Bộ Tài chính vừa cho biết đến cuối năm 2022, số dư Quỹ bình ổn xăng dầu lên tới hơn 4.600 tỉ đồng.
Bộ Tài chính vừa thông tin về số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Theo đó, số dư quỹ đến hết ngày 31.12.2022 là hơn 4.600 tỉ đồng.
Trong quý 4/2022, tổng số trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu hơn 2.155 tỉ đồng (từ ngày 1.10.2022 đến hết ngày 31.12.2022). Trước đó, số dư Quỹ bình ổn xăng dầu tại thời điểm 30.9.2022 ở mức 2.540 tỉ đồng. Như vậy số dư Quỹ bình ổn xăng dầu đã tăng gấp đôi sau 3 tháng.
Quỹ bình ổn giá xăng dầu được lập tại doanh nghiệp khi được Bộ Công Thương cấp giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 95.
Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm trích lập, chi sử dụng, báo cáo, công khai về Quỹ bình ổn giá xăng dầu và quản lý quỹ theo quy định.
Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm lựa chọn, mở tài khoản theo dõi riêng về Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam (ngân hàng); có trách nhiệm thông báo bằng văn bản tên, địa chỉ, thông tin liên lạc của ngân hàng nơi thương nhân đầu mối mở tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu đến Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá), Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) và công bố thông tin theo quy định.
Quỹ bình ổn giá xăng dầu được trích lập bằng một khoản tiền cụ thể là 300 đồng/lít đối với các loại xăng, các loại dầu diesel, dầu hỏa, và 300 đồng/kg đối với các loại dầu mazut ở nhiệt độ thực tế tiêu thụ tại thị trường nội địa và được xác định là một yếu tố cấu thành giá cơ sở và giá bán của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Việc trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu được thực hiện đồng thời với kỳ điều hành giá cơ sở.
Quỹ bình ổn giá xăng dầu là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước, toàn bộ nguồn trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu để tham gia điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn giá xăng dầu trong nước. Quỹ hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, không phát sinh cơ chế quản lý tập trung và không phát sinh tổ chức bộ máy, không có cơ chế tài chính riêng.
Một số ý kiến cho rằng nên bỏ Quỹ bình ổn giá vì không hiệu quả. Theo ý kiến của Bộ Công Thương, do Quỹ bình ổn giá là công cụ linh hoạt duy nhất để Nhà nước có thể điều hành mức tăng giảm giá xăng dầu trong từng kỳ điều hành giá. Nếu bỏ Quỹ bình ổn giá sẽ đồng nghĩa với việc bỏ điều hành giá xăng dầu.
TS Phạm Thế Anh - Trưởng khoa Kinh tế học, Trường đại học Kinh tế quốc dân cho rằng việc điều hành Quỹ bình ổn giá thời gian qua đã không đạt được mục tiêu này - sự biến động giá của xăng dầu sau khi sử dụng quỹ không có sự khác biệt lớn khi so sánh với trường hợp không sử dụng Quỹ bình ổn giá, bởi vì nhà điều hành không thể tiên đoán được giá xăng dầu trong tương lai. Nếu muốn giảm được biên độ biến động giá, nhà điều hành cần dự đoán được giá xăng dầu thế giới.
Ví dụ, nếu tại kỳ điều hành thứ nhất, giá thế giới tăng so với trước đó, nhà điều hành xả quỹ để giá trong nước không tăng mạnh so với trước đó. Nếu tại kỳ điều hành thứ hai, giá thế giới giảm so với kỳ trước đó, thì quyết định xả quỹ này có tác dụng giảm biến động giá. Tuy nhiên, nếu tại kỳ điều hành thứ 2, giá thế giới lại tiếp tục tăng thì quyết định xả quỹ tại kỳ điều hành thứ nhất lại khiến giá biến động mạnh hơn tại kỳ thứ 2. Nhà điều hành luôn rơi vào tình trạng không thể dự đoán được giá thế giới sẽ diễn biến thế nào vào kỳ sau để có quyết định trích hay xả quỹ đúng đắn.
Vì vậy, vị chuyên gia cho rằng cả lý thuyết và thực tiễn đều cho thấy Quỹ bình ổn giá không đạt được mục tiêu giúp bình ổn giá như mong muốn của Nhà nước. Do đó, ông đề nghị bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu.