"Rất ít sản phẩm đặc sản địa phương hiện nay được bảo hộ, phát triển nhãn hiệu, thương hiệu tập thể, trong khi yêu cầu thị trường đòi hỏi sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được bảo hộ từ các cơ quan chức năng của Nhà nước".

Rất ít đặc sản địa phương hiện nay được bảo hộ thương hiệu!

Một Thế Giới | 28/11/2015, 07:23

"Rất ít sản phẩm đặc sản địa phương hiện nay được bảo hộ, phát triển nhãn hiệu, thương hiệu tập thể, trong khi yêu cầu thị trường đòi hỏi sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được bảo hộ từ các cơ quan chức năng của Nhà nước".

Đó là lời nhận định của ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội tại Hội thảo "Nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm đặc sản vùng miền thông qua liên kết vùng" diễn ra vào ngày 27.11.
Tại hội thảo, ông Tuấn chỉ ra rằng, Việt Nam có nhiều đặc sản đã trở thành biểu tượng tiêu biểu gắn liền với truyền thống văn hóa và lịch sử của nhiều vùng đất. Hầu như địa phương nào cũng có những đặc sản nổi tiếng, gắn liền với các địa danh như: nhãn lồng Hưng Yên, vải thiều Thanh Hà, chè Thái Nguyên, quế hồi Lạng Sơn, gạo tám Hải Hậu, chuối ngự Đại Hoàng...
Trong số hàng trăm đặc sản của nước ta, có những sản phẩm có truyền thống, nguồn gốc lâu đời, có những đặc sản được biết đến khoảng vài thập kỷ, thậm chí chỉ vài năm gần đây. Tuy nhiên, đó đều là những sản vật quý báu của các vùng miền Bắc - Trung - Nam.
Ông Tuấn nhấn mạnh, Hà Nội nằm ở trung tâm đồng bằng sông Hồng, có điều kiện tự nhiên thuận lợi, vốn là mảnh đất trăm nghề, quy tụ được nhiều thợ thủ công tài giỏi. Không chỉ là thị trường tiêu thụ lớn về quy mô dân số và sức mua, Hà Nội đồng thời cũng là địa danh có nhiều sản vật truyền thống lâu đời, nhiều làng nghề với các đặc sản nổi tiếng cả nước như: cam Canh, bưởi Diễn, chè Ba Vì, giò chả Ước Lễ, nem Phùng...
Ông cũng cho biết, trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã xây dựng, ban hành các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, khuyến khích phát triển làng nghề như: hỗ trợ vốn, vật tư, công nghệ, xây dựng và phát triển thương hiệu, xúc tiến thương mại, đào tạo nhân lực cho các cơ sở sản xuất làng nghề, cơ sở sản xuất nông nghiệp nông thôn nhằm ưu tiên phát triển những đặc sản, sản phẩm làng nghề truyền thống nổi tiếng, có giá trị kinh tế cao. Kết quả bước đầu thực hiện chính sách trên đã góp phần phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của các đặc sản, sản phẩm làng nghề Hà Nội, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của Thành phố.
Bên cạnh những thuận lợi, ông Tuấn  cũng cho rằng việc sản xuất kinh doanh các sản phẩm đặc sản ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung vẫn còn tồn tại không ít vấn đề cần được giải quyết:
"Rất ít sản phẩm đặc sản địa phương hiện nay được bảo hộ, phát triển nhãn hiệu, thương hiệu tập thể, trong khi yêu cầu thị trường đòi hỏi sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhãn hiệu hàng hóa được bảo hộ từ các cơ quan chức năng của Nhà nước.
Thêm vào đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh chưa chú trọng khâu phát triển sản phẩm (về thiết kế mẫu mã, quy trình - công nghệ sản xuất đạt tiêu chuẩn an toàn, thân thiện với môi trường...), dẫn đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh và sức cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm thấp, việc tiêu thụ, đặc biệt là xuất khẩu sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Thậm chí một số sản phẩm tiêu biểu, đặc sản của địa phương đang dần bị mai một".
Ông Tuấn cũng nhận thấy nhiều đặc sản nổi tiếng của vùng miền Việt Nam chưa tiếp cận được phương thức và các kênh phân phối hiện đại để đến với thị trường trong nước và xuất khẩu do sự hạn chế về vốn, quy mô sản xuất, kinh doanh, trình độ quản trị và nghiệp vụ xúc tiến thương mại của các cơ sở sản xuất.
Từ đó, ông Tuấn khẳng định vai trò quan trọng của Bộ Công thương, thành phố Hà Nội và các địa phương trong việc liên kết để phát triển và bảo hộ thương hiệu đặc sản, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam gia nhập thị trường chung và thực hiện các cam kết FTA, TPP, EAC...
Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ở Trung Bộ
một giờ trước Theo dòng thời sự
Chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với gió mạnh trên biển, mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống bảo đảm kịp thời, hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Yêu cầu trên được Thủ tướng Chính phủ đặt ra với Bộ trưởng các bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tại Công điện số 120/CĐ-TTg, ngày 25.11.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Rất ít đặc sản địa phương hiện nay được bảo hộ thương hiệu!