Phóng sự của báo New York Times nói rằng sách "ba xu" tạo ra nhiều kẻ thù nhưng đang hái ra tiền ở Hồng Kông (TQ), vì chúng đề cập nhiều chuyện “nhạy cảm” của lãnh đạo Trung Quốc.

Sách 'ba xu' về đời tư lãnh đạo Trung Quốc 'hái ra tiền' ở Hồng Kông

Một Thế Giới | 06/02/2016, 05:18

Phóng sự của báo New York Times nói rằng sách "ba xu" tạo ra nhiều kẻ thù nhưng đang hái ra tiền ở Hồng Kông (TQ), vì chúng đề cập nhiều chuyện “nhạy cảm” của lãnh đạo Trung Quốc.

Đó là những đầu sách viết về tình dục, tham nhũng, giết người, khiến kẻ nghiện đọc sách báo khiêu dâm cũng phải đỏ mặt.  
Tác giả sách giật gân kiếm hàng chục ngàn USD/đầu sách

Các sách này kết hợp với các tin đồn, sự suy đoán và có cả hư cấu, kể những chuyện về giai cấp lãnh đạo TQ. Ví dụ cuốn “8 câu chuyện tình của Tổng bí thư” nói rằng Chủ tịch Tập Cận Bình có nhiều mối tình, trong đó có cuộc tình với một người dẫn chương trình truyền hình. Chuyện khác kể rằng vợ ông Tập, bà Bành Lệ Viên, giận dữ vì chuyện ông ngoại tình nên bà tiếm quyền chồng.

Theo New York Times (NYT), các đầu sách này thuộc loại lá cải và mang tính giải trí ở Mỹ. Nhưng ở Đài Loan và hai đặc khu hành chính Hồng Kông (HK) và Macau thuộc TQ, chúng thuộc diện sách cấm nhưng được du khách TQ rất thích vì họ muốn biết những tin giật gân về đời tư của lãnh đạo TQ.

Các sách này là câu chuyện thành công lạ lùng của việc cấm tự do ngôn luận ở TQ, nơi kiểm soát chặt những thông tin về chính trị và các chính khách. Tàng trữ sách này có thể bị công an triệu tập để thẩm vấn. Tuy nhiên, các nhà xuất bản (NXB) ở HK đã biến những tựa sách bị cấm thành chuyện làm ăn béo bở. Vì không có thông tin chính thức từ Hoa lục nên các NXB này được độc giả tin cậy.

Ví dụ cơ quan tuyên truyền của TQ luôn mô tả vợ chồng ông Tập hạnh phúc, nhưng câu chuyện tình này càng được ca ngợi, “người ta càng muốn mua sách đề cập những chuyện thực xảy ra phía sau những cánh cửa đóng kín”, theo Jeffrey Wasserstrom, một giáo sư về sử TQ ở Đại học California.

Các đầu sách này bán giá 20 USD/cuốn và chiếm lĩnh các quầy báo, hiệu sách, nhất là ở các sân bay để hút khách du lịch TQ đến HK, Singapore và Đài Loan. Các bìa sách này được trình bày và thiết kế để dễ bắt mắt nhiều người. Như cuốn viết về vợ ông Tập, NXB Mighty Current dùng chân dung của Từ Hy Thái Hậu ép lên khuôn mặt bà. Bìa khác vẽ máu chảy và dòng tựa nói rằng Lệnh Kế Hoạch dính líu một vụ âm mưu giết người ở Mỹ. Lệnh là cựu Chánh văn phòng Trung ương đảng, là thư ký riêng của cựu Chủ tịch TQ Hồ Cẩm Đào.

Hồi tháng 12.2014, Lệnh bị điều tra vì “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”, ngày 20.7.2015 bị khai trừ khỏi đảng Cộng sản TQ (CPC). Ông ta đã bị tuyên xử tội làm lộ nhiều “bí mật quan trọng của đảng và nhà nước”, nhận hối lộ lớn, quan hệ bất chính với nhiều phụ nữ, lợi dụng chức quyền để giúp người thân tư lợi.

Các NXB thuê các cây bút viết các cuốn sách này trong vòng 1 tháng hoặc có khi chỉ một tuần.
Cựu luật sư đòi dân quyền Lưu Lộ đã viết 30 đầu sách, trong đó có cuốn viết về âm mưu giết người có sự dính líu của Lệnh. Lưu kể rằng chủ NXB Mighty Current là Quế Dân Hải, gọi cho ông để đặt hàng, trong vài tuần phải có một cuốn. Thời hạn ngắn nhất để Lưu viết là 16 ngày, khiến ông phải bỏ cả giấc ngủ, đau từ đầu đến chân.

Lưu cho biết kiếm được từ 30.000 đến 50.000 USD cho mỗi đầu sách bán chạy. Có một lần, một luật sư đưa ông 300.000 USD với điều kiện là Lưu không được viết sách về ông Tập. Lưu không nhận tiền và cũng không viết cuốn sách nào về ông Tập.

Lưu nói sách của ông chỉ dựa trên các việc thật vì ông lên mạng internet đọc báo, xem tư liệu cùng các văn bản in. Tuy nhiên, ông không phỏng vấn ai và cũng không có nguồn tin. Hiện Lưu rất sợ đến HK và nói rằng ông chỉ an toàn ở Mỹ, nơi điệp viên TQ không thể đến bắt cóc ông: “Họ chỉ có thể nhắn vài tin đến bạn bè tôi, cảnh báo không nên làm việc này, việc nọ”.

Sach bao, sach
Cây bút Lưu Lộ
Những vụ mất tích đáng ngờ 

Từ tháng 10.2015, 5 người của công ty xuất bản Mighty Current bị mất tích:

Lý Ba có quốc tịch Anh, được nhìn thấy lần cuối ở nhà kho của công ty ở HK vào ngày 30.12.2015. Vài tuần sau, công an TQ xác nhận ông đến Hoa lục để “giúp một vụ điều tra”. Tháng 1.2016, ông gặp vợ ở Hoa lục, cho bà biết ông “giúp” một cuộc điều tra, theo cảnh sát HK.

Đồng sáng lập NXB Mighty Current là Quế Dân Hải, quốc tịch Thụy Điển, cũng mất tích. Theo Time, lần cuối cùng người ta thấy Quế là đi cùng một người TQ. Vài ngày sau, thêm nhiều người đến căn hộ của ông lục soát và tịch thu laptop.

Ngày 17.1, ông xuất hiện trên kênh truyền hình nhà nước TQ (CCTV) và nói rằng ông tình nguyện rời khỏi khu nghỉ dưỡng ở Pattaya (Thái Lan) để về Hoa lục chịu trừng phạt vụ ông lái xe trong tình trạng say rượu, cán chết một nữ sinh vào năm 2003.

Quế nói: “Tôi phải tự nhận trách nhiệm pháp lý. Dù là công dân Thụy Điển nhưng tôi cảm thấy tôi vẫn là người TQ và cội nguồn của tôi vẫn ở đó. Tôi hy vọng chính quyền Thụy Điển tôn trọng sự lựa chọn chính đáng và riêng tư của tôi, để tôi tự giải quyết các vấn đề của mình”. 

Theo một số nguồn tin, Quế chuẩn bị in một cuốn sách kể về cuộc sống tình cảm của ông Tập. Theo Willy Wo-lap Lam, giáo sư trợ giảng ở đại học HK, có hai tựa đề đang được xem xét cho cuốn sách này là “Những người tình của Tập Cận Bình” hoặc “Tập Cận Bình và những người đàn bà của ông”.

3 người khác được nhìn thấy lần cuối ở miền nam TQ và đang bị công an giam giữ. Ngày 5.2, công an tỉnh Quảng Đông (TQ) lần đầu tiên xác nhận 3 người này đang bị điều tra vì “dính líu hoạt động phi pháp và có liên quan với một người mang tên Quế”, theo một lá thư gửi chính quyền HK hôm 4.2.

Các vụ mất tích này khiến HK xôn xao, hàng ngàn người xuống đường biểu tình. Các nghị sĩ ủng hộ dân chủ ở HK, các nhà hoạt động nhân quyền nói rằng họ bị điệp viên TQ bắt, vi phạm quyền tự trị của HK trong mô hình “một quốc gia hai chế độ”. Lãnh đạo HK cố gắng trấn an họ trong khi vẫn phải làm vừa lòng “sếp lớn” ở Bắc Kinh.

Ngay cả chính phủ Mỹ cũng kêu gọi TQ giải thích những vụ mất tích rồi xuất hiện ở Hoa lục. Nhưng Bắc Kinh im lặng, càng làm câu chuyện thêm bí ẩn.

Đến nay, vẫn chưa thể biết rõ lý do chính của những vụ mất tích. Nhiều người trong NXB và một quan chức thường đàm phán với Hoa lục nói rằng các quan chức sốt sắng bảo vệ uy tín của ông Tập dù không hẳn có sự chấp thuận của ông.

Hồ Binh, người sáng lập NXB Mirror Media Group (ở New York) cũng in sách giật gân tiếng Hoa bán ở HK nói: “Để bảo vệ tiếng tăm ông Tập, họ rất vô lương tâm và giở nhiều thủ đoạn. Kể cả nhóm bắt người của Mighty Current”.
Sach bao, sach
 Nhân viên hiệu sách Causeway Bay Books cầu thần tài
"Rất dễ nhận ra điệp viên TQ: cao lớn và không hề mua gì" 
Mặc cho những việc đã xảy ra, Mighty Current vẫn tiếp tục hoạt động. NYT đã vào nhà kho của công ty này và chứng kiến 500 sách sắp chuyển ra sân bay HK để đưa đến Macau, thu về tổng cộng 9.000 USD. Trong kho cũng chứa hàng ngàn đầu sách khác.

Theo nhà văn Bối Lĩnh (sống lưu vong  ở Mỹ từ năm 2000), các đầu sách được ưa chuộng của NXB này có thể kể như: “Những người tình hải ngoại của CPC”, “Bí mật của vợ các đảng viên CPC” và “Phụ nữ trong Phái Thượng Hải”.

Các đầu sách này được bán hàng ngàn cuốn ở sân bay HK cùng ở các nơi khác của thành phố, nhưng bị Hoa lục cấm bán vì TQ kiểm soát kỹ ngành xuất bản.

Bối Lĩnh là bạn thời đại học của Quế tại đại học Bắc Kinh hồi giữa thập niên 1980. Ông nói Quế bắt đầu viết sách “ba xu” về chính trị TQ. Ông có thể viết mỗi tháng 1 cuốn bằng cách mời khách du lịch TQ  đi ăn nhà hàng bình dân để moi thông tin.  

Quế là người hỗ trợ việc thành lập Mighty Current vào năm 2012. Năm 2014, công ty này có hiệu sách Causeway Bay Books chuyên về chính trường TQ. Hiệu sách này đã đóng cửa 5 tuần sau khi Lý Ba mất tích.
Sach bao, sach
 Kho sách của NXB Mighty Current

Thực tế thì đã có những cảnh cáo từ vài năm trước. Khi ông Tập chuẩn bị làm Tổng bí thư CPC hồi năm 2012, Bắc Kinh đã bắt đầu mở chiến dịch cấm lưu hành sách chính trị tại Hoa lục.

Cuối năm 2013, TQ bắt NXB Yiu Mantin đang về thăm quê. Yiu bị kết án 10 năm tù hồi năm 2014, về tội buôn lậu hóa chất. Con trai Yiu nói rằng cha mình bị bắt chỉ vì chuẩn bị viết một cuốn sách chỉ trích ông Tập.  

Hồi tháng 10.2015, cuốn sách “Bóng dáng điệp viên lượn lờ” được in ở HK, cùng thời điểm 4 người của Mighty Current mất tích. Nội dung trong cuốn sách nói rằng Quế và “bọn bồi bút” là điệp viên của chính phủ các nước ngoài.

Quế bị cuốn sách này cáo buộc “viết sách giật gân để làm giàu “hạng khủng”, và bác bỏ chuyện Quế khai rằng từng tham gia sự kiện Thiên An Môn năm 1989, gọi đó là “chiêu” của Quế để được tị nạn chính trị ở Thụy Điển.

Đến tháng 12.2015, “bọn bồi bút” viết thư ngỏ yêu cầu rút cuốn “Bóng dáng điệp viên lượn lờ” khỏi các quầy sách. NXB Oriental Times không bình luận gì về đề nghị này, và cuối năm 2015, người của Mighty Current bắt đầu mất tích…

Hiện tại, vẫn có người muốn mua các đầu sách “ba xu” này. Một nhân viên của Hiệu sách Nhân dân (nổi tiếng bán chạy sách bị cấm ở HK) nói số sách mua không hề giảm từ sau vụ mất tích. Tuy nhiên, nhân viên này nói gần đây xuất hiện những người có thể là điệp viên TQ lượn lờ quanh hiệu sách: “Rất dễ nhận ra họ, họ cao lớn và chẳng mua gì”…
Vĩnh Thụy (theo New York Times)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
33 phút trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sách 'ba xu' về đời tư lãnh đạo Trung Quốc 'hái ra tiền' ở Hồng Kông