Xiaomi, gã khổng lồ smartphone Trung Quốc, đạt được cột mốc sản xuất này chỉ sau 230 ngày kể từ khi ra mắt chiếc ô tô điện Speed Ultra 7 (SU7).
Thế giới số

CEO Lôi Quân bắt chước Elon Musk khi Xiaomi đạt mốc sản xuất 100.000 ô tô điện sau 230 ngày

Sơn Vân 13/11/2024 22:55

Xiaomi, gã khổng lồ smartphone Trung Quốc, đạt được cột mốc sản xuất này chỉ sau 230 ngày kể từ khi ra mắt chiếc ô tô điện Speed Ultra 7 (SU7).

Hôm 13.11, Lôi Quân (nhà sáng lập, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Xiaomi) đánh dấu việc công ty sản xuất chiếc ô tô điện thứ 100.000 bằng bài đăng trên mạng xã hội cho thấy ông ngủ trên sàn nhà máy, bắt chước những gì Elon Musk đã làm trong những ngày đầu ở Tesla.

Trong một bài đăng trên tài khoản Weibo cá nhân, Lôi Quân viết rằng Xiaomi chỉ mất 230 ngày để đạt được cột mốc đó, đồng thời ca ngợi "tốc độ đáng kinh ngạc của công ty mới tham gia ngành công nghiệp ô tô".

Ảnh đăng từ Lôi Quân ám chỉ thói quen ngủ trên sàn nhà máy của Elon Musk (Giám đốc điều hành Tesla) khi hãng ô tô điện Mỹ bắt đầu tăng cường sản xuất Model 3 vào năm 2018.

ceo-loi-quan-danh-dau-viec-xiaomi-san-xuat-chiec-o-to-dien-thu-100-000-sau-230-ngay-bang-cach-bat-chuoc-elon-musk.jpg
Lôi Quân chụp ảnh tái hiện việc ngủ trên sàn nhà máy của Elon Musk - Ảnh: Weibo

Vào tháng 2, video cũ Elon Musk nói về thói quen này tại một hội nghị ở thành phố New York (Mỹ) đã lan truyền trở lại trên mạng xã hội X. Trong video, tỷ phú giàu nhất thế giới nói rằng: "Lý do tôi ngủ trên sàn nhà không phải vì tôi không thể băng qua đường và ở khách sạn. Đó là vì tôi muốn hoàn cảnh của mình tệ hơn bất kỳ ai khác trong công ty. Bất cứ khi nào họ cảm thấy đau đớn, tôi muốn hoàn cảnh của mình tệ hơn".

Năm 2022, trang Insider trích dẫn lời Elon Musk tại một hội nghị của ngành rằng: "Tôi đã sống trong nhà máy ở thành phố Fremont (bang California, Mỹ) và một nhà máy tại bang Nevada trong ba năm liên tục... Đó là nơi cư trú chính của tôi".

Lôi Quân tự tin khả năng của Xiaomi trong việc phát triển hoạt động kinh doanh ô tô điện, khi mẫu sedan SU7 đạt mốc xuất xưởng 100.000 chiếc trước các hãng ô tô điện nổi tiếng hơn ở Trung Quốc. Lôi Quân được mệnh danh là "Steve Jobs của Trung Quốc".

Ví dụ, Li Auto đã đạt được mốc sản xuất 100.000 ô tô điện trong 1,9 năm. Nio và Xpeng mất khoảng 2,8 năm để đạt được mốc đó.

Sự tăng trưởng nhanh chóng hoạt động kinh doanh ô tô điện của Xiaomi, sau khi bắt đầu giao mẫu sedan điện SU7 cuối tháng 3, giúp cổ phiếu niêm yết tại Hồng Kông tăng gần 90% trong năm nay. Cổ phiếu của Xiaomi (có trụ sở tại Bắc Kinh, thủ đô Trung Quốc) chốt phiên 13.11 tăng 1,58% lên 28,90 đô la Hồng Kông.

Đầu tháng 10, Xiaomi cho biết doanh số ô tô điện của họ đang tăng tốc, với lượng xe được giao trong tháng 10 vượt quá 20.000 chiếc. Công ty ghi nhận lượng ô tô điện được giao hàng tháng là hơn 10.000 chiếc từ tháng 6 đến tháng 9. Xiaomi dự kiến ​​sẽ giao chiếc SU7 thứ 100.000 cuối tháng 11.

Tuy nhiên, Xiaomi phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt tại Trung Quốc, thị trường ô tô điện lớn nhất thế giới, với Tesla và BYD dẫn đầu. BYD là hãng ô tô điện lớn nhất trong ngành.

Vào tháng 10, BYD đã bán được hơn 470.000 ô tô điện tại Trung Quốc. Cùng tháng này, Li Auto và Xpeng lần lượt bán được hơn 51.000 và 23.000 ô tô điện tại thị trường trong nước này, còn Tesla là hơn 40.000 chiếc.

Đầu năm 2024, Elon Musk đã đưa ra cảnh báo rõ ràng rằng các công ty Trung Quốc là thách thức lớn nhất với tham vọng ô tô điện của Tesla.

Vào tháng 1, Elon Musk đã nói với các nhà phân tích rằng các đối thủ Trung Quốc, đáng ngại nhất là BYD và Geely, sẽ đánh bại hầu hết công ty ô tô khác trên thế giới khi họ tăng doanh số ô tô điện trên toàn cầu với mức giá rẻ hơn nhiều những gì Tesla hiện có thể cung cấp.

Việc Xiaomi vừa gia nhập vào thị trường ô tô điện Trung Quốc chắc chắn khiến Elon Musk càng lo lắng thêm về sự cạnh tranh ở quốc gia này.

Xiaomi, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc thường gắn liền với việc sản xuất smartphone, đã ra mắt chiếc ô tô điện đầu tiên của mình là SU7 tại một sự kiện sang trọng ở Bắc Kinh cuối tháng 3. Chiếc SU7 có giá khởi điểm 30.000 USD (tương đương 215.900 nhân dân tệ).

Dù SU7 bước vào một thị trường đông đối thủ cạnh tranh, việc Xiaomi ra mắt mẫu ô tô điện rẻ hơn mẫu rẻ nhất của Tesla, chỉ ba năm sau khi Lôi Quân công bố kế hoạch xe điện, đã thu hút được sự chú ý đặc biệt, với gần 90.000 đơn đặt hàng trong 24 giờ đầu tiên.

Điều cũng thu hút sự quan tâm là cách Xiaomi sản xuất Speed Ultra 7 để đạt được thành tích đó.

Cuối năm ngoái, Xiaomi gợi ý rằng có thể sản xuất ô tô điện được một phần nhờ vào quá trình “đúc khuôn siêu tốc” mà họ “tự phát triển”. Phần sản xuất này biến kim loại nóng chảy thành khuôn và yêu cầu các máy móc lớn, phức tạp. Làm thế nào mà Xiaomi, công ty chuyên sản xuất các smartphome cạnh tranh với iPhone, có thể phát triển và quản lý được điều đó?

Với một số nhà phân tích, có lý do để tin rằng Tesla đã vô tình góp phần vào thành tích của Xiaomi.

Kyle Chan, chuyên gia tại Đại học Princeton, gần đây cho biết Xiaomi áp dụng cách sản xuất ô tô điện bằng các máy móc tương tự như Giga Press mà Tesla sử dụng trong quy trình đúc khuôn của mình.

Giga Press là một loại máy đúc khuôn áp lực cao được Tesla phát triển cùng công ty LK Group (Trung Quốc). Đây là máy đúc khuôn lớn nhất thế giới, có lực kẹp từ 55.000 đến 61.000 kilonewton và nặng từ 410 đến 430 tấn.

Giga Press được sử dụng để sản xuất các bộ phận lớn của ô tô điện, chẳng hạn thân xe và khung gầm. Máy có thể đúc các bộ phận này từ nhôm nóng chảy với độ chính xác cao và tốc độ nhanh.

Việc sử dụng Giga Press giúp Tesla giảm chi phí sản xuất và tăng tốc độ sản xuất ô tô điện. Tesla đang sử dụng Giga Press tại các nhà máy ở bang California, Nevada và Texas (Mỹ), Thượng Hải (Trung Quốc) và Berlin (thủ đô Đức).

Dưới đây là một số lợi ích của việc sử dụng Giga Press:

- Giảm chi phí sản xuất ô tô điện bằng cách giảm số lượng bộ phận cần thiết và giảm thời gian cần thiết để tạo ra xe.

- Tăng tốc độ tạo ra ô tô điện bằng cách cho phép sản xuất các bộ phận lớn một cách nhanh chóng và chính xác.

- Cải thiện độ bền của ô tô điện bằng cách tạo ra các bộ phận có độ chính xác cao và ít mối hàn hơn.

Giga Press là một công nghệ mới và đang được phát triển. Tesla và các nhà sản xuất xe điện khác đang tiếp tục khám phá các cách mới để sử dụng Giga Press để cải thiện hiệu quả sản xuất xe điện.

Ngoài ra, Giga Press còn có thể mang lại một số lợi ích khác, chẳng hạn:

- Giảm thiểu tác động môi trường của sản xuất ô tô điện bằng cách giảm thiểu lượng chất thải và năng lượng tiêu thụ.

- Tăng tính an toàn của ô tô điện bằng cách tạo ra các bộ phận có độ bền cao hơn.

Như Kyle Chan đã lưu ý trên mạng xã hội X, khi lần đầu tiên vào Trung Quốc, Tesla đã hợp tác chặt chẽ với LK Group để phát triển “máy đúc lớn nhất thế giới để sản xuất các bộ phận của ô tô điện”.

Liu Siong Song, người sáng lập LK Group, nói với tờ The New York Times vào năm 2021 rằng việc phát triển Giga Press của Tesla là quá trình lâu dài, mất “hơn 1 năm”. Theo Liu Siong Song, Tesla thường xuyên hỏi liệu "có thể làm điều này hay điều kia không" và đòi hỏi phải thay đổi máy móc của LK Group.

Nói cách khác, đây là sự hợp tác khiến Tesla trở thành người tiên phong trong lĩnh vực sản xuất ô tô điện. Tuy nhiên, chuyên môn về đúc khuôn của LK Group không còn bị giới hạn ở Tesla sau năm 2022 vì hãng đã đạt được thỏa thuận với 6 công ty Trung Quốc khác để cung cấp máy đúc cho họ, theo trang Insider.

LK Group không tiết lộ danh tính 6 công ty đó. Thế nhưng, Xiaomi có thể đang sản xuất ô tô điện bằng máy móc và kỹ thuật mà Tesla đi tiên phong cùng LK Group ở Trung Quốc.

Đó có thể là một thực tế khó chấp nhận với Elon Musk. Sau nhiều năm ủng hộ Trung Quốc như một nơi thích hợp để kinh doanh, giờ đây tỷ phú 53 tuổi người Mỹ phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các đối thủ đang điều chỉnh quy trình sản xuất bằng công nghệ mà Tesla từng có lợi thế.

Trong nhiều năm, các công ty phương Tây luôn lo ngại về việc các hãng Trung Quốc sao chép ý tưởng và sự sáng tạo của họ để phục vụ thị trường nội địa bằng những lựa chọn thay thế rẻ hơn.

Với Tesla, đây lại là một rủi ro khác khi hãng phải đối mặt với tình trạng doanh số sụt giảm.

Lôi Quân: Nỗi sợ bị Mỹ trừng phạt đã thúc đẩy Xiaomi chuyển sang sản xuất ô tô điện

Lôi Quân cho biết nỗi lo sợ về các lệnh trừng phạt từ Mỹ vào năm 2021 đã thúc đẩy ông xây dựng hoạt động kinh doanh ô tô điện. Qua đó, Lôi Quân lần đầu tiết lộ yếu tố quan trọng khiến Xiaomi quyết định bước vào một lĩnh vực nổi tiếng là đầy thách thức.

Trong bài phát biểu kéo dài 3 giờ hồi tháng 7, Lôi Quân đã kể lại phản ứng ban đầu của mình khi thấy Xiaomi bị Bộ Quốc phòng Mỹ thêm vào danh sách đen trong những ngày cuối cùng của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump hồi năm 2021. Lôi Quân đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của hội đồng quản trị để giải quyết các quy định mới khiến nhà đầu tư Mỹ không được phép nắm giữ cổ phần hãng smartphone này do cáo buộc có liên quan đến quân đội Trung Quốc.

Xiaomi đã giành được một chiến thắng pháp lý 4 tháng sau đó, khi tên hãng được gỡ khỏi danh sách đen của Bộ Quốc phòng Mỹ. Xiaomi là một trong những công ty Trung Quốc đầu tiên làm được điều này. Thế nhưng, sự việc đó đã buộc Lôi Quân phải nghĩ về tương lai của công ty mà ông sáng lập vào năm 2010. Doanh nhân 54 tuổi nói điều này trong bài phát biểu thường niên năm 2024 của mình.

Khác với Huawei, vốn phải chịu các lệnh trừng phạt khắc nghiệt từ Mỹ, Xiaomi không nằm trong danh sách đen thương mại của Mỹ nên có thể mua các chip mới nhất từ Qualcomm. Đây là điều quan trọng để duy trì tính cạnh tranh trong thị trường smartphone toàn cầu, nơi Xiaomi phải cạnh tranh với Apple và Samsung Electronics.

Xiaomi cũng có thể tích hợp các dịch vụ Google vào smartphone của mình. Việc không có các dịch vụ Google do lệnh trừng phạt từ Mỹ gần như đã làm sụp đổ hoạt động kinh doanh smartphone của Huawei bên ngoài Trung Quốc.

Vào tháng 3.2021, Xiaomi công bố kế hoạch ra mắt một công ty con sản xuất ô tô điện, chỉ hai tháng sau khi bị đưa vào danh sách đen của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Lôi Quân cho biết Xiaomi đã từ chối vốn đầu tư mạo hiểm, thay vào đó rót 10 tỉ USD của chính mình vào doanh nghiệp này trong vòng 10 năm. Giám đốc điều hành Xiaomi gọi đây là "dự án khởi nghiệp lớn cuối cùng" trong cuộc đời mình.

Một phần của khoản đầu tư đó là 5,5 tỉ nhân dân tệ (756,3 triệu USD) để xây dựng một nhà máy ô tô điện rộng lớn tại Bắc Kinh (thủ đô Trung Quốc), với diện tích 718.000 mét vuông, tương đương 100 sân bóng đá tiêu chuẩn, theo Xiaomi.

Bài liên quan
Vivo vượt Xiaomi và Samsung trở thành hãng smartphone bán chạy nhất Ấn Độ quý 3/2024
Trong quý 3/2024, Vivo đã bán được 9,1 triệu chiếc smartphone tại Ấn Độ, chiếm 19% thị phần.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
CEO Lôi Quân bắt chước Elon Musk khi Xiaomi đạt mốc sản xuất 100.000 ô tô điện sau 230 ngày