Sử dụng kính viễn vọng Hubble các nhà khoa học đã phát hiện ra một sự kiện vô cùng thú vị khi một hành tinh đang tạo ra "kem chống nắng" bao quanh mình để chống lại bức xạ từ hành tinh mẹ của nó.
Kepler-13Ab có vẻ sẽ là một hành tinh thích phơi mình dưới ánh nắng mặt trời, khi nó tự trang bị cho mình một lớp kem chống nắng bao quanh mình. Tất nhiên, con người sẽ không thể sống sót trên Kepler-13Ab khi nó rất gần sao chủ của mình, đến nỗi nhiệt độ trên bề mặt của hành tinh này có thể lên tới 5.000 độ C, đủ sức làm tan chảy mọi kim loại có mặt trên bề mặt của nó.
Chưa hết, Kepler-13Ab quá xa hành tinh của chúng ta khi nó cách Trái đất tới 1.730 năm ánh sáng nên việc tiếp cận hành tinh này hiện nay là điều không thể. Hành tinh này bay gần sao chủ đến nỗi nó không thể tự quay quanh bản thân mình, bị khóa chết thủy triều và dẫn đến hiện tượng một bên của hành tinh luôn bị đốt nóng, bên còn lại thì chìm trong đêm tối.
Lớp kem chống nắng hay oxit titan thật sự hình thành ở vùng tối của hành tinh này và rơi xuống mặt đất như mưa. Vì vậy nếu bạn là một tín đồ thích tắm nắng ở trên Kepler-13Ab thì bạn cũng sẽ không nhận được thứ mình cần đúng thời điểm tí nào cả.
Các nhà khoa học nhận định rằng oxit titan bị gió thổi đến vùng tối của Kepler-13Ab và bị đông lạnh, rơi trở lại mặt đất dưới dạng "tuyết". Tuyết rơi nhanh và mạnh vì trọng lực của Kepler-13Ab rất lớn, ước tính gấp tới 6 lần sao Mộc, hành tinh lớn nhất hệ Mặt trời của chúng ta.
"Hiểu biết về bầu khí quyển của những hành tinh lớn như thế này và cách chúng hoạt động sẽ giúp chúng ta dễ nghiên cứu các hành tinh nhỏ hơn với những tính năng phức tạp hơn trong bầu khí quyển của chúng", Thomas Beatty tác giả chính của nghiên cứu mới này cho biết trên tạp chí khoa học The Astronomical Journal.
Ái Vi