Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay tuy số ca bệnh nhiều nhưng qua phân tích dịch tễ của các chuyên gia, tựu chung lại chỉ có 4 nguồn chính.

Số ca bệnh COVID-19 ở nước ta nhiều nhưng chỉ có 4 nguồn chính

Lam Thanh | 11/05/2021, 10:44

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay tuy số ca bệnh nhiều nhưng qua phân tích dịch tễ của các chuyên gia, tựu chung lại chỉ có 4 nguồn chính.

4 nguồn lây chính

Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết đến thời điểm hiện tại, cơ bản chúng ta vẫn đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Đại đa số các ca bệnh đều xác định được nguồn lây.

so-ho.jpg
Cơ bản đã kiểm soát được các ổ dịch

“Số ca bệnh ghi nhận trong những ngày qua đều là các trường hợp F1, đã được khoanh vùng, cách ly, lấy mẫu từ những ngày trước đó. Nên khả năng lây ra cộng đồng thấp. Do chúng ta truy vết thần tốc, số F1 đông, nhưng năng lực xét nghiệm của địa phương có dịch chưa theo kịp dẫn đến công bố kết quả xét nghiệm chậm”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên lý giải việc số ca phát hiện trong những ngày qua rất cao và khẳng định: Các ổ dịch hiện tại cơ bản đã được kiểm soát.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay tuy số ca bệnh nhiều nhưng qua phân tích dịch tễ của các chuyên gia, tựu chung lại chỉ có 4 nguồn chính:

Thứ nhất là nguồn lây từ TP. Đà Nẵng. Nguồn này phân ra 2 nhánh. Nhánh 1 là ca bệnh từ khu cách ly tập trung rồi về tỉnh Hà Nam lây ra cộng đồng; nhánh 2 là lây từ một quán bar và một cơ sở thẩm mỹ, làm đẹp lan ra nhiều tỉnh nhưng cơ bản đến nay các địa phương đã khoanh hết được F1, cơ bản chúng ta kiểm soát được nguồn lây này.

Nguồn thứ hai từ khu cách ly ở Yên Bái, lây nhiễm chéo trong các chuyên gia Ấn Độ, Trung Quốc rồi lan xuống Vĩnh Phúc và một số tỉnh. Các địa phương cũng lấy tất cả mẫu F1, lấy được nhiều mẫu F2, đang xét nghiệm được khoảng 2/3. Dự kiến tới đây mỗi ngày sẽ có thêm một số ca thuộc nguồn này, nhưng về cơ bản chúng ta đã kiểm soát được.

Nguồn thứ ba từ Hải Dương do 1 người nhập cảnh trái phép từ Lào về. Nguồn lây này đang được kiểm soát, theo dõi chặt chẽ.

Nguồn thứ tư, đang nóng nhất, là từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương 2 lan ra rất nhiều tỉnh; lây sang Bệnh viện K rồi tiếp tục lan ra nhiều địa phương. Đến giờ phút này, chùm ca bệnh thông qua Bệnh viện K đã cơ bản được kiểm soát.

Theo thông tin từ Bộ Y tế cũng như các tỉnh như Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc… việc phát hiện, truy vết, lấy mẫu, khoanh vùng đang được triển khai rất nhanh, dự kiến sẽ ghi nhận thêm một số ca nhưng trong khoảng 3 đến 5 ngày tới dự kiến cơ bản kiểm soát được tình hình.

Có thể còn nguồn dịch trong cộng đồng chưa được phát hiện
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế và các bộ ngành, địa phương tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch nhanh chóng, quyết liệt, hiệu quả như những ngày qua, tiếp tục đề cao cảnh giác vì ngoài 4 nguồn dịch trên, vẫn có thể còn nguồn dịch trong cộng đồng mà chúng ta chưa phát hiện được.

Người dân phải tuyệt đối tuân thủ thông điệp 5K, nhất là khẩu trang. Các địa phương phải xử phạt nghiêm những người không đeo khẩu trang ra nơi công cộng; chủ động nâng cao năng lực xét nghiệm. Đặc biệt, chúng ta phải kiên trì nguyên tắc chống dịch mà thực tiễn đã chứng minh chúng ta đã thành công trong những đợt chống dịch trước đây.

Phó thủ tướng Lê Văn Thành nêu thực tế, các địa phương rất khó khăn về cơ chế tài chính khi mua sắm, bảo đảm máy móc, trang thiết bị, vật tư y tế,… phục vụ công tác phòng chống dịch. Tinh thần của chúng ta là “chống dịch như chống giặc” nên việc mua sắm phải theo “cơ chế thời chiến”.

Đồng thời, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị phải triển khai việc xét nghiệm sàng lọc tại những khu vực có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao, nhất là trong các khu công nghiệp, bệnh viện,…

Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng, việc bùng phát ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung là do chúng ta sơ hở, tuy nhiên tình hình dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát. Trong thời gian tới, chúng ta phải tập trung lực lượng, phương tiện cho tuyến biên giới, kiểm soát chặt biên giới, đường mòn, lối mở, các khu cách ly ven biên.

Bên cạnh việc nâng cao năng lực xét nghiệm, cũng phải nâng cao năng lực điều trị cho địa phương. Bảo đảm vật tư, máy móc trang thiết bị y tế như: Máy thở, oxy, máy xét nghiệm, ECMO, thuốc men,… theo phương châm “4 tại chỗ”.

Lực lượng tuyến đầu vất vả nhưng vẫn còn sơ hở

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, nếu chúng ta không tiếp tục có những giải pháp thần tốc, quyết liệt, mạnh mẽ, nếu vẫn còn tình trạng lơ là, chủ quan, mất cảnh giác hay trông chờ, ỷ lại thì chúng ta sẽ phải gánh hậu quả khôn lường, trả giá rất đắt.

Do đó, Thủ tướng nhắc lại yêu cầu cần khắc phục ngay cả hai khuynh hướng: Chủ quan, lơ là, mất cảnh giác khi không có dịch trong cộng đồng; hoang mang, dao động, hoảng hốt, mất bình tĩnh khi dịch bùng phát.

Thủ tướng đánh giá các bộ, cơ quan đã phối hợp tích cực, chặt chẽ, hiệu quả, nhưng vẫn có những nơi những lúc còn sơ hở, thiếu phối hợp. Thời gian tới, việc phối hợp phải cụ thể hơn, chặt chẽ hơn, tích cực hơn.

Theo Thủ tướng, các lực lượng tuyến đầu làm việc trách nhiệm, vất vả, nhưng vẫn còn có sơ hở. Thủ tướng lưu ý Bộ Y tế về việc vừa qua một số bệnh viện đã lơ là, mất cảnh giác trong phòng chống dịch.

“Chúng ta làm việc ngày đêm vất vả, làm trăm việc tốt nhưng chỉ một việc không tốt cũng để xảy ra hậu quả. Ngành y tế phải rút kinh nghiệm, siết chặt kỷ luật kỷ cương trong ngành, thực hiện đúng quy định, quy trình, trước hết là thực hiện 5K”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng lưu ý các lực lượng công an, quân đội, biên phòng đã căng mình thực hiện nhiệm vụ, nhưng vẫn cần rà soát lại các điểm sơ hở trong việc kiểm soát biên giới, phát hiện, xử lý các trường hợp xuất nhập cảnh trái phép, cư trú bất hợp pháp.

“Rất nhiều người có trách nhiệm, rất nhiều cơ quan có trách nhiệm nhưng chỉ một cơ quan, một vài người thiếu trách nhiệm thì người ta phê bình cả lực lượng”, Thủ tướng vừa nhắc nhở, vừa chia sẻ với các lực lượng chống dịch và cho biết, sắp tới phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các trường hợp sơ hở, để xảy ra hậu quả.

Với các địa phương, Thủ tướng yêu cầu chấm dứt ngay tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác khi chưa có dịch, khi dịch xuất hiện thì lại hốt hoảng, mất bình tĩnh, áp dụng các biện pháp cực đoan, thái quá.

Nhấn mạnh tinh thần phải phân cấp, Thủ tướng yêu cầu: “Tỉnh lo cho tỉnh, huyện lo huyện, xã lo xã, thôn lo cho thôn và từng người phải tự lo cho chính mình vì sức khỏe cộng đồng, vì lợi ích quốc gia, dân tộc”. Đồng thời, phải tăng cường kiểm tra giám sát, kiểm soát tình hình, cấp trên kiểm tra cấp dưới, mỗi thôn bản, mỗi xã phường, mỗi huyện thị là một pháo đài chống COVID-19.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phải có câu trả lời rõ ràng về số lượng vắc xin sẽ có theo ngày tháng cụ thể trong thời gian tới. Bộ Ngoại giao chủ động, tích cực tham gia vào quá trình tìm kiếm nguồn cung vắc xin phòng dịch.

“Việc tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát có nơi, có lúc vẫn còn chưa sâu sát, quyết liệt, thậm chí sơ sài, giữa diễn tập và thực hiện trong thực tế còn khác nhau, triển khai các công việc cụ thể còn lúng túng. Trong đó, Thủ tướng lưu ý dứt khoát phải xây dựng, hoàn thiện thêm các bệnh viện dã chiến, huy động thêm các cơ sở y tế, chuẩn bị sẵn sàng cho phương án có thêm nhiều người từ nước ngoài trở về”, Thủ tướng nói.

Bài liên quan
Nhà sản xuất vắc xin COVID-19 có mặt đầu tiên ở Việt Nam được vinh danh
AstraZeneca vừa chính thức trở thành 1 trong 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2024, trong đó, công ty ở vị trí thứ 5 toàn ngành dược và thứ 35 trong số những nơi làm việc tốt nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
3 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Số ca bệnh COVID-19 ở nước ta nhiều nhưng chỉ có 4 nguồn chính