Đến nay Việt Nam ghi nhận 323.268 ca mắc COVID-19, chữa khỏi 132.815 bệnh nhân. Trong số các ca bệnh đang điều trị có 690 ca nặng và rất nặng. TP.HCM triển khai 6 trạm y tế lưu động đầu tiên

Sáng 21.8: Có 690 ca COVID-19 nặng và rất nặng, TP.HCM triển khai 6 trạm y tế lưu động đầu tiên

PV (tổng hợp) | 21/08/2021, 06:15

Đến nay Việt Nam ghi nhận 323.268 ca mắc COVID-19, chữa khỏi 132.815 bệnh nhân. Trong số các ca bệnh đang điều trị có 690 ca nặng và rất nặng. TP.HCM triển khai 6 trạm y tế lưu động đầu tiên

Theo Bộ Y tế, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 323.268 ca mắc COVID-19, xếp 72/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 169/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 3.288 ca nhiễm).

Nếu tính riêng đợt dịch thứ 4 từ ngày 27.4 đến nay, số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 319.209 ca, trong đó có 130.041 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Hiện có 7/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Hải Phòng, Yên Bái.

Có 3 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Kon Tum, Hà Giang, Thái Bình.

5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP.HCM (164.524), Bình Dương (55.601), Long An (16.552), Đồng Nai (15.602), Tiền Giang (5.619), Đồng Tháp (5.554).

Tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19

- 12.756 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 20.8 nâng tổng số ca được điều trị khỏi: 132.815 ca.

- Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 666 ca.

- Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 24 ca.

- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến 20.8 là 7.540 ca, chiếm tỷ lệ 2,3% so với tổng số ca mắc và tương đương với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới.

Trong ngày 19/8 có 1.504.293 liều vắc xin COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 16.306.199 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 14.669.827 liều, tiêm mũi 2 là 1.636.372 liều.

TP.HCM: Triển khai 6 trạm y tế lưu động đầu tiên

6 trạm y tế lưu động này gồm 1 trạm ở Quận 3 và 5 trạm tại Quận 7; nằm trong tổng số gần 400 trạm y tế lưu động sẽ được thiết lập trong thời gian tới.

Tại Quận 3, trạm y tế lưu động ở phường 11. Trạm này có một bác sĩ, hai điều dưỡng; được trang bị 4 máy tạo oxy, khoảng 10 bình oxy lớn, nhỏ cùng đầy đủ loại thuốc theo quy định điều trị bệnh nhân COVID-19 tại nhà.

Quy trình hoạt động là khi ghi nhận các ca F0 có triệu chứng, bác sĩ và điều dưỡng sẽ đến nhà để khám. Tùy vào thể trạng của người bệnh, các nhân viên y tế sẽ quyết định việc cho thuốc theo dõi tại nhà hoặc điều phối xe chở đến trạm y tế xử trí.

Trường hợp bệnh nhân không chuyển biến, đơn vị sẽ liên hệ với xe điều phối chuyển bệnh nhân lên tuyến trên điều trị

Ông Tăng Chí Thượng - phó giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết trạm y tế lưu động có 2 chức năng chính là quản lý sức khỏe bà con trên địa bàn (bên cạnh trạm y tế đang có sẵn) và quản lý các trường hợp F0 đang cách ly tại nhà. Từ mô hình này, kỳ vọng sẽ giúp chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà tốt hơn.

Dự kiến Thành phố sẽ có trên 180.000 F0 điều trị tại nhà trong thời gian tới và sẽ có gần 400 trạm y tế lưu động như thế được thành lập.

Bình Dương:  “Khóa chặt 24/24 giờ” 11 địa phương “vùng đỏ đậm đặc” trong 15 ngày

Theo Bình Dương Online, trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tại 2 địa phương “vùng đỏ” TP.Thuận An và TX.Tân Uyên, để tập trung ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới kiểm soát tốt dịch bệnh, ngày 20-8, Thường trực Tỉnh ủy đã có kết luận giao địa phương triển khai thực hiện “khóa chặt, đông cứng” ngay các khu dân cư ở 11 phường đậm đặc về số ca F0.

Theo đó, TP.Thuận An có 4  phường gồm: Bình Chuẩn, Thuận Giao, An Phú, Bình Hòa; TX.Tân Uyên với 7 phường gồm: Uyên Hưng, Hội Nghĩa, Tân Phước Khánh, Thái Hòa, Khánh Bình, Tân Vĩnh Hiệp, Tân Hiệp trong thời gian 15 ngày để thực hiện xét nghiệm sàng lọc nhanh bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.

Thời gian triển khai thực hiện bắt đầu từ ngày 22.8 theo nguyên tắc “khóa chặt 24/24 giờ”, không cho người dân ra khỏi nhà “ai ở đâu ở yên đó”, cách ly tuyệt đối “người cách ly người, nhà cách ly nhà,...”. Trong thời gian thực hiện “khoá chặt, đông cứng” này, chỉ có lực lượng làm nhiệm vụ mới ra đường và tiếp cận với người dân. Thường trực Tỉnh ủy cũng yêu cầu trong 11 phường có “nhà xanh, điểm xanh” thì các địa phương phải có phương án tổ chức khóa chặt những điểm này để bảo vệ an toàn dịch bệnh. 

Ngành y tế sẽ triển khai huy động lực lượng để lấy mẫu trong vòng 5 ngày đối với 11 phường của 2 địa phương theo phương án lấy mẫu quét nhiều lần vào ngày 1, 3, 5. Thống nhất kết quả xét nghiệm ngày 1, 3 sử dụng phương pháp test nhanh kết hợp RT- PCR và kết quả xét nghiệm ngày 5 sử dụng PCR để khẳng định F0. Trong thời gian triển khai, ngành y tế và các địa phương cùng tổ chức phương án đến từng nhà để xét nghiệm và tiêm vắc xin cho người dân đối với 11 phường nêu trên. Cụ thể, các địa phương sẽ triển khai bố trí nhanh phương án trạm y tế di động tại 4 phường của TP.Thuận An và 7 phường của TX.Tân Uyên để đảm bảo việc khám, chữa bệnh, cung cấp thuốc cho người dân trong thời gian thực hiện các quy định.

Năng lực điều trị của Bình Dương đang gặp áp lực rất lớn

Sức khỏe & Đời sống dẫn lời PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội người được Bộ Y tế cử vào Bình Dương hỗ trợ công tác điều trị cho rằng, hệ thống điều trị theo mô hình "tháp 3 tầng" của tỉnh đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, cũng còn vô vàn khó khăn ở trước mắt, không thể chủ quan.

"Năng lực điều trị của Bình Dương đang gặp áp lực rất lớn. Hệ thống y tế Bình Dương đang bị quá tải. Chúng tôi đang nỗ lực tìm mọi giải pháp để người dân được khám, chữa bệnh kịp thời. Các phương án đã, đang được triển khai. Như mở rộng hệ thống bệnh viện dã chiến. Tập trung nhân lực cho điều trị bệnh nhân COVID-19 ở các bệnh viện thuộc tầng 2. Đưa vào sử dụng bệnh viện hồi sức cấp cứu ở tầng 3 – tầng điều trị bệnh nhân nặng và nguy kịch"- PGS Hiếu nói.

Đồng Nai: Đã tiêm gần hết số liều vắc xin được phân bổ

Tại Hội nghị trực tuyến với Trung tâm y tế các huyện, thành phố và các bệnh viên: đa khoa Đồng Nai, đa khoa Thống Nhất chiều 20.8, 
Sở Y tế cho biết tính đến ngày 19-8, toàn tỉnh đã tiêm 425.836/454.250 số liều vắc xin được phân bổ, đạt tỷ lệ 93,7%. Bên cạnh một số đơn vị đẩy mạnh tiêm đạt tỷ lệ 100% số vaccine được phân bổ, đạt và vượt kế hoạch được giao, còn một số đơn vi triển khai chậm như: Trung tâm y tế H.Định Quán, Trung tâm y tế H.Tân Phú…

Sở Y tế cũng cho biết đã triển khai kế hoạch tiêm chủng đợt 6 năm 2021 nhằm tăng độ bao phủ miễn dịch cộng đồng, đảm bảo thời gian tiêm chủng. Số lượng vắc xin phân bổ sử dụng phòng Covid-19 đợt 6 gồm: 250 ngàn liều AstraZeneca và trên 15 ngàn liều Pfizer. Thời gian tiêm trên phạm vi toàn tỉnh từ ngày 21 đến 27.8 (kể cả thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ). Từ ngày 28 đến 31.8 tổ chức tiêm vét cho các đối tượng.



Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
1 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sáng 21.8: Có 690 ca COVID-19 nặng và rất nặng, TP.HCM triển khai 6 trạm y tế lưu động đầu tiên