Hết năm 2023, số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu (quỹ BOG) còn trên 6.655 tỉ đồng.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Quỹ bình ổn giá xăng dầu còn bao nhiêu tiền?

Tuyết Nhung 22/03/2024 23:00

Hết năm 2023, số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu (quỹ BOG) còn trên 6.655 tỉ đồng.

Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) chiều 22.3 cho biết tính đến hết quý 4/2023 (đến hết ngày 31.12.2023), số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu là 6.655,36 tỉ đồng.

Trong quý 4/2023 (tính từ ngày 1.10.2023 đến hết ngày 31.12.2023), tổng số trích quỹ BOG là 14,94 tỉ đồng. Tổng số sử dụng quỹ BOG là 132,83 tỉ đồng; lãi phát sinh trên số dư quỹ BOG dương là 3,34 tỉ đồng; lãi vay phát sinh trên số dư quỹ BOG âm là 0,0019 tỉ đồng.

Trước đó, số dư quỹ BOG đến hết ngày 30.9.2023 là 6.767,27 tỉ đồng.

Liên quan đến quỹ BOG, thời gian qua, có nhiều bất cập xung quanh quy định trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu khiến quỹ dương hàng ngàn tỉ đồng nhưng không sử dụng được và có dấu hiệu "khó đòi" vì quản lý lỏng lẻo.

Ngoài vi phạm cấp giấy phép, việc quản lý, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng tồn tại nhiều bất cập. Điều này được Thanh tra Chính phủ nêu rõ tại kết luận thanh tra trong lĩnh vực xăng dầu vào tháng 1 vừa qua.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, về trích lập, quản lý, sử dụng quỹ BOG, theo quy định tại Luật Giá, việc áp dụng biện pháp lập quỹ BOG là có thời hạn, tuy nhiên hiện nay Chính phủ đang cho áp dụng thường xuyên, liên tục. Trong khi đó, các quy định hiện nay giao cho nhiều cơ quan tham gia quản lý quỹ BOG (Bộ Tài chính chủ trì, Bộ Công Thương phối hợp).

"Việc này đã tồn tại nhiều năm, nhưng chưa được xử lý kịp thời, dẫn đến có sự đùn đẩy trách nhiệm, quản lý lỏng lẻo, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng quỹ BOG", kết luận thanh tra cho hay.

Về điều hành quỹ BOG, theo kết luận, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định chi quỹ BOG khi giá chưa tăng với số tiền khoảng 1.142 tỉ đồng và chi quỹ BOG cao hơn mức tăng giá với số tiền khoảng 318 tỉ đồng.

Về quản lý quỹ BOG, theo kết luận thanh tra, cơ quan quản lý quỹ BOG đùn đẩy trách nhiệm; thiếu quy định, quy chế phối hợp, phân công nhiệm vụ giữa cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp (Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương) trong việc quản lý quỹ BOG.

Việc quản lý quỹ BOG chưa đảm bảo chặt chẽ; Bộ Công Thương chưa xử lý kịp thời vi phạm về quỹ BOG của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu khi Bộ Tài chính đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Khi bàn về vấn đề quản lý quỹ này, có nhiều chuyên gia cho rằng liên quan quỹ BOG xăng dầu có quá nhiều vấn đề đáng bàn, nếu cứ duy trì theo cách quản lý hiện nay thì nên bỏ quỹ. Không rõ căn cứ vào đâu để đưa ra quy định giá giảm 5% cho trích lập quỹ, giảm hơn 5% cho trích lập cao hơn. Rồi phải tăng trên 7% mới cho xả quỹ.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho rằng với cơ chế điều hành chưa hoàn toàn thị trường thì vẫn cần duy trì quỹ BOG xăng dầu. Chỉ khi nào nhà nước trao quyền định giá xăng dầu cho doanh nghiệp đầu mối hoàn toàn, đảm bảo thị trường xăng dầu có cạnh tranh hoàn toàn thì mới có thể bỏ quỹ.

Đặc biệt, các chuyên gia đều nhận xét đã có quy định điều hành linh hoạt, không nên lấy lý do chờ tăng trên 7% mới cho xả quỹ; bởi biến động thế nào thì Bộ Công Thương vẫn quyết được trong vai trò quản lý ngành xăng dầu, toàn bộ hệ thống từ kinh doanh, nhập khẩu, điều hành giá...

"Không thể phủ nhận vai trò tích cực của quỹ khi chúng ta chưa có thị trường xăng dầu cạnh tranh thực sự. Vấn đề là vừa qua xuất hiện một số trường hợp thu chi, sử dụng quỹ BOG không thỏa đáng. Tôi cho rằng phải cải tiến ngay việc trích lập, quản lý, sử dụng quỹ một cách minh bạch và công bằng hơn", ông Thỏa nhấn mạnh.

Bài liên quan
Quỹ bình ổn xăng dầu có hơn 4.600 tỉ đồng, tăng gấp đôi sau 3 tháng.
Bộ Tài chính vừa cho biết đến cuối năm 2022, số dư Quỹ bình ổn xăng dầu lên tới hơn 4.600 tỉ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quỹ bình ổn giá xăng dầu còn bao nhiêu tiền?