Đã 100 ngày trôi qua kể từ khi Nga tổ chức chiến dịch quân sự tại Ukraine. Lúc này, Phương Tây đang bị chia phe trong chủ trương đối phó với Nga.
RFI ghi nhận sau những tuần lễ đầu tiên đồng lòng trợ giúp Ukraine chống trả quân Nga, các nước châu Âu bắt đầu quay trở về với những xu hướng truyền thống của họ, khiến châu lục này bây giờ giống như bị chia cắt thành hai khối.
Trước hết là phe chủ hòa đứng đầu toàn là các nước đầu tàu trong khối EU như Pháp, Đức và Ý (Anh đã Brexit), muốn Nga và Ukraine chấm dứt giao tranh và tiến hành đàm phán nhanh nhất có thể được.
RFI dẫn phân tích của Le Figaro thiên tả cho biết nước Đức còn muốn hai bên ký hiệp định ngưng bắn, để tình hình có thể dần dần trở lại như trước.
Về phần Pháp, dù tiếp tục viện trợ vũ khí Ukraine nhưng vừa cố thuyết phục tổng thống Volodymyr Zelynsky suy nghĩ đến khả năng ngừng bắn và đàm phán với Nga. Pháp cho rằng không nên làm mất mặt tổng thống Vladimir Putin, bởi vì trước sau Nga vẫn là một nước láng giềng và sau này châu Âu phải tập chung sống trở lại với người khổng lồ phương đông. Đặc biệt, trong mắt Paris, Nga vẫn là một cường quốc không thể thiếu được trong cấu trúc an ninh tương lai của châu Âu.
Dù có chân trong G7, Ý có tiếng nói yếu hơn Đức và Pháp. Nhưng Roma lại hành động cụ thể hơn khi đã đề nghị một kế hoạch hòa bình cho Ukraine nhưng kế hoạch hòa bình của Ý cũng đã bị Nga bác bỏ.
Ngoài 3 nước trên thì một số nước khác không thể hiện thái độ bài Nga cũng được xem là chủ hòa như Bỉ, Hy Lạp hay Áo. Cảm nhận chung của các nước tỏ ra kín tiếng này là họ ý thức được một cuộc chiến tranh lâu dài sẽ gây ra những tác hại kinh tế ngày càng khó khăn.
Phe chủ chiến thì gồm có nước nào? Báo Pháp đánh giá là các nước Đông Âu, ngoại trừ Hungary và bán đảo Scandinavi. Phe này chủ trương “đánh cho đến thắng” mới thôi và mạnh miệng nhất là Ba Lan và các nước vùng Baltic. Mới đây, nhóm này có thêm Anh tham gia khi cho rằng Nga phải bị đánh bại bằng quân sự và đẩy quân khỏi Ukraine để khôi phục nguyên trạng trước năm 2014.
Theo Figaro, các nước Trung và Đông Âu cũng cho rằng những biện pháp trừng phạt của phương Tây bắt đầu mang lại hiệu quả và cần tăng cường các trừng phạt này. Theo cái nhìn của họ, nhượng bộ Putin còn nguy hiểm hơn là chống lại và khiêu khích tổng thống Nga.
Mỹ đứng ở đâu giữa hai phe? Phe chủ chiến coi Mỹ là ngọn cờ đầu nhưng ngay cả tại chính nước Mỹ, Tổng thống Joe Biden dù giữ đường lối cứng rắn đối với Nga nhưng cũng không dám mạo hiểm chủ chiến mạnh mẽ khi từ chối cung cấp cho Ukraine vũ khí tầm xa có sức phóng sang Nga. Thậm chí theo Le Figaro, đã bắt đầu có những tiếng nói ngả theo “phe chủ hòa”. Đó là trường hợp của cựu ngoại trưởng Henry Kissinger - người đã thẳng thắn kêu gọi Ukraine nên có “những nhân nhượng lãnh thổ” đối với Nga , để có thể tính đến chuyện chấm dứt chiến tranh, tái lập hòa bình. Tại Diễn Đàn Kinh Tế Davos vừa qua, nhà ngoại giao kỳ cựu 99 tuổi đã kêu gọi Kyiv chấp nhận nguyên trạng, tức là bỏ qua việc Moscow sát nhập bán đảo Crimea và các khu vực Donbas ở miền đông vào năm 2014.
Và không chỉ có Kissinger, mà ngay chính bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin, dù tuyên bố là phải giúp Ukraine “chiến thắng” và “làm suy yếu” nước Nga, nhưng theo ông cũng phải cần đi đến “một cuộc ngừng bắn ngay lập tức”.
Theo nhận định của Le Figaro, điện Kremlin sẽ lại khai thác sự chia rẽ của các nước phương Tây. Moscow sẽ chờ dòng viện trợ của phương Tây cho Ukraine rồi sẽ suy giảm, bởi vì những hậu quả kinh tế của các biện pháp trừng phạt nước Nga. Đặc biệt là tác động khiến vật giá leo thang sẽ khiến dư luận trong nước mệt mỏi với cuộc chiến. Khi đó thì phe chủ hòa sẽ càng rơi vào thế phải ép Ukraine phải nhượng bộ còn phe chủ chiến sẽ phải hạ bớt tông.