Ngày 28.7, đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội khóa XV làm việc với UBND TP.HCM về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.
Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát đã góp ý cho TP.HCM nhiều nội dung trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. ĐB Lê Thanh Vân cho rằng TP.HCM cần được tự chủ về bộ máy; tự chủ về cơ chế và tự chủ về đầu tư. Những nội dung này có thể tác động đến mô hình quản lý, tiết kiệm ngân sách, tiết kiệm thời gian và cả con người.
Cũng theo ĐB này, TP.HCM cần tổng kết đánh giá lại việc sử dụng quỹ đất, cấp giấy phép đầu tư các dự án, nhất là các dự án bất động sản. Vừa qua nhiều dự án bất động, không chỉ lãng phí tài nguyên mà còn làm cho dòng vốn đóng băng.
Trong khi đó, có ý kiến ĐB cho rằng tắc nghẽn giao thông, ngập úng gây thiệt hại lớn cho xã hội, mà tình trạng này bắt nguồn từ yếu kém trong quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị, xây dựng. Theo ĐB, cần nhìn nhận đây là yếu tố gây lãng phí và cần tập trung khắc phục.
Bà Vũ Thị Lưu Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, tổ trưởng tổ công tác cho rằng việc quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn TP.HCM là vấn đề nổi cộm, cũng là vấn đề khó, nhiều trường hợp do lịch sử để lại, do hậu quả của các nhiệm kỳ trước. Một số vấn đề vượt quá thẩm quyền xử lý của TP.HCM, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và do chính sách, pháp luật.
Một số nội dung cụ thể được tổ công tác nêu ra, đó là cần xử lý dứt điểm các trường hợp dự án “treo”, quy hoạch “treo”, bỏ hoang, chậm đưa đất vào sử dụng, lấn chiếm đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất không theo quy hoạch.
Cùng với đó, TP.HCM tuyệt đối không bố trí quỹ đất cho các mục đích sử dụng chưa phù hợp với nhu cầu thực tế do không lường hết những khó khăn trong quá trình thi công giải phóng mặt bằng, huy động vốn đầu tư.
Đoàn công tác cũng cho rằng TP.HCM cần triển khai quyết liệt việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập. Đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho đơn vị sự nghiệp, giảm chi ngân sách nhà nước cho khu vực này. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ công, tạo cơ chế thuận lợi để các đơn vị sự nghiệp công lập sớm tự chủ về mặt tài chính.
Trong số các tồn tại hạn chế, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh đến vấn đề đất đai, việc chậm phê duyệt phương án giá đất, thủ tục gia hạn hợp đồng thuê đất, gia hạn thời gian thực hiện dự án đầu tư, vướng mắc về phương án sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa. Bên cạnh đó là việc sử dụng mặt bằng không hiệu quả, cho thuê lại, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất khác với phương án được duyệt hoặc quyết định cho thuê đất, bỏ trống không sử dụng nhưng chậm thu hồi…
Ngoài ra, công tác lập, thẩm định, phê duyệt Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết của đơn vị sự nghiệp công lập còn vướng mắc. Pháp luật về quản lý sử dụng tài sản công cũng chưa có quy định việc cho thuê tài sản được giao cho các đơn vị quản lý, giữ hộ nên khi triển khai gặp nhiều trở ngại, khó khăn.
Theo ông Phan Văn Mãi, đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, việc chậm cổ phần hóa trong một số trường hợp cụ thể cũng được xem là làm chậm đi cơ hội đầu tư sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và không kịp thời bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Đối với đầu tư công, thủ tục kéo dài làm tăng mức đầu tư; mặc dù tình trạng dàn trải dần khắc phục nhưng vẫn còn do số lượng dự án và nhu cầu vốn đầu tư quá lớn. Nhiều vướng mắc khi chuyển sang thực hiện chính quyền đô thị chậm được giải quyết, mặc dù đã được dự liệu sẽ phát sinh.
Từ đó, TP.HCM kiến nghị Quốc hội và Chính phủ sớm xem xét, ban hành Luật Đất đai sửa đổi; sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Đồng thời sửa đổi, bổ sung Nghị định 15/2021 của Chính phủ để giải quyết các khó khăn, vướng mắc đối với các dự án PPP.