Cha mẹ còn sống thì chưa biết họ thành tâm đến đâu nhưng khi thấy những động vật bò sát như con rắn, con lươn thì họ lại dễ dàng quỳ lạy một cách rất thành tâm. Sao mà lạ lùng đến thế?
Đời sống tâm linh của một bộ phận người Việt đa dạng và mãnh liệt đến khó tin. Một người có thể vừa kính cẩn nghe kinh, phát lời nguyện ước từ sâu thẳm lòng mình nơi đền, chùa bề thế, vừa thành tâm cầu khấn nơi miếu nhỏ, gốc cây, hòn đá, thậm chí con vật, nhưng cũng sẵn sàng tìm đến một thầy bói nghe đồn nói chuẩn rồi dốc hầu bao làm lễ “giải hạn”, hoặc cô đồng ngất ngây điệu múa phán truyền lời tổ tiên.
Khi âu lo, sợ hãi người ta có xu hướng bấu víu ở các thế lực siêu nhiêu và sự huyền bí của tự nhiên trở thành đức tin ngự trị trong tinh thần người dân. Hoặc, chỉ vì không giải thích được hiện tượng trước mắt, thay vì tìm khoa học, họ… quỳ lạy như một cách cầu an.
Việc một số người dân dựng rạp thắp hương, xì xụp khấn vái rắn nước dạn người hay con cá chép kiệt sức vừa qua là một ví dụ điển hình. Phải đến khi một người dân không chịu nổi, quăng chài kéo lên om dưa thì đám đông mới giải tán (sau khi cố chen để sờ vào cá). Việc này cũng tương tự như vài năm trước, ở Long An có người bắt được con lươn vàng và rất đông người từ các tỉnh kéo đến xem. Có người quá mê tín đã quỳ lạy con lươn rồi múc nước trong bể mang về nhà uống mong trị bệnh vì cho rằng con lươn này sắp “hóa rồng”.
Hay chuyện cặp rắn tại Quảng Bình. Với con mắt của những người nông dân nơi đây, họ dễ dàng nhìn ra đó là cặp rắn nước. Nhưng, cặp rắn rất dạn người, quan trọng là nằm trên mộ một người phụ nữ ăn xin khiến người dân không thể nào lý giải nổi sự trùng hợp. Và, suy đoán khả dĩ nhất của họ lại thiên về tâm linh - bà ăn mày hiển thân qua cặp rắn.
Một đồn mười, mười đồn trăm, hàng nghìn lượt người đã tới khấn vái. Người dân dựng rạp, đặt hòm công đức trong vài ngày đã thu được khoảng 200 triệu đồng. Khi một trong hai con rắn chết đi (rắn nhịn đói tốt, tuy nhiên, trước hàng trăm người túc trực xung quanh, con rắn không thể đi săn mồi, uống nước thì cái chết nhanh chóng cũng đến), người ta lại lấy tro cốt đó tiếp tục thờ. Chính quyền địa phương vận động dỡ rạp, thậm chí cắt điện nhưng bất thành. Lập tức, dân mua nến thắp sáng bừng một góc đường, trừ bóng tối trong tâm trí. Kỳ lạ là khu vực này không phải vùng cao hẻo lánh, mà là nơi smartphone, Internet 4G, mạng xã hội vốn đã phổ cập rộng rãi cho dân.
Tín ngưỡng tôn thờ động vật trên thế giới không hiếm vì nó là dư âm từ hình thức Tô tem giáo thời cuối Công xã thị tộc. Nhưng ngay cả thời Tô tem giáo thì một cộng đồng cũng chỉ coi một hai loài vật là linh thiêng mà thôi. Ví dụ điển hình là Ấn Độ, một quốc gia được xếp “chiếu trên” về kinh tế lẫn khoa học - công nghệ trên thế giới nhưng người dân vẫn ùn ùn tới chiêm bái, khấn nguyện một con bò đột biến 3 mắt, hoặc 6 chân với sự thành kính cao độ. Lý do là trong chiều dài hàng ngàn năm văn hóa Ấn Độ, bò đã trở thành loài vật linh thiêng đến mức được luật pháp bảo vệ (24 trong số 29 bang ở Ấn Độ hiện có quy định khác nhau cấm hoặc giết mổ, mua bán bò).
Trong khi đó, việc thờ những con vật có biểu hiện khác lạ tại Việt Nam là hành động bột phát và rất lạ lùng. Những con vật này vốn không gắn chặt với một đấng linh thiêng nào để người dân phải kiêng cữ, nên thường ngày nếu bắt được thì chúng sẽ sớm lên bàn nhậu. Nghĩa là dân không hề tôn thờ loài động vật này, chỉ vì thấy đông người quỳ lạy thì cũng dễ dàng quỳ lạy theo cho... yên tâm dù hôm trước có thể chính họ đã đi chợ mua cá, mua lươn về ăn.
Hiện nay, dù nhiều hiện tượng vẫn chưa có lời giải, nhưng khoa học đã quan sát được khoảng cách rất xa với nhiều năm ánh sáng, biết được có hàng tỉ thiên hà khác trong vũ trụ và cũng tìm ra những thứ rất nhỏ cấu tạo nên vật chất như quark và electron. Thế giới cũng đang tiến dần đến cuộc cách mạng 4.0… Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn muốn giải thích sự việc, hiện tượng bằng tâm linh hơn là khoa học. Thậm chí, trong số đó có không ít người là quan chức, cán bộ có trình độ học vấn.
Xâu chuỗi lại, những sự việc như trên có nhiều điểm chung với tình trạng mê tín dị đoan nở rộ, việc thực hành tín ngưỡng trở nên lôm côm, phản cảm, ngày càng xa rời gốc văn hóa trong thời gian gần đây. Có người đốt vài ô tô vàng mã, hàng trăm ngựa giấy, hình nhân thế mạng để tạ lễ và cầu an; hàng nghìn người chen kín đường dâng sao giải hạn; nhét tiền lẻ vào tượng Phật mong được phù hộ, ban tài lộc…
Đáng ra những cơ sở tâm linh là nơi người dân tìm sự thanh thản, an yên để tăng thêm sức mạnh tinh thần, đồng thời tưởng nhớ tiền nhân. Nhưng thực tế lại hóa thành nơi để không ít người gửi gắm tham vọng cầu danh lợi một cách không thể hiểu nổi. Và những hành động phản cảm trước chốn tâm linh, rồi dễ dàng quỳ lạy, xì xụp khấn vái trước những con vật tình cờ bắt gặp như rắn, lươn, cá chép bị chích điện thể hiện điều gì?
Mê muội!
Bùi Trí Lâm