Khi nhiều nước xuất khẩu lớn trên thế giới đưa ra các hạn chế xuất khẩu để hạ nhiệt giá cả trong nước, giá lương thực tại châu Á tăng vọt.

Chủ nghĩa bảo hộ lương thực ảnh hưởng đến châu Á như thế nào?

Đan Thuỳ | 04/06/2022, 11:46

Khi nhiều nước xuất khẩu lớn trên thế giới đưa ra các hạn chế xuất khẩu để hạ nhiệt giá cả trong nước, giá lương thực tại châu Á tăng vọt.

Châu Á đã bị ảnh hưởng bởi làn sóng chủ nghĩa bảo hộ trong những tháng gần đây khi nhiều nước ban hành các hạn chế xuất khẩu lương thực, nhất là những mặt hàng như dầu cọ, lúa mì, đường, thịt gà...

Điều này khiến giá thực phẩm vốn đã bị thổi phồng càng tăng vọt, chẳng hạn giá thực phẩm tại Singapore trong tháng 4 tăng chưa từng thấy kể từ tháng 3.2009. Tại Malaysia, thịt gà cũng đang thành món ăn xa xỉ trong bữa cơm hằng ngày bởi giá quá cao. 

Song các quốc gia áp dụng lệnh kiểm soát xuất khẩu nói rằng các hạn chế là cần thiết để bảo vệ nguồn cung cho người dân trong nước họ.

Ngày 23.5, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob cho biết ưu tiên của chính phủ là người dân khi ông tuyên bố ngừng xuất khẩu 3,6 triệu con gà mỗi tháng của nước này sang nước láng giềng Singapore.

Malaysia đang đối mặt với tình trạng thiếu gà sau khi nông dân cắt giảm số lượng gia cầm họ nuôi do giá thức ăn cho gà ngày càng tăng cao. 

anh-chup-man-hinh-2022-06-04-luc-10.48.37.png
Những con gà mới mổ tại một khu chợ ở Kuala Lumpur (Malaysia) - Ảnh: AP

Indonesia - nhà sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới, xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ trị giá 15 tỉ USD vào năm 2020 cũng đã ngừng xuất khẩu dầu cọ kể từ ngày 28.4 nhằm đảm bảo nguồn cung mặt hàng này trong bối cảnh thiếu hụt dầu ăn trong nước. Lệnh cấm hiện đã được dỡ bỏ nhưng vẫn có những kiểm soát về lượng dầu cọ được xuất khẩu.

Sau đợt nắng nóng làm giảm năng suất cây trồng, Ấn Độ ngày 14.5 đã cấm xuất khẩu lúa mì. Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại lệnh cấm của quốc gia sản xuất lúa mì đứng thứ nhì thế giới sẽ sớm đẩy giá lương thực toàn cầu lên mức đỉnh mới, bởi ngoài nước này thì hiện không có nhà cung cấp lớn nào khác trên thị trường. 

Hai tuần sau đó, Ấn Độ cho biết nước này cũng sẽ hạn chế xuất khẩu đường ở mức 10 triệu tấn cho năm xuất khẩu hiện tại (kéo dài đến tháng 9). Mục đích là đảm bảo đủ dự trữ trước khi vụ đường tiếp theo bắt đầu vào tháng 10. 

anh-chup-man-hinh-2022-06-04-luc-10.48.24.png
Một người bán hàng đóng gói đường ở Mumbai (Ấn Độ) - Ảnh: AP

Các chuyên gia cho rằng giá lương thực là một vấn đề kinh tế và chính trị quan trọng đối với các chính phủ, do đó họ đã đã chuyển sang chủ nghĩa bảo hộ.

Bà Sonia Akter, người nghiên cứu chính sách nông nghiệp và lương thực tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu của Đại học Quốc gia Singapore cho biết: "Việc tăng giá thực phẩm và chi phí sinh hoạt nói chung đóng một vai trò rất quan trọng trong chính trị trong nước". 

Paul Teng, chuyên gia về an ninh lương thực của Trung tâm Nghiên cứu an ninh phi truyền thống tại Đại học Công nghệ Nanyang (Malaysia) cho biết việc tăng giá có thể khiến hàng triệu người vốn đã có thu nhập thấp bất bình, dẫn đến bất tuân dân sự.

Rakesh Agarwal, một đối tác tại KPMG ở Singapore, người theo dõi các hoạt động của chuỗi cung ứng, cho biết việc hạn chế hàng loạt có thể gây ra nhiều chủ nghĩa bảo hộ hơn trên toàn cầu khi các quốc gia đưa ra lệnh cấm xuất khẩu, những quốc gia khác có xu hướng làm theo. 

Agarwal chỉ ra báo cáo của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) rằng hơn 20 quốc gia đã đình chỉ xuất khẩu lương thực do giá lương thực tăng cao và gia tăng lo ngại về nguồn cung hạn chế.

"Những lo ngại này tồn tại trước khi cuộc chiến tranh Nga - Ukraine bùng phát, khi nhiều quốc gia ngừng xuất khẩu thịt từ năm ngoái để quản lý lạm phát trong nước. Nhưng với việc ngày càng nhiều quốc gia thực hiện các chính sách bảo hộ của riêng mình, làn sóng mới này có khả năng gây ra những hậu quả toàn cầu", Agarwal nói. 

Hữu ích hay không?

Trong khi các chính phủ tìm kiếm chủ nghĩa bảo hộ để xoa dịu người dân của họ, thì vẫn chưa rõ liệu điều này có thực sự mang lại lợi ích cho người dân của chính họ hay không.

Bà Akter cho biết những lệnh cấm như vậy không hiệu quả lắm trong việc giữ giá lương thực trong nước thấp hơn giá lương thực quốc tế. Bà nói khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo vào năm 2007 và 2008, giá gạo nội địa đã tăng lên.

Điều tương tự đang diễn ra ở Malaysia lúc này. Bất chấp việc chính phủ đặt giới hạn giá thịt gà ở mức 8,90 ringgit (tương đương 2,03 USD)/kg, song giá thịt gà vẫn đang cao gấp đôi mức giá trần. Tuy nhiên, người bán cho biết họ hầu như không đạt được chút lợi nhuận nào vì giá vốn của thịt gà cũng đã cao.

anh-chup-man-hinh-2022-06-04-luc-10.48.31.png
Lúa mì tại một chợ bán buôn ở New Delhi (Ấn Độ) - Ảnh: Bloomberg

Tại Indonesia, lệnh cấm dầu cọ kéo dài 3 tuần đã vô tình làm ảnh hưởng đến người nông dân.

Ông Manseutus Darto, người đứng đầu Hiệp hội Nông dân trồng cọ Indonesia có trụ sở tại Tây Java (Indonesia), nói rằng lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ đã khiến giá cành trái cây tươi giảm xuống. Các nhà máy sử dụng cành trái cây tươi để sản xuất dầu cọ cũng từ chối thu mua từ nông dân hoặc hạn chế số lượng thu nhận.

Mặc dù lệnh cấm hiện đã được dỡ bỏ, theo Darto,  dữ liệu do công đoàn thu thập cho thấy giá cành trái cây tươi chỉ tăng chút đỉnh.

anh-chup-man-hinh-2022-06-04-luc-10.48.45.png
Anh Albertus Wawan, nông dân trồng cọ ở Indonesia - Ảnh: Handout

Tại Ấn Độ, trong khi các đại diện ngành đường cho biết họ đồng ý với quyết định giới hạn lượng đường xuất khẩu, thì một giám đốc điều hành cấp cao của một nhà máy đường ở Uttar Pradesh (Ấn Độ) lại nói điều này ảnh hưởng xấu đến nông dân.

"Sự thật là mức giá cao hơn mà đường của chúng tôi hiện đang bán đã cải thiện tình hình tài chính của nhiều nhà máy đường đang gặp khó khăn và điều này cho phép chúng tôi cung cấp tốt hơn và thanh toán nhanh hơn cho nông dân trồng mía. Song sự ảnh hưởng của việc xuất khẩu đường bị hạn chế đã được nhìn thấy rõ trên bảng cân đối kế toán của chúng tôi cũng như trong khoản thanh toán mà chúng tôi trả cho nông dân trong vụ mùa sắp tới", ông nói. 

Song cũng có những người hoạt động trong ngành mía đường cho biết quyết định này cũng được kỳ vọng sẽ giúp ổn định và kiểm soát giá đường vào thời điểm lạm phát bán lẻ của Ấn Độ ở mức cao nhất trong 8 năm là 7,79%. 

Adhir Jha, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Mía đường Ấn Độ cho biết: "Nếu xuất khẩu không bị hạn chế, sẽ xảy ra tình trạng thiếu đường trong nước, có thể dẫn đến tăng giá cũng như mất an ninh lương thực". 

Tác động đến khu vực châu Á

Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Indonesia cho biết giá thực phẩm và hàng hóa đã tăng trên toàn cầu kể từ năm 2021 sau đại dịch, khi sự phục hồi kinh tế toàn cầu làm tăng tổng cầu nhanh chóng và điều này càng trở nên tồi tệ hơn do cuộc chiến tranh ở Ukraine.

Nhóm nghiên cứu cho biết: "Cuộc chiến tranh ấy có thể cản trở việc sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng như lúa mì, ngô, đậu nành và những thứ khác, do đó gây ra gián đoạn và thiếu hụt nguồn cung trên thị trường toàn cầu. Tình trạng này càng trở nên trầm trọng hơn do chính sách của một số quốc gia cấm xuất khẩu, đặc biệt là thực phẩm, để duy trì nguồn cung nội địa của họ". 

Bà Katrina Ell, nhà kinh tế APAC cấp cao tại Moody's Analytics, cho biết hiện nay "lạm phát tăng vọt" trong khu vực.

Theo Cục Thống kê Indonesia, tỷ lệ lạm phát hằng tháng ở nước này đạt 0,95% vào tháng 4.2022, tăng từ 0,66% vào tháng 5 và 0,3% vào tháng 4.2021.

Tại Singapore, tỷ lệ lạm phát cơ bản đã tăng lên 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngân hàng trung ương ước tính có thể đạt đỉnh 4% trong quý 3 năm nay. 

"Tình trạng này khiến cho nhiều hộ gia đình có thu nhập thấp gặp nhiều khó khăn", bà Ell chia sẻ. 

Các hộ gia đình Singapore chi trung bình chỉ 10% thu nhập của họ cho thực phẩm. Ở các khu vực khác của châu Á như Philippines, con số này đạt gần 40%.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ nghĩa bảo hộ lương thực ảnh hưởng đến châu Á như thế nào?