Quy hoạch Thủ đô cần xác định lấy công nghiệp công nghệ cao là đột phá. Trong đó, cần mở rộng các khu công nghiệp để thu hút các ngành chíp, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI).
Kinh tế - đầu tư - dự án

Quy hoạch Thủ đô lấy ngành chíp, bán dẫn làm đột phá

Tuyết Nhung 24/02/2024 09:21

Quy hoạch Thủ đô cần xác định lấy công nghiệp công nghệ cao là đột phá. Trong đó, cần mở rộng các khu công nghiệp để thu hút các ngành chíp, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI).

Nói về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, TS Cao Viết Sinh - nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư góp ý, đơn vị tư vấn cần đánh giá được đúng vị trí của Hà Nội so với các tỉnh thành trên cả nước. Từ đó mới có thể xác định được mục tiêu phát triển một cách hợp lý đến năm 2030, năm 2045. Trong quy hoạch xác định dịch vụ, du lịch là ngành mũi nhọn, tuy nhiên các sản phẩm du lịch điểm nhấn của Thành phố lại chưa có.

quy-hoach-thu-do.jpg
Quy hoạch Thủ đô có nội dung lớn, phức tạp, nhiều nội dung tích hợp, đòi hỏi phải có phương pháp triển khai bài bản, khoa học và kỹ lưỡng

Quy hoạch cần xác định lấy công nghiệp công nghệ cao là đột phá, là ngành kinh tế mũi nhọn của Hà Nội. Trong đó cần mở rộng các khu công nghiệp để thu hút các ngành chíp, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo... Đặc biệt, Hà Nội muốn phát triển nhanh cần quan tâm đến chuyển đổi số một cách toàn diện, đổi mới mô hình quản trị.

Về phương án tổ chức không gian, TS Cao Viết Sinh cho rằng quy hoạch cần làm rõ trục động lực và trục không gian phát triển. Đối với giải pháp huy động nguồn lực thực hiện quy hoạch, cần có giải pháp huy động nguồn lực tư nhân và đầu tư nước ngoài.

Đóng góp ý kiến về yếu tố hạ tầng, GS.TS Lã Ngọc Khuê - nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho rằng, bản Quy hoạch Thủ đô phải đưa ra giải pháp khắc phục bằng được các điểm nghẽn. Dứt khoát trong nhiệm kỳ này phải giải quyết được những bức xúc về hạ tầng như tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường không khí, thiếu nước sạch... để Hà Nội thực sự là điểm đến, để yêu và là nơi đáng sống.

Chuyên gia Lã Ngọc Khuê nêu, trong bản quy hoạch đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá phát triển, tuy nhiên khuyến nghị Hà Nội cần ưu tiên tập trung phát triển hạ tầng giao thông trong đó cần có đột phá về các tuyến đường sắt đô thị. Tạo lập đô thị theo mô hình TOD (Phát triển theo hệ thống giao thông công cộng) dựa theo mạng lưới đường sắt đô thị.

GS.TS Lê Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội lưu ý, quy hoạch cần tạo không gian phát triển nhằm phát huy đầu tư công và dẫn dắt phát triển khối tư nhân. Quy hoạch phải lượng hóa được không gian phát triển, trong đó không chỉ là phát triển bất động sản mà phải xác định không gian phát triển các không gian mới để thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, quy hoạch cần quan tâm ưu tiên đẩy nhanh phát triển hạ tầng giao thông, trong đó ưu tiên những trục lớn để thu hút đầu tư, hạ tầng về công nghệ, môi trường...

Đặc biệt, cần có chiến lược đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư cho các trường đại học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Đầu tư bảo tồn không gian văn hóa truyền thống và không gian các công trình văn hóa mới nhằm thu hút du lịch.

"Điều quan trọng nhất, TP cần ban hành khung chiến lược hành động triển khai thực hiện quy hoạch, trong đó nhấn mạnh về các giải pháp đột phá phát triển hạ tầng", GS.TS Lê Quân nêu ý kiến.

Trong khi đó, GS.TS Đào Xuân Học - nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn góp ý, trách nhiệm của Thủ đô là phải dẫn dắt và định hướng phát triển của đất nước về các mặt, nhưng quan trọng nhất là văn hóa. Cụ thể và cốt lõi nhất, đó là nhân cách của từng con người Thủ đô - nhân cách của người Tràng An.

"Nếu chúng ta không nâng tầm nhân cách con người, thì chưa xứng đáng với một Thủ đô văn hiến và đất nước chúng ta khó có thể trở thành một đất nước công nghiệp và phát triển. Thủ đô Hà Nội có thể không đi đầu trong một số lĩnh vực, nhưng văn hóa thì phải là định hướng và đi đầu, là đích mà các vùng miền hướng tới", GS.TS Đào Xuân Học khẳng định.

Lãnh đạo Thành ủy Hà Nội khẳng định, để hoàn thành bản quy hoạch đạt chất lượng cao nhất, TP tiếp tục rà soát, hoàn thiện để làm rõ hơn chức năng, vị trí, vai trò của Thăng Long - Hà Nội trong suốt quá trình lịch sử.

Cùng đó, tiếp tục rà soát, đánh giá cụ thể các tồn tại, hạn chế để thấy rõ nguyên nhân gốc rễ của điểm nghẽn, nút thắt, từ đó có các giải pháp phù hợp để phát triển.

Sắp xếp, phân bố các không gian phát triển kinh tế - xã hội theo các hành lang, vành đai kinh tế và các trục phát triển, gắn với việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Sắp xếp, phân bố không gian hợp lý để tập trung phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Rà soát các phương án quy hoạch để phát huy tiềm năng, lợi thế đặc thù, phát triển kinh tế đô thị, giúp kinh tế Hà Nội có những bước phát triển đột phá trong giai đoạn tới, đồng thời nâng cao chất lượng đô thị, chất lượng cuộc sống, gia tăng thu nhập cho người dân đô thị.

Đặc biệt là phương án phát triển trục sông Hồng - không chỉ là dòng chảy của những giá trị lịch sử, văn hóa bồi đắp cho văn hóa Thăng Long - Hà Nội, mà còn là trung tâm phát triển của Thủ đô. Bên cạnh đó, xác định cấp bách cần ưu tiên việc bảo vệ môi trường, giảm ùn tắc giao thông, phát triển kết cấu hạ tầng.

"Muốn phát triển vững mạnh, TP.Hà Nội cần xác định rõ những tiềm năng riêng có, các thế mạnh khác biệt và nổi trội. Đặc biệt trong bản quy hoạch lần này cần phải có cách tiếp cận mới, tư duy mới, mở rộng tầm nhìn phát triển và đưa ra lộ trình thực hiện rõ ràng. Phát triển phải có trọng tâm, trọng điểm; dựa trên liên kết vùng để tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy kinh tế và tương xứng với vị trí, cực tăng trưởng phát triển của vùng và cả nước", Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Bài liên quan
Du lịch tăng trưởng tích cực tại TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng dịp Tết Nguyên đán
Du lịch tăng trưởng mạnh tại 3 thành phố lớn dịp Tết Nguyên đán

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quy hoạch Thủ đô lấy ngành chíp, bán dẫn làm đột phá