Dữ liệu từ Google Trends cho thấy thế giới hứng thú với các loại xe năng lượng sạch mới nhất hơn là những nguyên tắc cao cả đằng sau chúng.
Nhịp đập khoa học

Sự quan tâm trên thế giới với 'ô tô điện Trung Quốc' tăng vọt, bỏ lại 'nóng lên toàn cầu' phía sau

Sơn Vân 17:22 24/11/2024

Dữ liệu từ Google Trends cho thấy thế giới hứng thú với các loại xe năng lượng sạch mới nhất hơn là những nguyên tắc cao cả đằng sau chúng.

Dù ô tô điện được xem là một giải pháp thân thiện với môi trường, nhưng lý do chính khiến nhiều người quan tâm đến chúng có thể không phải vì các vấn đề về biến đổi khí hậu hay nóng lên toàn cầu, theo dữ liệu mới nhất của Google Trends.

Một chuyên gia về môi trường cho rằng sự thay đổi trong cách nhiều người quan tâm đến ô tô điện là do biến đổi khí hậu trở thành vấn đề gây tranh cãi và được sử dụng trong các cuộc tranh luận chính trị.

Dữ liệu của Google Trends từ tháng 8 cho thấy các tìm kiếm trực tuyến về thuật ngữ ô tô điện (electric vehicle hay EV) đã tăng đều đặn trong thập kỷ qua, đặc biệt là ô tô điện Trung Quốc, và đạt đến đỉnh cao mới năm nay.

Điều này phản ánh sự thành công của ngành ô tô điện Trung Quốc, nơi cũng đạt được một cột mốc mới năm nay với sản lượng hàng năm vượt quá 10 triệu chiếc.

su-quan-tam-tren-the-gioi-voi-o-to-dien-trung-quoc-tang-vot-bo-lai-nong-len-toan-cau-phia-sau.jpg
Dữ liệu của Google Trends từ tháng 8 cho thấy các tìm kiếm trực tuyến về thuật ngữ ô tô điện đã tăng đều đặn trong thập kỷ qua, đặc biệt là ô tô điện Trung Quốc, và đạt đến đỉnh cao mới năm nay - Ảnh: SCMP

Google Trends cung cấp một mẫu các yêu cầu tìm kiếm thực tế và "sự gia tăng đột biến trong một chủ đề cụ thể, đồng nghĩa có nhiều người dùng tìm kiếm hơn bình thường", theo Google.

Ở chiều ngược lại, số lượt tìm kiếm thuật ngữ "nóng lên toàn cầu” đạt mức thấp nhất kể từ khi có dữ liệu vào năm 2004, ngoại trừ một lần duy nhất trước đây cũng đạt mức thấp tương tự, đó là trong giai đoạn đại dịch COVID-19.

Paul Harris, giáo sư chủ nhiệm khoa nghiên cứu toàn cầu và môi trường tại Đại học Giáo dục Hồng Kông, cho biết đã có sự thay đổi toàn cầu khỏi việc sử dụng thuật ngữ “nóng lên toàn cầu”.

Với các nhà khoa học, điều này là do hiện tượng nóng lên toàn cầu, cùng các tác động khác của tăng phát thải khí nhà kính, nằm trong phạm vi rộng hơn của biến đổi khí hậu.

Thế nhưng, Paul Harris cho biết động thái chuyển sang sử dụng thuật ngữ “biến đổi khí hậu” không diễn ra cùng với sự chấp nhận rộng rãi chủ đề này trên toàn thế giới, vì nó “vẫn đang chịu sự phản đối rất lớn”.

Ông cho biết: “Biến đổi khí hậu không còn chỉ là một vấn đề khoa học hay môi trường, mà đã trở thành chủ đề gây tranh cãi trong chính trị nội bộ của các quốc gia cũng như trong các mối quan hệ quốc tế”, đồng thời lưu ý rằng nó cũng liên quan đến nhiều nhóm lợi ích khác nhau.

“Những người muốn hành động về biến đổi khí hậu đang sử dụng các thuật ngữ khác”, Paul Harris nói.

Paul Harris lấy ví dụ từ các cuộc bầu cử gần đây ở Mỹ, nơi ông Donald Trump từng gọi biến đổi khí hậu là một “trò lừa bịp”. Trong chiến dịch tranh cử, thuật ngữ “biến đổi khí hậu” chỉ được nhắc đến ba lần ở các cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ, tất cả đều bởi bà Kamala Harris của đảng Dân chủ.

Trên thực tế, khi được hỏi trực tiếp về biến đổi khí hậu tại cuộc tranh luận ngày 10.9, Phó tổng thống Kamala Harris đã thừa nhận vấn đề này nhưng sau đó chủ yếu tập trung vào việc xây dựng nền kinh tế năng lượng sạch và tạo việc làm.

Theo tổ chức truyền thông Climate Power, việc đề cập chủ đích đến tình trạng nóng lên toàn cầu, biến đổi khí hậu và môi trường đã đạt đến đỉnh điểm trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2000.

Climate Power là tổ chức hoặc chiến dịch vận động chính trị tại Mỹ, chuyên tập trung vào các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo, và chính sách khí hậu. Mục tiêu của Climate Power là thúc đẩy các chính sách năng lượng sạch, giảm khí thải nhà kính, chống lại sự thay đổi khí hậu thông qua các hoạt động vận động, truyền thông và giáo dục công chúng.

Tổ chức này hoạt động chủ yếu để:

- Tăng cường nhận thức về biến đổi khí hậu và khuyến khích các chính sách mạnh mẽ hơn từ các nhà lãnh đạo chính trị và chính phủ.

- Thúc đẩy sự chuyển đổi sang năng lượng sạch, gồm năng lượng mặt trời, gió và các nguồn tái tạo khác.

- Hỗ trợ các sáng kiến chính sách như Green New Deal, đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng sạch và tạo việc làm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Climate Power cũng thường xuyên cung cấp các nghiên cứu, báo cáo, thông tin để giúp các nhà hoạch định chính sách và công chúng hiểu rõ hơn về tác động của biến đổi khí hậu và những lợi ích của việc chuyển sang năng lượng sạch.

Tại Mỹ, trọng tâm gần đây là những thứ như đầu tư vào năng lượng tái tạo để tạo việc làm, vì điều đó có thể "dễ chấp nhận về mặt chính trị" hơn là đầu tư vì mục đích làm sạch không khí và cứu mạng người, theo Paul Harris.

Paul Harris cho rằng nếu ông Trump quay lại Nhà Trắng và đảo ngược các nỗ lực khí hậu của chính quyền Biden, Trung Quốc có thể phản ứng bằng cách giảm mức độ cam kết của mình trong các mục tiêu liên quan đến biến đổi khí hậu, thay vì duy trì hoặc nâng cao tiêu chuẩn hiện tại.

Trung Quốc là "nước đi đầu rõ ràng" về năng lượng mặt trời và gió, nhưng vẫn đang phê duyệt các nhà máy điện chạy bằng than và phá vỡ kỷ lục về sản lượng than, Paul Harris nêu. Ông cho biết việc Trung Quốc tập trung vào năng lượng sạch và ô tô điện là một nỗ lực nhằm đa dạng hóa lưới điện và tạo ra sự tự chủ về năng lượng.

Song những lo ngại về tình trạng dư thừa năng lực sản xuất của Trung Quốc đã khiến Liên minh châu Âu và Mỹ áp thuế với ô tô điện cùng các sản phẩm năng lượng tái tạo của nước này, dẫn đến căng thẳng thương mại gia tăng.

Paul Harris tin rằng việc chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch cuối cùng sẽ xảy ra vì có nhiều lợi ích từ điều này, "nhưng vấn đề là các bước mà chúng ta đang thực hiện trên toàn cầu để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu đang diễn ra với tốc độ quá chậm".

Một đặc điểm nổi bật của chính sách khí hậu quốc tế là hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đây được coi là năm đầu tiên mà mức tăng nhiệt độ sẽ vượt qua ngưỡng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Tuy nhiên, Paul Harris cho biết dù việc duy trì mức tăng nhiệt độ dưới 2 độ là có thể thực hiện được trên thực tế, nhưng điều này có thể "bất khả thi về mặt chính trị" dựa trên tình hình địa chính trị hiện tại.

Thời kỳ tiền công nghiệp là khoảng thời gian trước khi cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra, khoảng từ trước thế kỷ 18, khi nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp và thủ công, chưa có sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp sản xuất lớn.

Trong thời kỳ này, việc sử dụng các nguồn năng lượng như than đá, dầu mỏ và khí đốt còn rất hạn chế, vì vậy lượng khí nhà kính thải ra môi trường chưa cao như sau khi công nghiệp hóa bắt đầu. Thời kỳ tiền công nghiệp được xem là thời kỳ "tự nhiên" của khí hậu, trước khi có sự thay đổi mạnh mẽ do hoạt động của con người, đặc biệt là trong các thế kỷ 19 và 20.

Bài liên quan
Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu với thị trường bất động sản trên thế giới
Trong thế giới đang vật lộn với biến đổi khí hậu, thị trường bất động sản cũng chịu ảnh hưởng. Từ đây, vai trò của thông tin càng cần thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sự quan tâm trên thế giới với 'ô tô điện Trung Quốc' tăng vọt, bỏ lại 'nóng lên toàn cầu' phía sau