Theo Daily Mail, các nhà nghiên cứu ở Đại học Texas (Mỹ) đã phát hiện rằng những người bệnh được gia đình và bạn bè chăm sóc, an ủi thì thường nằm viện ít hơn. Qua theo dõi 119.439 ca bệnh, họ kết luận rằng sự phục hồi về tâm lý đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phục hồi của người bệnh.
Đó là những ca phải nằm viện sau khi chấn thương hay đột quỵ. Những người bệnh đã trả lời những câu hỏi của các bác sĩ về sự ủng hộ xã hội. Các nhà nghiên cứu đã so sánh thời gian dự tính nằm viện với thời gian phải nằm viện thực. Kết luận của các nhà nghiên cứu: sự ủng hộ về mặt xã hội tác động đến quá trình phục hồi của người bệnh. Những người bệnh không có người thân thăm nom thường nằm viện lâu hơn dự tính. Các nhà khoa họckêu gọi người thân và bạn bènên quan tâm chăm sóc người bệnh hơn trong thời gian họ phải nằm viện.
Mặc dù về cơ bản trùng khớp với kết quả nghiên cứu trên nhưng theo tạp chí Social Science and Medicine, một công trình khác do trợ lý giáo sư Rahul Malhotra và Shannon Ang ở Trường đại học y Singapore tiến hành cho thấy một mặt, sự quan tâm của bạn bè và gia đình giúp giảm mức độ trầm cảm ở bệnh nhân cao tuổi, nhưng mặt khác lại làm họ cảm thấy không còn kiểm soát được cuộc sống.
Công trình nghiên cứu với dữ liệu của 2.766 người già ở độ tuổi 62 đến 97 tuổi cho thấy cảm giác mất kiểm soát đối với cuộc sống làm tăng tâm trạng buồn chán ở họ. Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng điều quan trọng là làm sao để người già không cảm thấy mình lệ thuộc vào người thân và bạn bè. Ngoài ra, không được quên rằng thư từ và các cuộc điện thoại không thể nào thay thế cho những đợt thăm viếng, giao tiếp. Theo các dữ liệu của công trình nghiên cứu được tiến hành ở Đại học tiểu bang Oregon,Mỹ, người già gặp gỡ gia đình và bạn bè tối thiểu 3 lần/tuần sẽ ít bị mắc bệnh trầm cảm hơn.
Vũ Trung Hương