Trên thực tế, cơm gà là món ăn chính của Singapore, nhưng đảo quốc sư tử đang phải đối mặt với việc thiếu món ăn này, do nguồn cung ứng chính Malaysia đã ngưng xuất khẩu toàn bộ gà kể từ ngày 1.6.

Singapore thiếu cơm gà vì Malaysia cấm xuất khẩu gà

Bảo Vĩnh | 04/06/2022, 17:59

Trên thực tế, cơm gà là món ăn chính của Singapore, nhưng đảo quốc sư tử đang phải đối mặt với việc thiếu món ăn này, do nguồn cung ứng chính Malaysia đã ngưng xuất khẩu toàn bộ gà kể từ ngày 1.6.

Việc Malaysia cấm xuất khẩu gà là dấu hiệu mới nhất của tình trạng toàn thế giới thiếu nguồn cung lương thực do các quốc gia bị ảnh hưởng từ chuyện Nga đánh chiếm Ukraine, thời tiết cực đoan, sự gián đoạn nguồn cung do dịch bệnh nên phải lo cung ứng cho người dân trong nước cũng như để tránh lạm phát giá lương thực. Các loại lương thực cơ bản tăng giá đã gây ra những cuộc biểu tình phản đối ở các nước như Hy Lạp, Argentina, Iran và Indonesia.

ok-chicken-fights-covid-1-1024x538(1).jpg
Một tiệm cơm gà nổi tiếng ở Singapore - Ảnh: mustvisit.org

Theo hãng tin Reuters, các nhà hàng ăn và tiệm cơm bình dân ở Singapore phải đứng trước lựa chọn tăng giá bán cơm gà hoặc dẹp tiệm, khi hụt hẳn nguồn cung gà từ láng giềng Malaysia, nơi mà sản lượng thịt bị giảm từ chính sự thiếu hụt cấp toàn cầu.

Daniel Tan, chủ 7 tiệm cơm gà OK Chicken Rice, nói lệnh cấm của Malaysia sẽ “gây hậu quả thảm khốc” cho các người buôn bán như ông: “Lệnh cấm này có nghĩa chúng tôi không còn có thể kinh doanh nữa. Giống như McDonald's mà không có món bánh mì kẹp thịt burger vậy”.

Tan cho biết các tiệm cơm của ông chủ yếu lấy nguồn gà sống từ Malaysia, nhưng các tiệm sẽ phải chuyển qua dùng gà đông lạnh trong tuần này và dự kiến doanh số bán sẽ tụt giảm mạnh vì khách ăn sẽ phản ứng với sự thay đổi chất lượng của cơm gà, món ăn ưa thích của 5,5 triệu dân Singapore và món này thường bán giá 2,92 USD/đĩa (4 đô-la Singapore) ở các trung tâm ẩm thực (hawker centres, tức là khu tập hợp các tiệm ăn đường phố).

Dù thuộc nhóm quốc gia giàu nhất châu Á, Singapore có diện tích 730km2 nhưng đã đô thị hóa mạnh, nên buộc phải nhập khẩu lương thực, năng lượng cùng các sản phẩm khác. Hầu như toàn bộ gà của Singapore là nhập khẩu: 34% từ Malaysia, 49% từ Brazil và từ Mỹ, theo dữ liệu của Cục Lương thực Singapore (SFA).

SFA nói có thể bổ sung sự thiếu hụt bằng gà đông lạnh nhập từ Brazil, và kêu gọi người tiêu dùng chọn các loại thức ăn có protein khác, ví dụ cá.

Malaysia cũng đối mặt với sự tăng giá, đã quyết định ngưng xuất khẩu gà cho đến khi nào ổn định được sản lượng trong nước và chi phí. Giá đã tăng từ tháng 2 ở mức 8,90 ringit (tiền Malaysia, tương đương 2,03 USD) mỗi con gà, và chính quyền nước này đã lập chương trình trợ giá 729,43 triệu ringit (166 triệu USD) cho các nông dân nuôi gà.

Gà thường được nuôi bằng lúa và đậu nành mà Malaysia nhập khẩu. Thế nhưng chính phủ Malaysia đã tính đến các giải pháp thay thế vào lúc thế giới thiếu nguồn lương thực.

Theo một nhà nông nuôi gà Malaysia, chất lượng nuôi dưỡng thấp khiến gà không lớn nhanh như mọi khi, và làm chậm toàn bộ dây chuyền cung ứng. Trước đây, trại gà của ông có thể thu hoạch 7 lứa/năm với khoảng 45.000 con gà/vụ. Năm nay thì ông chỉ hy vọng đạt 5 lứa.

Ông còn nói lệnh cấm của chính phủ Malaysia chỉ khiến mọi thứ tệ hơn cho nhà nông nuôi gà: “Tôi không biết liệu ngành chăn nuôi gà có thể giúp tôi trụ vững trong 5 hoặc 10 năm tới hay không”, và nói thêm rằng ông sẽ đổ nợ khi phải duy trì chi phí: “Có lẽ tôi phải đi làm nhân viên bán xăng hay việc làm gì đó đỡ nhức đầu hơn là điều hành một trại gà”.

Ngày 2.6, Bộ trưởng Y tế Khairy Jamaluddin của Malaysia nói với báo The Straits Times rằng ông lạc quan với khả năng Malaysia sẽ có thể hạ giá gà trong nước và sớm nối lại việc xuất khẩu gà sang Singapore, và lệnh cấm sẽ không kéo dài nhiều tháng.

Theo TST, lệnh cấm xuất khẩu 3,6 triệu con gà được Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob tuyên bố nhằm ổn định nguồn cung ứng trong nước sau khi giá tăng cao. Malaysia áp giá trần 8,90 ringit trên mỗi kg thịt gà, nhưng giá đã tăng lên 13 ringit/kg ở vài nơi. Giá trần này sẽ kết thúc vào cuối tháng 6.

Theo Bộ trưởng Thương mại - Tiêu dùng Alexander Nanta Linggi của Malaysia, nước này sẽ ngưng kiểm soát giá bán thịt gà và trứng từ tháng 7 và sẽ để các thành phần tham gia thị trường quyết định giá bán, một động thái được kỳ vọng kích cầu cung ứng và có thể dẫn đến việc kết thúc lệnh cấm xuất khẩu gà.

Ông cho biết giải pháp này phù hợp với kế hoạch tái bố trí chương trình trợ giá thịt gà từ nhà nông nuôi gà sang người dân, nhất là cho các gia đình có thu nhập thấp, để họ có thể đối phó với tình trạng giá lương thực - thực phẩm tăng, đặc biệt là thịt gà. Người có thu nhập thấp chiếm 40 % trong tổng số người có nguồn thu nhập của Malaysia.

Chính phủ Malaysia cũng kỳ vọng việc để mở hoạt động nhập khẩu (hủy cấp giấy phép) sẽ cho phép thịt gà lại tràn thị trường, từ đó kéo giảm sức ép tăng giá bán và cân bằng nguồn cung-cầu.

Bài liên quan
Chủ nghĩa bảo hộ lương thực ảnh hưởng đến châu Á như thế nào?
Khi nhiều nước xuất khẩu lớn trên thế giới đưa ra các hạn chế xuất khẩu để hạ nhiệt giá cả trong nước, giá lương thực tại châu Á tăng vọt.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điểm mới của lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7
một giờ trước Văn hóa
Ngày 22.11, Ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 tổ chức họp báo thông tin về lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 29.11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Singapore thiếu cơm gà vì Malaysia cấm xuất khẩu gà