Cuộc điều tra an ninh mạng của Bắc Kinh nhằm vào Micron Technology (Mỹ) có thể làm rung chuyển chuỗi cung ứng chip nhớ ở Trung Quốc, nhưng liệu các công ty nội địa có được hưởng lợi hay không vẫn chưa rõ ràng, theo các nhà phân tích và chuyên gia trong ngành.
Các sản phẩm Micron Technology (công ty bán dẫn lớn thứ tư thế giới) đang bị điều tra với lý do “bảo vệ an ninh chuỗi cung ứng của cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng, an ninh mạng và an ninh quốc gia”, Văn phòng Đánh giá An ninh Mạng thuộc Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) cho biết vào tuần trước.
Trung Quốc thực hiện cuộc điều tra đầu tiên liên quan đến một nhà sản xuất chip Mỹ được coi là cách trả đũa với các biện pháp trừng phạt ngày càng nặng nề của chính quyền Biden với lĩnh vực bán dẫn và rộng hơn là lĩnh vực công nghệ cao nước này.
Đầu tuần này, nhiều bài viết trên mạng xã hội Trung Quốc cáo buộc Micron Technology vận động hành lang chống lại các hãng chip Trung Quốc như YMTC (hãng chip nhớ số 1 Trung Quốc) và Fujian Jinhua.
Nhà phân tích Matthew Bryson của Wedbush Securities cho biết: “Các hành động trừng phạt chống lại Micron Technology có thể gợi ý sự thay đổi lớn hơn trong chính sách của Trung Quốc với các nhà cung cấp khác của Mỹ có liên quan mật thiết đến thị trường nước này”.
Việc này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng về công nghệ chip giữa Mỹ và Trung Quốc.
“Việc giao sản phẩm, sản xuất, kỹ thuật, bán hàng và các chức năng khác của Micron Technology đang hoạt động bình thường”, Micron Technology cho biết, đồng thời nói thêm rằng “đang liên lạc và hợp tác đầy đủ với CAC”.
Micron Technology sản xuất chip nhớ NAND phục vụ thị trường lưu trữ dữ liệu cũng như chip DRAM được sử dụng rộng rãi trong trung tâm dữ liệu, máy tính cá nhân và các thiết bị khác. Micron Technology đang cạnh tranh với Samsung Electronics và SK Hynix, hai nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu thế giới của Hàn Quốc.
Thị trường Trung Quốc đóng góp khoảng 11% trong tổng doanh thu 30,8 tỉ USD năm 2022 của Micron Technology, với các sản phẩm như DRAM, bộ nhớ NAND flash và SSD (ổ cứng ở thể rắn).
Một số nhà phân tích tin rằng cuộc điều tra CAC có thể đẩy nhanh tốc độ nội địa hóa sản phẩm giữa các khách hàng hạ tầng dưới trong chuỗi cung ứng ( người mua sản phẩm từ các nhà sản xuất để sử dụng hoặc bán lại).
Các nhà phân tích tại công ty Citic Securities viết trong ghi chú nghiên cứu rằng chip nhớ của hai công ty Trung Quốc là Shenzhen Longsys và BIWIN Storage Technology Co dự kiến sẽ “được hưởng lợi trước tiên”.
Tuy nhiên, sức mạnh công nghệ của Micron Technology ở cả DRAM và 3D NAND có thể khiến việc tìm kiếm các giải pháp thay thế trong nước cho chip nhớ tiên tiến trở nên khó khăn hơn. Lý do vì đối thủ Trung Quốc của Micron Technology như ChangXin Memory Technologies và YMTC bị Mỹ trừng phạt kể từ tháng 10.2022, nên hạn chế khả năng sản xuất các sản phẩm tiên tiến.
Các nhà phân tích của Citic Securities cũng tin rằng Samsung Electronics và SK Hynix cuối cùng có thể được hưởng lợi đáng kể, trong khi Micron Technology lại phải chịu tổn thất.
Họ cho biết: “Để giảm thiểu rủi ro trong chuỗi cung ứng, các công ty Trung Quốc có thể chuyển các đơn đặt hàng mua sản phẩm/đĩa bán dẫn cho các nhà sản xuất ngoài Mỹ như Samsung Electronics và SK Hynix”.
Một số nhà phân tích tin rằng cuộc điều tra cũng có thể ảnh hưởng đến cơ sở khách hàng của Micron Technology ở Trung Quốc, nơi mua chip nhớ trực tiếp hoặc gián tiếp từ công ty Mỹ để sử dụng trong các sản phẩm như máy chủ. Máy chủ được coi là cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng (CII) ở Trung Quốc.
Các quy định về CII ở Trung Quốc rất rộng, bao gồm nhiều lĩnh vực được coi là quan trọng với an ninh quốc gia, sinh kế của người dân, cũng như các lĩnh vực mang lại lợi ích công cộng như dịch vụ thông tin và truyền thông, năng lượng, giao thông, tài nguyên nước và tài chính.
Sun Pengcheng, luật sư tại công ty Dentons, nhận xét: “Cuộc điều tra tập trung vào an ninh chuỗi cung ứng, nên có thể liên quan đến cả các sản phẩm của Micron Technology ở Trung Quốc và những đối tác trong chuỗi cung ứng của họ. Trong quá trình điều tra, nếu phát hiện các vấn đề do sử dụng sản phẩm của Micron Technology gây ra, cơ quan quản lý có thể đưa ra yêu cầu thay thế”.
Theo Hong Yanqing, chuyên gia an ninh mạng thân cận với cơ quan quản lý, nếu các sản phẩm của Micron Technology không vượt qua được cuộc đánh giá an ninh mạng thì các nhà điều hành CII của Trung Quốc sẽ không thể mua các sản phẩm Micron Technology và thậm chí có thể bị phạt vì những lần mua trước đó.
7 khách hàng hàng đầu của Micron Technology tại Trung Quốc, được xếp hạng theo đóng góp vào doanh thu, là Lenovo, Xiaomi, Inspur Electronics Information, ZTE, Coolpad, China Electronics Corp và Oppo, theo một cuộc tìm kiếm dữ liệu từ tờ Bloomberg.
Lenovo, Xiaomi, Oppo và Coolpad – có mặt trên thị trường smartphone và máy tính cá nhân – phụ thuộc vào số lượng lớn chip nhớ cho các sản phẩm của họ.
Xiaomi từ chối bình luận. Oppo và Lenovo không trả lời khi được trang SCMP đề nghị bình luận.
Có sự hiện diện lớn trong hạ tầng thông tin quan trọng từ các hoạt động kinh doanh viễn thông và doanh nghiệp, ZTE từ chối bình luận.
Inspur (nhà cung cấp máy tính lớn cho các trung tâm dữ liệu) bị chính quyền Biden đưa vào danh sách đen thương mại vào tháng 3 vì các hoạt động bị cáo buộc trái với an ninh quốc gia và lợi ích chính sách đối ngoại của Mỹ.
China Electronics Corp là một công ty lớn trong ngành điện tử của Trung Quốc, bị Mỹ thêm vào danh sách đen hồi tháng 8.2020.
Cuối năm ngoái, Micron Technology đã thu hẹp sự hiện diện của mình ở Trung Quốc bằng cách đóng cửa trung tâm nghiên cứu thiết kế DRAM ở thành phố Thượng Hải, nhưng vẫn duy trì các văn phòng bán hàng ở Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến, cũng như một nhà máy thử nghiệm và đóng gói chất bán dẫn tại Tây An.
Năm 2018, Bộ Tư pháp Mỹ đã truy tố nhà sản xuất chip United Microelectronics Corp (Đài Loan) và Fujian Jinhua Integrated Circuit (Trung Quốc), cáo buộc hai công ty này âm mưu đánh cắp bí mật thương mại từ Micron Technology.
Fujian Jinhua Integrated Circuit phủ nhận các cáo buộc. Trong khi United Microelectronics Corp đã nhận tội và nộp phạt 60 triệu USD.