Một số siêu thị ở Anh đã dừng bán thanh long Việt Nam mà chuyển sang bán thanh long Tây Ban Nha hoặc Campuchia.

Siêu thị tại Anh dừng bán thanh long Việt Nam

Tuyết Nhung | 03/09/2023, 19:00

Một số siêu thị ở Anh đã dừng bán thanh long Việt Nam mà chuyển sang bán thanh long Tây Ban Nha hoặc Campuchia.

Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Anh, theo thông báo ngày 11.7.2023 từ Cục Tiêu chuẩn thực phẩm Anh (FSA) và Cục Tiêu chuẩn thực phẩm Scotland (FSS), căn cứ vào các bằng chứng thực tế và phương pháp phân tích khoa học, trái thanh long Việt Nam có dư lượng thuốc trừ sâu, tiềm ẩn rủi ro cao cho sức khỏe người tiêu dùng.

Vì thế, FSA và FSS đã tham vấn công khai trong 6 tuần trước khi báo cáo các bộ trưởng, kèm theo đề xuất kiến nghị về việc sửa đổi quy định pháp lý liên quan đến việc kiểm định trái thanh long Việt Nam.

thanh-long.jpg
Việt Nam có diện tích và sản lượng thanh long lớn nhất châu Á và là nước xuất khẩu thanh long lớn nhất thế giới - Ảnh: TN

FSA và FSS dự kiến đề xuất đưa trái thanh long Việt Nam từ Phụ lục II (sản phẩm phải được xét nghiệm và được cấp giấy chứng nhận an toàn tại Việt Nam trước khi xuất khẩu) sang Phụ lục I (sản phẩm phải được xác minh và tái kiểm thực tế 50% tại cảng đến trước khi được phép lưu thông trên thị trường).

Nếu được các bộ trưởng chấp nhận, một quy định pháp lý sửa đổi như vậy sẽ được ban hành và có khả năng thực thi từ đầu năm 2024 tại Anh, Xứ Wales và Scotland. Riêng vùng Bắc Ailen vẫn sẽ áp dụng quy định nhất quán liên quan của EU. Một số siêu thị như Waitrose, Whole Food đã dừng bán thanh long Việt Nam và chuyển sang bán thanh long Tây Ban Nha hoặc Campuchia.

Thương vụ Việt Nam tại Anh cũng cho biết thêm, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đã và đang gặp nhiều trở ngại. Trong đó, nhu cầu thị trường giảm do lạm phát cao và người dân thắt chặt chi tiêu, biến động tỷ giá USD/GBP khiến rủi ro tài chính đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tăng.

Cùng với đó là yêu cầu chất lượng cao, giá cả cạnh tranh, quy định sử dụng nhãn UKCA thay cho CE đối với sản phẩm công nghiệp, dự luật về chống mất rừng và suy thoái rừng sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu các sản phẩm gỗ, cà phê, cao su, dầu thực vật, đậu tương.

Hơn nữa, xu hướng sản phẩm cho người ăn kiêng phổ biến hơn như ăn chay thuần (vegan), kiêng gluten (người dị ứng gluten), kiêng đường (người bị tiểu đường) khiến cho việc sản xuất và cung ứng thực phẩm nông sản cần chuyên biệt và phức tạp hơn.

Để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang Anh, thời gian tới, Thương vụ Việt Nam tại Anh cho biết sẽ thực hiện nhiều hoạt động. Trong đó, tăng cường mạng lưới với cộng đồng doanh nghiệp Anh và doanh nghiệp Việt Nam tại Anh để kết nối giới thiệu đối tác cho doanh nghiệp Việt Nam; cung cấp cho doanh nghiệp Việt Nam những thông tin cập nhật về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, các quy định nhập khẩu vào Vương quốc Anh.

Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, 7 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 3,95 tỉ USD, tăng nhẹ 0,5% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Việt Nam thặng dư thương mại hơn 3,03 tỉ USD.

7 tháng qua, giá trị xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Anh đạt hơn 3,49 tỉ USD, giảm nhẹ 0,1% so cùng kỳ năm 2022. Mức sụt giảm này rất thấp so với mức sụt giảm kim ngạch xuất khẩu trung bình (giảm 6,9%) của Việt Nam sang các nước châu Âu trong 7 tháng đầu năm 2023 và mức giảm 10,1% ra toàn thế giới.

Việt Nam có diện tích và sản lượng thanh long lớn nhất châu Á và là nước xuất khẩu thanh long lớn nhất thế giới. Giá trị xuất khẩu thanh long của Việt Nam cũng tăng liên tục, từ hơn 57 triệu USD năm 2010, tăng lên hơn 483 triệu USD vào năm 2015 và đạt 1,34 tỉ USD năm 2020, cao hơn cả một số mặt hàng nông sản xuất khẩu truyền thống của Việt Nam như chè, hồ tiêu...

Tuy nhiên, tình trạng dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật trong các lô hàng xuất khẩu, không tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật... gây thiệt hại lớn cho nông sản Việt Nam.

Trước đó, ông Huỳnh Tấn Đạt - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cũng cho biết cục liên tục nhận được thông báo của nước nhập khẩu liên quan đến việc nhiều loại nông sản không tuân thủ các yêu cầu về kiểm dịch thực vật gồm các sản phẩm chuối, xoài, sầu riêng, mít, thanh long, nhãn... xuất khẩu. Các thông báo này cũng yêu cầu Việt Nam phải có biện pháp kiểm soát chặt chẽ các đối tượng kiểm dịch thực vật và dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật tồn dư trong nông sản xuất khẩu.

"Nhiều ý kiến lo ngại về tình trạng dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật tồn dư trong các lô hàng xuất khẩu, không tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn vệ sinh nông sản có nguồn gốc thực vật khi xuất khẩu, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và ảnh hưởng đến uy tín của nông sản Việt", ông Đạt nhấn mạnh.

Bài liên quan
Xuất khẩu nông sản ĐBSCL - Bài 1: Niềm vui và nỗi lo với thanh long xuất khẩu
Ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An cho biết hiện nay giá thanh long xuất khẩu đã tăng rất mạnh so với hai năm trước. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui đó, người trồng thanh long còn nhiều nỗi lo.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Siêu thị tại Anh dừng bán thanh long Việt Nam