảo Solomon Manasseh Sogavare tái khẳng định Canberra vẫn là đối tác an ninh và phát triển hàng đầu mà đảo quốc này lựa chọn.
Thủ tướng Sogavare cũng đảm bảo sẽ không có hiện diện quân sự nước ngoài lâu dài tại quốc đảo Solomon, ngay cả khi họ ký kết hiệp ước hợp tác an ninh với Trung Quốc. Úc hoan nghênh lời đảm bảo.
Phía Ngoại trưởng Wong nói với phóng viên: “Chúng tôi đã nói rất nhiều về việc trở thành một phần của gia đình Thái Bình Dương. Quan điểm của Úc vẫn là gia đình Thái Bình Dương nên tự chịu trách nhiệm về an ninh của chúng ta, gia đình Thái Bình Dương có đủ khả năng giữ vững an ninh”.
Ngoài vấn đề an ninh khu vực, hai quan chức cũng thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục, dịch chuyển lao động và biến đổi khí hậu.
Kể từ khi nhậm chức vào tháng 5, Ngoại trưởng Wong đã 3 lần công du khu vực Thái Bình Dương nhằm tăng cường các mối quan hệ ngoại giao. Một số chuyến thăm của bà trùng với chuyến công du kéo dài 1 tuần của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho thấy rõ nỗ lực cạnh tranh ảnh hưởng mạnh mẽ giữa Canberra và Bắc Kinh.
Trung Quốc và quốc đảo Solomon cuối tháng 4 thông báo đã ký hiệp ước an ninh nhưng không công bố chi tiết. Tuy nhiên, bản dự thảo rò rỉ trước đó có nội dung tàu thuyền Trung Quốc sẽ được phép thực hiện hoạt động tiếp tế hậu cần, dừng chân và quá cảnh tại Solomon. Ngoài ra, Trung Quốc cũng có thể triển khai “lực lượng thích hợp” để bảo vệ nhân viên cùng dự án của họ ở quốc đảo này.
Hiệp ước an ninh trên làm dấy lên lo ngại Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng tại khu vực Thái Bình Dương. Đầu tháng qua, cảnh sát Trung Quốc đã bắt đầu chương trình huấn luyện cho cảnh sát Solomon.
Nắm giữ vị trí chiến lược đối với các tuyến đường vận chuyển và thông tin liên lạc ở Thái Bình Dương, quốc đảo Solomon vài năm gần đây là nơi cạnh tranh ảnh hưởng giữa Trung Quốc với phương Tây do Mỹ đứng đầu.
Trong gần 20 năm qua, Úc được xem là bên bảo trợ an ninh cho quốc đảo Solomon. Úc cùng Mỹ, Nhật và New Zealand ngày 20.4 ra tuyên bố cùng bày tỏ quan ngại với hiệp ước an ninh mà đảo quốc Thái Bình Dương ký với Trung Quốc.
Trung Quốc đang cố thúc đẩy kế hoạch ký một thỏa thuận an ninh thương mại và an ninh sâu rộng với 10 đảo quốc ở Thái Bình Dương. Tuy nhiên kế hoạch dường bị chững lại do một số nước bày tỏ quan ngại về vài nội dung trong thỏa thuận.