ĐBQH Phan Đức Hiếu cho rằng, Chính phủ cần làm rõ các nội dung liên quan đến nguồn lực và giải pháp thực hiện quy hoạch tổng thể quốc gia để tránh lúng túng khi triển khai.
Ngày 6.1, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch tổng thể quốc gia là nội dung khó
Theo ĐBQH Phan Đức Hiếu (Thái Bình), quy hoạch tổng thể quốc gia là một nội dung khó, hoàn toàn khác với quy hoạch tỉnh với các cơ sở tương đối rõ ràng. Tuy nhiên, quy hoạch tổng thể quốc gia là nền tảng cơ sở cho các quy hoạch ngành và địa phương. Do vậy, dù khó, nhưng cũng cần sớm hoàn thiện để thông qua.
Ông Hiếu đề nghị Chính phủ cần làm rõ các nội dung liên quan đến nguồn lực và giải pháp thực hiện quy hoạch tổng thể quốc gia để tránh lúng túng khi triển khai. Ngoài ra, do đây là quy hoạch tổng thể quốc gia, mang tính khái quát, nên cũng cần làm rõ tính chi tiết của các nội dung trong quy hoạch này đến đâu.
ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng, các mục tiêu đưa ra phấn đấu đến năm 2030 trong quy hoạch tổng thể quốc gia đưa ra khá cao.
Do đó, ông Đồng đề nghị phải xem xét tính thực tế và khả thi của các mục tiêu cũng như các kịch bản tăng trưởng đặt ra. Nhất là trong bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều yếu tố bất định, khó lường như chiến tranh, dịch bệnh, lạm phát, biến đổi khí hậu, công nghệ và các mô hình kinh doanh mới sẽ là những yếu tố đầu vào then chốt, tác động đến doanh số của các kịch bản nêu ra...
Góp ý về nội dung này, ĐBQH Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) lại cho rằng, trong quy hoạch tổng thể quốc gia, các nội dung về quy hoạch đô thị được tập trung rất nhiều. Tuy nhiên, các nội dung về kiến trúc nông thôn và hàng loạt các vấn đề liên quan đến quy hoạch của nông thôn còn rất mờ nhạt. Do vậy, đề nghị Chính phủ cần xem xét, đầu tư thêm cho nội dung này.
Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị bổ sung các phân tích, đánh giá rõ hơn về các yếu tố thuận lợi, khó khăn về vị trí địa lý, điều kiện địa hình - địa mạo, địa chất - thổ nhưỡng tài nguyên, khoáng sản, khí hậu, rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu và đánh giá các điều kiện này tác động đến phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới; bổ sung đánh giá sâu hơn về dân số, nguồn nhân lực, tài nguyên nhân văn và làm rõ hơn đánh giá về hạn chế, yếu kém liên quan đến tổ chức, phát triển không gian hạ tầng văn hóa, xã hội; lâm nghiệp; thủy sản; môi trường, tài nguyên.
Đồng thời, nhiều đại biểu cho rằng cần nghiên cứu làm rõ hơn các nội dung phải định hướng trong việc sắp xếp, phân bố không gian nhằm đạt được các mục tiêu mà chiến lược đã đề ra; bổ sung, nhấn mạnh hơn việc giảm chồng chéo, xung đột trong sử dụng không gian giữa các ngành, các địa phương và quan điểm về phát triển kinh tế biển.
Nhiều vấn đề cần làm rõ
Theo đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau), quy hoạch tổng thể quốc gia là việc làm chưa có tiền lệ nên chưa có kinh nghiệm xây dựng. Đại biểu cho rằng việc xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia không phải việc làm phổ biến, đa số các quốc gia trên thế giới chỉ có định hướng về mục tiêu dài hạn. Do đó, cần thảo luận kỹ lưỡng, quyết định thận trọng để tránh việc đặt ra mục tiêu, giới hạn thời gian nhưng không đạt được.
Ông Vân cũng bày tỏ băn khoăn về tên gọi bởi luật định ra phải có quy hoạch tổng thể quốc gia nhưng phải đặt trong mối quan hệ là khái niệm Quốc gia với tư cách là một chủ thể quan hệ Luật Quốc tế và với tư cách là một chủ thể trong nhận thức của mọi người liên quan đến khái niệm về địa lý, chính trị, kinh tế, xã hội, lịch sử...
Trong Luật Quốc tế, quốc gia có 4 yếu tố cấu thành gồm: dấu hiệu lãnh thổ, dấu hiệu chính quyền, dấu hiệu dân cư và sinh sống liên tục, năng lực tham gia quan hệ quốc tế. Do đó, quy hoạch tổng thể quốc gia phải đề cập đến 4 yếu tố trên. Tuy nhiên, trong tên gọi lại xác định chủ yếu về kinh tế - xã hội, đây chỉ là một khía cạnh trong khái niệm quốc gia.
Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, cần phải cân nhắc chính xác về khái niệm để có nền tảng về nhận thức cũng như chính trị, pháp lý.
ĐBQH Mai Văn Hải (Thanh Hóa) nêu rõ, Vùng động lực Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh là vùng có rất nhiều làng nghề phát triển. Do đó cần có định hướng phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch ở vùng động lực này.
Cơ bản, thống nhất với phương hướng phân bổ không gian hệ thống du lịch quốc gia, tuy nhiên, đại biểu chỉ ra rằng việc quy hoạch xác định các khu vực động lực phát triển du lịch chưa rõ, còn rất chung chung. Vì vậy phải xác định cụ thể khu vực động lực phát triển du lịch.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cũng nêu rõ, xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia là một việc chưa có tiền lệ, rất mới, rất khó; chuyện phân định giữa nội dung, nội hàm của quy hoạch quốc gia để không chồng lấn với những quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch địa phương cũng chưa có tiền lệ nên cũng có những khó khăn nhất định.
“Đây chủ yếu là những nội dung liên quan tới phân bổ không gian, phân bố lãnh thổ nên cách chia chủ yếu.