Thủ tướng Thái lan Prayuth Chan-ocha sử dụng ngày càng nhiều các biện pháp an ninh được gọi là “luật của nhà độc tài” để thâu tóm quyền lực trong nhiều lĩnh vực.

Thủ tướng Thái Lan thâu tóm quyền lực bằng luật của nhà độc tài

Một Thế Giới | 04/02/2016, 18:00

Thủ tướng Thái lan Prayuth Chan-ocha sử dụng ngày càng nhiều các biện pháp an ninh được gọi là “luật của nhà độc tài” để thâu tóm quyền lực trong nhiều lĩnh vực.

Một nhà phê bình chính trị cho biết, Thủ tướng Thái Lan Prayuth đang dựa vào các biện pháp an ninh để thúc đẩy những chính sách không được lòng dân hơn là thực hiện các cải cách như mong muốn. Nhà phê bình cũng cảnh báo việc thâu tóm quyền lực có thể châm ngòi cho phe đối lập tiếp tục cai trị đất nước bằng quân sự.

Thủ tướng Prayuth đã sử dụng các biện pháp, được gọi là Điều 44, để nắm quyền theo dõi các hoạt động khác nhau, từ nhà máy điện đến các khu kinh tế đặc biệt, bất chấp sự phản đối từ các nhà hoạt động và công chúng.

Narongsak Niarmsorn, thành viên của iLaw, một nhóm giám sát pháp lý tại Bangkok nhận định: “Ông Prayuth sử dụng Điều 44 hơn 50 lần kể từ khi lên nắm quyền bằng cuộc đảo chính quân sự vào năm 2014, và ngày càng nhiều hơn từ giữa năm 2015. Điều 44 mang lại cho thủ tướng quá nhiều quyền lực, gây mất cân bằng giữa việc kiểm soát và trách nhiệm”.

Tuy nhiên, một phát ngôn viên của chính quyền quân sự cho biết ông Prayuth sử dụng Điều 44 thường xuyên hơn để thực hiện những chính sách cải cách một cách nhanh nhất, nhằm tranh giành sự ủng hộ từ người dân trước cuộc bầu cử đã cam kết vào năm 2017. Đại tá Winthai Suvaree nói rằng: “Thời gian rất hạn chế cho việc cầm quyền và cải cách đất nước. Việc thúc đẩy mọi chính sách là vì lợi ích của người dân”.  

Tháng 1.2016, các nhà hoạt động công khai chỉ trích kế hoạch xây dựng 14 nhà máy điện trên toàn quốc của chính phủ Thái Lan, bất chấp những phân tích liên quan đến sức khỏe và môi trường. Ngoài ra, Thủ tướng Thái Lan cũng sử dụng Điều 44 để loại bỏ 7 quan chức làm việc tại một tổ chức sức khỏe của chính phủ, với lý do nghi ngờ tham nhũng. Tuy nhiên, ông Prayuth buộc phải xin lỗi ngay sau đó, khi gặp phải sự chỉ trích từ các bác sĩ.

Korn Chatikavanij, cựu bộ trưởng tài chính và là nhân vật cấp cao tham gia vào quá trình thành lập đảng Dân chủ, cho biết: “Ông Prayuth càng lạm dụng Điều 44, các tầng lớp xã hội sẽ càng mất niềm tin vào thủ tướng”.

Thủ tướng Prayuth lên nắm quyền vào năm 2014, với cam kết cải cách hệ thống thuế và giáo dục, phát triển lĩnh vực năng lượng, viễn thông, giám sát hoạt động của cơ quan an ninh và tư pháp, đồng thời giải quyết nạn tham nhũng, buôn người cùng nhiều vấn đề xã hội khác.

Tuy nhiên hiện nay, khi nền kinh tế vẫn còn nhiều bất cập cùng một số lĩnh vực quan trọng chưa được cải cách, cho thấy kế hoạch đầy tham vọng của ông Prayuth gần như đã thất bại. Năm 2015, theo Chỉ số tham nhũng được công bố ở Berlin dựa trên thống kê của cơ quan giám sát minh bạch quốc tế, Thái Lan đứng thứ 76/168 quốc gia.

Điều này khiến ông Prayuth chịu nhiều áp lực và là lý do buộc thủ tướng phải dựa vào Điều 44 để đẩy nhanh quá trình thực hiện các chính sách cải cách. Một nhà ngoại giao phương Tây cho biết: “Chính quyền quân sự nhận thấy rất ít cải cách được thực hiện, nên họ sử dụng Điều 44 để chứng tỏ mình là những nhà cải cách”.

Hàn Giang ( theo Newsweek )

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyên gia nói gì về dự thảo nghị định điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu?
Chuyên gia đồng tình việc ghi nhận sản lượng điện giá 0 đồng khi chưa tính toán được toàn bộ lợi ích-chi phí và những hệ lụy của việc các hộ điện mặt trời tự sản, tự tiêu bán điện vào lưới điện quốc gia. Tuy nhiên, cần tính toán cụ thể về lợi và hại của lượng điện này.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng Thái Lan thâu tóm quyền lực bằng luật của nhà độc tài