Ngoài việc kêu cứu đến nhiều tổ chức và yêu cầu thay đổi những người tiến hành tố tụng, ông Ung Văn Thanh đã chỉ ra những "sai lầm" trong việc đánh giá chứng cứ của vụ án xảy ra tại Chi cục QLTT Sóc Trăng.

Sóc Trăng: Bị can cầu cứu Bộ Công an, đề nghị thay đổi điều tra viên

Duy Khang | 20/10/2018, 14:48

Ngoài việc kêu cứu đến nhiều tổ chức và yêu cầu thay đổi những người tiến hành tố tụng, ông Ung Văn Thanh đã chỉ ra những "sai lầm" trong việc đánh giá chứng cứ của vụ án xảy ra tại Chi cục QLTT Sóc Trăng.

Ngày 19.10, ông Ung Văn Thanh (35 tuổi), nguyên Kiểm soát viên Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 7 của Chi cục QLTT Sóc Trăng cho biết bị can này đã làm đơn gửi thượng tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an, Cục Điều tra Viện KSND tối cao và gần 10 cơ quan từ trung ương đến địa phương.

Ông Thanh kêu oan cũng như khiếu nại nhiều nội dung liên quan đến vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Chi cục QLTT Sóc Trăng”. Hồ sơ vụ án đã được TAND TP.Sóc Trăng trả gần 2 tháng và hiện do Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Sóc Trăng thụ lý.

Vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội

Ông Thanh với ông Châu Hoài Phương (Phó chi cục QLTT Sóc Trăng) cùng bị bắt vào tháng 6.2017 và được tại ngoại vào đầu năm 2018. Ngày 2 và 10.10, hai ngườinhận được quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án và tạm đình chỉ điều tra bị can với lý do chờ kết quả trưng cầu giám định.

Để tránh bị oan sai, ông Thanh sau đó làm đơn gửi Bộ Công an và các cơ quan chức năng để xem xét giải quyết thay đổi những người tiến hành tố tụng trong vụ án. Theo ông Thanh, đó là đại tá Nguyễn Minh Ngọc, Thủ trưởng Cơ quan ANĐT tỉnh Sóc Trăng; đại tá Dương Việt Hùng, Phó thủ trưởng Cơ quan ANĐT; thượng tá Ngô Hoàng Quân, điều tra viên chính và hai điều tra viên là trung tá Thạch Ri Đa, đại úy Trịnh Thanh Lịch.

Theo ông Thanh, ông có những căn cứ rõ ràng để xác định những sĩ quan an ninh vừa nêuđã không vô tư, khách quan khi làm nhiệm vụ nên đề nghị thay đổi.

"Nếu để những người này tiếp tục tham gia giải quyết vụ án thì họ sẽ có những việc làm không đúng pháp luật, gây bất lợi cho tôi. Vì vậy, căn cứ khoản 3 điều 49 Bộ luật Tố tụng hình sự, tôi khiếu nại đề nghị thay đổi toàn bộ những người có tên nêu trên", ông Thanh viết trong đơn.

Căn cứ thứ nhất mà ông Thanh đưa ra là những người tiến hành tố tụng vi phạm nguyên tác suy đoán vô tội khi họ cho rằng ông có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ khi chấp thuận cho đưa đi kiểm nghiệm mẫu phân bón lần 3. Nhưng sự thật ông chỉ là thành viên đoàn kiểm tra, hoàn toàn không có quyền quyết định để cho thử mẫu lần 3.

Vấn đề này đã được thể hiện rõ ràng tại biên bản họp ngày 13.6.2016 nhưng những người tiến hành tố tụng lại áp đặt và quy chụp trách nhiệm đối với ông về việc đi kiểm nghiệm phân bón lần 3 và đến ngày 9.6.2017 đã khởi tố và bắt giam ông.

Đơn của ông Ung Văn Thanh- Ảnh: Hàm Yên

Thứ hai, theo các phiếu kiểm nghiệm phân bón của Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón vùng Nam Bộ cấp ngày 27.6.2016, thì các mẫu phân bón của Công ty Con cò vàng đều đạt các chỉ tiêu chất lượng. Tuy nhiên, Cơ quan ANĐT lại không xem xét đó là chứng cứ gỡ tội để ra quyết định không khởi tố vụ án, ngược lại đã không xem những phiếu kiểm nghiệm kể trên là chứng cứ gỡ tội.

"Như vậy, họ đã không khách quan vô tư khi làm nhiệm vụ, vi phạm nguyên tắc đánh giá chứng cứ được quy định tại khoản 2 điều 108 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định".

Cho rằng người thi hành công vụ nhận thức sai lầm về pháp luật

Những người tiến hành tố tụng cho rằng ông Thanh phạm tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” vì cố ý vi phạm điểm d khoản 2 điều 9 Thông tư số 26/2012/TT-BKHCN ngày 12.12.2012, khi cho đi kiểm nghiệm mẫu lần 3.

Vấn đề này ông Thanh đã trình bày và gửi đơn kêu oan nhiều nơi rằng bản thân ông Thanh không có quyền quyết định cho thử mẫu lần 3, bởi việc này là tập thể quyết định.

"Khi nghiên cứu điều luật này thì thấy rằngquy định này chỉ áp đối với người bán hàng, chứ không áp dụng với người sản xuất hàng hóa. Bởi vì, khi thực thi công vụ, thì người thi hành công vụ còn phải áp dụng các quy định khác của pháp luật.

Trong trường hợp này Đoàn kiểm tra liên ngành đã áp dụng khoản 6 điều 9 và khoản 13 điều 10 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa để chấp nhận việc khiếu nại yêu cầu thử nghiệm lại của người sản xuất.

“Thế nhưng, những người tiến hành tố tụng lại có quan điểm, nhận thức pháp luật rất sai lầm khi cho rằng chỉ áp dụng duy nhất điểm d khoản 2 điều 9 Thông tư số 26/2012/TT-BKHCN để xử lý công vụ và họ không cần xem xét đến quy định khác của pháp luật có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người sản xuất hàng hóa, rồi từ đó quy chụp, áp đặt tôi vi phạm pháp luật và tiến hành khởi tố bắt giam tôi một cách oan ức", ông Thanh tỏ ra bức xúc.

Ngoài ra, cơ quan điều tra cho rằng việc lưu mẫu 30 ngày nhưng 60 ngày sau mới nhận mẫu đi kiểm nghiệm, do đó sau 30 ngày kể từ ngày lưu mẫu thì mẫu không còn tồn tại.

Đây là một nhận định sai lầm rất lớn, bởi vì điểm a khoản 2 điều 6 Thông tư 26/2012/TT-BKHCN của Bộ Khoa học - Công nghệ quy định: Mẫu được lấy theo phương pháp lấy mẫu quy định tại tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.Trường hợp không có quy định về phương pháp lấy mẫu thì lấy mẫu theo nguyên tắc ngẫu nhiên với số lượng đủ để thử nghiệm các chỉ tiêu cần kiểm tra...

Như vậy, trong hợp này đã có Quy chuẩn quốc gia về lấy mẫu phân bón cụ thể quy chuẩn TCVN 9486:2013 nên áp dụng quy chuẩn này để lấy mẫu phân bón. Mặt khác văn bản trên quy định rất rõ là "Hết thời hạn lưu mẫu mà không có khiếu nại, cơ quan kiểm tra xử lý mẫu lưu theo quy định hiện hành".

Do đó, tuy hết thời gian lưu mẫu nhưng vẫn còn khiếu nại của doanh nghiệp và nhà sản xuất, nên trường hợp này cơ quan kiểm tra chưa xử lý mẫu, và luật cũng không quy định xử lý như thế nào. Vì vậy, theo ông Thanh, việc nhận định của cơ quan ANĐT là mẫu “tự biến mất” sau 30 ngày là một nhận định chủ quan, sai lầm, chưa hiểu đúng về pháp luật. Ngoài ra, Đoàn kiểm tra lưu mẫu này cũng không vượt quá 90 ngày theo luật định.

Ngoài những căn cứ trên, ông Thanh còn cho rằng người tiến hành tố tụng đã hiểu và nhận thức sai lầm về các văn bản áp dụng để đánh giá chất lượng phân bón.

Quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án- Ảnh: Hàm Yên

Theo hồ sơ tố tụng, ông Phương là Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Công Thương Sóc Trăng thành lập từ tháng 3.2016. Đoàn này sau đó lấy mẫu 3 loại phân bón của một doanh nghiệp ở thị xã Ngã Năm để gửi xét nghiệm.

Sau 2 lần kiểm nghiệm mẫu phân bón, kết quả cho thấy sản phẩm chưa đạt chỉ tiêu như ghi trên bao bì, đoàn kiểm tra thống nhất cho kiểm tra lại và kết quả đạt.

Cáo trạngcho rằng Thông tư của Bộ Khoa học - Công nghệ không quy định thử nghiệm hàng hóa lần 3. Tuy nhiên, ông Phương bị cho là "muốn củng cố uy tín cá nhân" nên lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để cho lấy mẫu phân bón lưu giữ tại doanh nghiệp đưa đi thử nghiệm lần 3 là sai. Còn ông Thanh thì giúp việc cho ông Phương, nên cũng bị cáo buộc với vai trò đồng phạm.

Khi có kết quả kiểm nghiệm đạt, đoàn kiểm tra đã mở niêm phong, giải phóng cho doanh nghiệp 148 bao phân để bán ra thị trường, gây thiệt hại chongười sử dụng phân bón.

Sau 7 tháng bị tạm giam, tháng 1.2018, ông Phương và ông Thanh được tại ngoại. Cả hai làm đơn kêu oan, cho rằng họ không phạm tội như nội dung cáo trạng nêu.

Hàm Yên

https://motthegioi.vn/phap-luat-c-70/soc-trang-co-quan-dieu-tra-tran-tinh-vu-em-cong-van-co-loi-cho-bi-cao-98720.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sóc Trăng: Bị can cầu cứu Bộ Công an, đề nghị thay đổi điều tra viên